Tỷ lệ ủng hộ sút giảm, vị thế Tổng thống Philippines lung lay

"Lần đầu tiên vị thế của ông Duterte trở nên lung lay đến vậy kể từ khi ông lên cầm quyền cách đây hơn 1 năm”...

ty le ung ho sut giam vi the tong thong philippines lung lay

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: PhilStar.

Sau 16 tháng cầm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, người dân Philippines đang suy giảm niềm tin vào nhà lãnh đạo với nhiều chính sách gây tranh cãi này. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Duterte đã giảm dưới ngưỡng 50% trong bối cảnh chiến dịch chống ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người chết và những kế hoạch cải cách bị xao nhãng.

Hãng tin CNBC dẫn kết quả một cuộc thăm dò do Social Weather Stations, tổ chức thăm dò dư luận uy tín nhất ở Philippines, công bố hôm 8/10 cho thấy trong quý 3, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Duterte đã trượt về mức 48%, từ mức 66% trong kỳ khảo sát trước đó. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ ông Duterte có sự sụt giảm mạnh kể từ khi ông lên cầm quyền vào tháng 6 năm ngoái.

“Môi trường bất lợi do cuộc chiến chống ma túy và sự thiếu vắng kết quả tích cực trong những lĩnh vực khác đang khiến người dân Philippines không hài lòng với Chính phủ”, nhà phân tích về châu Á Eufracia Taylor thuộc công ty tư vấn Verisk Maplecroft phát biểu. “Về việc làm, hạ tầng và chống tham nhũng thì sao? Những vấn đề đó đã bị xao nhãng do tập trung vào cuộc chiến chống ma túy. Giờ thì chúng ta đang chứng kiến tổn thất mà điều đó gây ra”.

Cho tới gần đây, đa số người dân Philippines vẫn ủng hộ ông Duterte và chiến dịch chống ma túy mạnh tay của ông, tin rằng chính sách của ông sẽ đưa nước này trở nên an toàn hơn. Số liệu gần đây của cảnh sát cho thấy 3.850 người đã chết trong các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy kể từ tháng 7/2016.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng số người thiệt mạng trên thực tế cao hơn nhiều. Các tổ chức này cáo buộc ông Duterte cho phép việc giết các nghi phạm ma túy không cần qua xét xử là một sự vi phạm quyền con người. Cái chết vào hôm 16/8 của một thiếu niên trong chiến dịch chống ma túy của Philippines đã làm dấy lên sự lo ngại của người dân nước này về sự bạo tay của cảnh sát, đồng thời dẫn tới một số cuộc biểu tình phản đối chính quyền Duterte.

Trong một động thái phủ nhận sự nghiêm trọng của tỷ lệ ủng hộ ông Duterte sụt giảm, phát ngôn viên của ông Duterte là ông Ernesto Abella ngày 9/10 ra một tuyên bố nói rằng sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ dành cho vị Tổng thống là “điều đã được lường trước, xét tới việc người dân bắt đầu so sánh kỳ vọng của họ với thực tế sau thời kỳ trăng mật và năm cầm quyền đầu tiên của nhà lãnh đạo”. Niềm tin của người dân vào ông Duterte vẫn “rất tốt”, ông Abella nói thêm.

Bất chấp sự chỉ trích trong và ngoài nước nhằm vào chính quyền Duterte, nhiều nhà phân tích không cho rằng Manila sẽ nhẹ tay hơn trong cuộc chiến chống ma túy.

“Điều đó khó xảy ra”, ông Mark Thompson, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hồng Kông, nhận định. Ông Thompson cho rằng có vẻ như ông Duterte tin cuộc chiến chống ma túy “là chìa khóa để lập lại trật tự và diệt tham nhũng”. Trước đây, khi còn là thị trưởng Davao, ông Duterte cũng mạnh tay chống ma túy và gọi chiến dịch đó là “làm sạch” Davao.

Tuy vậy, tỷ lệ ủng hộ ông Duterte nếu giảm sâu hơn sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Chính phủ Philippines trong việc thúc đẩy những cải cách tham vọng, thậm chí có thể làm suy yếu liên minh cầm quyền.

“Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống là thứ có thể giúp ông ấy hoàn thành một số dự án hoặc đạo luật gây tranh cãi. Nếu sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ này tiếp diễn, chính quyền Duterte sẽ gặp thách thức lớn hơn trong việc điều chỉnh hiến pháp hay cải tổ hệ thống thuế”, ông Victor Manhit, Giám đốc công ty tư vấn kinh doanh Bower Group Asia, nhận định.

Không chỉ có tỷ lệ ủng hộ giảm, nhiều vấn đề khác cũng đang làm suy yếu vị thế của Tổng thống Duterte.

Trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines đã giảm 90,3%, theo số liệu được Ngân hàng Trung ương nước này công bố vào tuần trước. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang rà soát lại các giao dịch thương mại với Philippines, với sự chú ý đặc biệt đến vấn đề nhân quyền ở nước này. Ngoài ra, các đối thủ chính trị của ông Duterte cũng đang mạnh lên.

Ông Thompson cho rằng “đây là lần đầu tiên vị thế của ông Duterte trở nên lung lay đến vậy kể từ khi ông lên cầm quyền cách đây hơn 1 năm”.

Vị Tổng thống hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát tòa án và Quốc hội, ngoại trừ một số nghị sỹ, nhưng những tổn thất kinh tế dưới sự lãnh đạo của ông được dự báo sẽ bị “soi” kỹ. Nếu EU chấm dứt ưu đãi thuế quan cho Philippines, thì “đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào thương mại của nước này và sẽ cho thấy những hệ quả thực sự” của cuộc chiến chống ma túy mạnh tay - theo chuyên gia Taylor.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.