Đại diện các sở, ngành tham gia điểm cầu ở Hà Tĩnh
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 TTHC được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đồng thời, tiếp nhận và xử lý 934/1.049 phản ánh, kiến nghị, số còn lại đang được xem xét xử lý.
Về kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay, 100% văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế này trong giải quyết TTHC. Trong đó, 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đến hết quý I/2019 tại các địa phương là 42.127 dịch vụ, trong đó 3.480 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến; số liệu này tại các bộ, ngành tương ứng là 1.709 dịch vụ và 380 dịch vụ.
Cơ sở vật chất đồng bộ, tích hợp nhiều tiện ích hiện đại, các trung tâm hành chính công ở Hà Tĩnh thực sự tạo được sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh P.Q
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC, việc bố trí công chức làm việc tại bộ phận một cửa tại nhiều địa phương còn lúng túng, ban hành quy trình nội bộ giải quyết từng TTHC còn chậm. 17/23 bộ, ngành, 44/63 địa phương chưa ban hành quy chế gửi, nhận văn bản điện tử; nhiều phần mềm chưa được nâng cấp, hoàn thiện; một số địa phương, bộ, ngành chưa tích cực, chủ động trong triển khai nhiệm vụ đơn giản hóa chế độ báo cáo...
Tại hội nghị, đại biểu đã thông tin kết quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình.
Đại biểu cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát TTHC từ khâu dự thảo; kịp thời kiện toàn bộ phận một cửa các cấp theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; thực hiện công bố công khai TTHC, danh mục TTHC tại bộ phận một cửa theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật); Bộ Nội vụ cũng cần hướng dẫn về việc phát hành điện tử không gửi văn bản giấy có ký số, thống nhất thể thức, khuôn dạng văn bản điện tử...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương quan tâm, ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh TTXVN
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương quan tâm, ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo, điều hành Chính phủ trong năm 2019 về quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo các bộ, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý, về việc tổ chức thí điểm gửi, nhận văn bản tới các đơn vị cấp 2 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ 15/6 - 15/7, các bộ, đơn vị trực thuộc bộ triển khai không gửi văn bản giấy đối với một số văn bản hành chính tới các sở thuộc lĩnh vực do mình quản lý; giai đoạn 2, sau ngày 15/7, các đơn vị cấp 2 còn lại có thể gửi, nhận văn bản điện tử với nhau qua trục liên thông văn bản quốc gia. Việc gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số trước ngày 20/6/2019.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Với mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương cần kiên trì và quyết liệt trong triển khai, đặc biệt phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính.