Các cán bộ Trường Đại học Quốc gia Singapore giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Josephine Teo về một robot trợ giúp đặc biệt. (Nguồn: Straits Times) |
Theo một nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm vừa được công bố, các công việc như kỹ thuật phần mềm, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu... đang đòi hỏi lực lượng lao động trong ngành phải nâng cao kỹ năng để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới.
Tại buổi ra mắt Bản đồ chuyển đổi việc làm (JTM) được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore hôm 13/10, Bộ trưởng Truyền thông và thông tin Josephine Teo kỳ vọng JTM sẽ giúp các nhà tuyển dụng bố trí lại công việc cho những người lao động bị ảnh hưởng và cung cấp các khóa đào tạo hoặc đào tạo lại để người lao động đảm nhận các vị trí công việc mới.
“Chúng tôi có ba ưu tiên chính: nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động; hỗ trợ ngành thông tin và truyền thông gia tăng sức cạnh tranh; thúc đẩy đào tạo cho người lao động”, bà Teo nhấn mạnh.
Thay đổi tương lai việc làm nhiều ngành nghề
Bản đồ chuyển đổi việc làm cho ngành thông tin-truyền thông được đưa ra sau khi những JTM tương tự trong các lĩnh vực như vận tải đường bộ, kế toán và tài chính, bán lẻ, xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng... được công bố.
Các JTM giúp xác định các vị trí công việc có nhiều khả năng bị thay thế hoặc phải chuyển đổi; các vị trí công việc sẽ chịu tác động ở mức trung bình, có khả năng sẽ phát triển để đảm nhận các nhiệm vụ mới và những công việc ít bị tác động.
Riêng lĩnh vực thông tin-truyền thông, các vị trí như kỹ sư cơ sở hạ tầng, kỹ sư quản lý chất lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi công nghệ điện toán đám mây và AI. Nghiên cứu lưu ý rằng, những vị trí này có thể được thuê ngoài cho các nhà cung cấp dịch vụ, được tự động hóa bằng công nghệ, hoặc được gộp lại thành các chức năng khác.
Các vị trí chịu tác động trung bình như kỹ sư quản lý cơ sở dữ liệu hay quản lý sản phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng tương tự, mặc dù ở mức độ thấp hơn do người lao động có thể được trang bị các kỹ năng mới để đảm nhận các nhiệm vụ mới.
Trong ngành truyền thông, các nhiệm vụ không yêu cầu quá nhiều sự sáng tạo sẽ được tự động hóa bằng công nghệ, vì vậy các vị trí như người quản lý tài sản kỹ thuật số và nhà điều hành phương tiện truyền thông sẽ có nguy cơ bị thay thế.
AI có thể hỗ trợ các phóng viên và biên tập viên bằng cách gắn thẻ (tag) các nội dung tin tức liên quan, giúp họ dễ dàng tìm được dữ liệu cần thiết. Các thuật toán mới có thể hỗ trợ soạn thảo nội dung tin tức với tốc độ nhanh hơn.
Trong khi đó, với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo cao như đạo diễn phim, nghệ sĩ trình diễn 3D, người thiết kế trò chơi... sẽ khó bị thay thế.
Bà Ng Yen Ling, quản lý cấp cao về phát triển sản phẩm tại công ty Singtel cho biết: “Để không bị tụt hậu, tôi vẫn phải liên tục cập nhật thông tin, công nghệ mới nhất liên quan đến công việc của mình”.
Không riêng Singapore
Singapore là một trong những quốc gia nhạy bén và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ứng dụng AI vào quản lý điều hành, các ngành công nghiệp như sản xuất bán dẫn, robotics, y dược, sinh hóa… cũng như các ngành viễn thông, dịch vụ tài chính, truyền thông, vận tải và logictics, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, giáo dục, du lịch… Đây cũng là một phần trong chiến lược chuyển đổi Singapore thành “quốc gia thông minh” và thúc đẩy nền kinh tế số .
Theo sát Singapore, những quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều rất nhanh nhạy và đặt tham vọng phát triển nền kinh tế số dựa trên những triển vọng từ công nghệ AI. Các quốc gia này đều đã ứng dụng AI rộng rãi trong công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao và viễn thông, dịch vụ tài chính…
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á quan tâm và tham gia phát triển các ứng dụng sử dụng AI. Đơn cử như ở Indonesia có Sale Stock – một dịch vụ thương mại điện tử dùng AI để dự đoán các xu hướng thời trang trên thế giới và lập kế hoạch sản xuất sản phẩm tương ứng.
Hiện tại, đối với Việt Nam, vấn đề đang làm đau đầu các doanh nghiệp không phải là tài chính mà là nguồn nhân lực cho AI còn thiếu trầm trọng.
Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện có hơn 1.600 người Việt đang làm việc trong các lĩnh vực có liên quan tới AI. Trong đó, chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam. Nếu tính theo số chuyên gia, con số này thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 300 người. So sánh với con số gần một triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì nhân lực trong ngành AI còn quá nhỏ bé.
Ông Trần Trung Hiếu, CEO TopCV cho biết, trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI tại Việt Nam rất lớn, nhưng nguồn cung thì rất thiếu. Tại Việt Nam, nguồn cung nhân sự AI mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.
Để giải quyết bài toán thiếu kỹ sư AI, các doanh nghiệp phải chiêu mộ chuyên gia từ nước ngoài, tuyển dụng về tự đào tạo hoặc “đặt hàng” cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc VinBigdata chia sẻ, mặc dù nhu cầu nhân lực AI tăng cao, song chỉ có khoảng 30% cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến AI, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể làm việc được.