Tỷ giá ngoại tệ từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao?

Các chuyên gia cũng lưu ý hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới vì kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn phục hồi chậm và còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra.

Áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)
Áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)

Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm thì hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt và dự kiến những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Tác động tích cực đến nền kinh tế

Theo số liệu công bố, chỉ số USD trên thị trường tài chính thế giới kết thúc tuần cuối cùng của tháng Tám đã có đà tăng 0,66% - là tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 8 và chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trong tháng Tám, chỉ số này giảm 2,6%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Hiện chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác ở mức 101,77 điểm.

Với thị trường trong nước, đồng USD cũng đã chính thức rơi xướng dưới mốc 25.000 đồng/USD. Cụ thể, ngày thứ Tư (4/9), giá mua USD thấp nhất ở mức 24.680 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 24.700 đồng/USD. Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.020 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 25.050 VND/USD. Như vậy, nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD ngân hàng đã "bốc hơi" khoảng hơn 400 đồng. Giá USD cũng đang ở mức thấp nhất từ đầu năm tới nay.

Lý giải diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong thời gian qua, tiến sỹ Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có cả yếu tố bên trong và bên ngoài tác động lên tỷ giá. Về tác động bên ngoài, đó là sự suy giảm của đồng USD trước kỳ vọng là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất lần đầu vào giữa tháng 9/2024.

Về tác động trong nước, ông Linh cho rằng tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại lớn và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục hỗ trợ niềm tin cho thị trường. Cụ thể, thặng dư thương mại 8 tháng đạt hơn 15,5 tỷ USD đã cho thấy, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, là động lực chính giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong cả năm nay. Trong khi đó giải ngân vốn FDI đạt hơn 13 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá…

Còn theo phân tích của giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến USD lao dốc là Fed gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng Chín. Điều này sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất USD-VND, một trong những nguyên nhân chính khiến VND mất giá so với đồng USD thời gian trước đó. Mức cắt giảm dự kiến sẽ khoảng 0,25 đến 0,5 điểm % trong tháng Chín và khoảng 1 điểm % cho cả năm nay.

Áp lực tỷ giá giảm đã giúp Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu từ 4,5% xuống 4,25% vào ngày 5/8, xu hướng lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng giảm dần sau đó. Theo thông tin từ nguồn liên ngân hàng, thanh khoản thị trường 1 (giữa ngân hàng và doanh nghiệp, dân cư) vẫn khá dồi dào, với số dư trên kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng (citad) đạt trên 350.000 tỷ đồng, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức âm nhẹ khoảng 0,3%-0,4%.

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi khi tỷ giá hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi khi tỷ giá hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)

Theo chuyên gia của Maybank, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào như thép, xăng dầu, đồ uống hay các nhóm có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ôtô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi tỷ giá hạ nhiệt.

Chung quan điểm, chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định tỷ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vẫn cần dự phòng tình huống bất ngờ

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định từ nay đến cuối năm, theo yếu tố mùa vụ vào cuối quý 3, đầu quý 4 nhu cầu USD thường tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm có thể tỷ giá tăng, nhưng không mạnh và sớm ổn định trở lại. Bởi nguồn cung ngoại tệ năm nay khá tốt và Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, hợp lý tránh đầu cơ tỷ giá.

Công ty chứng khoán VNDirect dự báo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng về dưới 25.000 đồng/USD sẽ xảy ra sớm hơn trong kịch bản tích cực. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt, theo nhận định của chuyên gia VNDirect sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay. Trên thực tế, tỷ giá hạ nhiệt đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước giảm dần lãi suất OMO từ 4,5% xuống còn 4,2%.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cũng phân tích, do tỷ giá hiện giảm nên Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát. Đồng Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng giá. VND bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 đồng so với USD. Trong tương lai, VND dự kiến tăng giá dần dần lên mức 24.100 VND/USD vào quý 2/2025.

“Với diễn biến tỷ giá hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm,” các chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra thì một sự kiện bất ngờ có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng rất khó dự báo. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm 250-390 đồng một lít, kg từ 15h, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.