Mùa mít chín

Con người sinh ra ai chẳng neo đậu bến quê những kỷ niệm êm đềm sâu sắc. Riêng anh ngoài những buổi chăn trâu hái sim trên núi, thả diều trên đồng ruộng sau khi đã gặt vãn còn có chuyện tìm mít chín để khao bạn bè.

Tản văn

Anh nhớ mùa mít chín đến nổi hễ ra chợ gặp bà lão nông dân bán mít lại ngân ngấn nước mắt nhớ dáng mẹ ngày xưa. Dẫu bà lão nông dân kia không giống mẹ mình chút nào về khuôn mặt hay vóc dáng nhưng vì quả mít kia, cái cuống đang dây nhựa trắng, vỏ mít vàng thẩm và mùi thơm nức lan toả lay thức cội nguồn tuổi thơ. Cây mít là biểu tượng khoẻ khoắn nhất trong mảnh vườn anh. Dưới bóng mít râm mát bốn mùa có bóng mẹ anh, dưới bóng mít rộ lên những nụ cười vô tư trong trẻo bạn bè.

Anh xa vườn mít đã hơn ba thập kỷ nhưng nhiều lúc ngồi tấn gẫu với hội đồng hương chốn hoa thành nổi hứng lên anh bảo: " Mình có thể vẽ được 30 cây mít trong vườn đứng ở ba mươi vị trí khác nhau ". Chả là vườn của gia đình có diện tích rộng tới gần hai mẫu nên trong cái giới màu xanh um tùm và mênh mông ấy anh nhắc đến con số 30 không có gì lạ cả . Nhưng có những điều lạ nhất cho đến bây giờ anh vẫn không giải thích nổi vì sao cây mít nhà anh có sức khoẻ vô biên như vậy , sống trên đồi cao chon von chót vót đất càng đỏ càng khô bao nhiêu mít càng tăng tuổi thọ bấy nhiêu. Cây mít trong vườn anh theo bố anh cho biết đã có 5 cây đã sống trên 200 tuổi, được xếp diện "mít trưởng lão" nhiều cây 100 tuổi, loại mít 50 tuổi thuộc lớp hậu sinh . Điều đặc biệt như trời ban tặng lộc cho nhà anh là vườn năm nào mít cũng đậu quả và lạ nữa không có cây nào khi quả mít chín lại bị sâu đục ruổng hay bị căn bệnh "múi bị hoại tử ".Vườn mít nhà anh có 2 loại mít: mít mật và "mít dai". Ngoài ra còn có một cây mít khi chín múi trắng như mỡ mà ông nội anh đã đặt tên cho nó là Cây Mít Mỡ .

Loại mít mật khi bổ ra ăn thường phải dùng đũa, còn loài "mít dai" gỡ hết lớp xơ nhỏ cầm trên tay ăn vô tư. Anh là người thích ăn mít mật nhất, có bữa đi cắt rạ ở ngoài đồng về đói bụng quá lại gặp phải cây mít mật chín ngon nhất trong vườn anh "xơi" luôn đến "một phần tư quả".

Vườn mít đã huấn luyện anh thành chú sóc trèo cây giỏi. Anh biết tín hiệu mít chín và tinh tới mức

chưa cần thưởng thức mùi thơm chỉ trông thấy một vài con bướm lượn vòng tròn quanh quả mít là đã rõ rồi ... Khi đưa sào nứa vỗ nghe âm thanh bồm bộp cứ thế chẳng cần phải bắc thang rồi anh dắt sau lưng một sợi dây thừng dài kèm theo một chiếc giống mây nhỏ xíu và chiếc rỗ tre nhỏ xíu (công nghệ hái mít cổ truyền do bố anh tự làm c) để hái mít chín . Mít từ tự hạ xuống đất an toàn.Vườn anh đến mùa mít chín rộ cũng là những ngày anh được bố mẹ phân công lịch cho mít hàng xóm rất đều đặn. Có lúc anh bế quả mít trên tay có lúc anh phải quảy gánh vì người thân hữu ở xa nhà mình. Mỗi lần đi cho mít chín lại được nhìn những ánh mắt thân thương và nụ cười đôn hậu " Cháu về nói với bố mẹ cháu bác cảm ơn nhé. Mít nhà cháu ngon lắm, bác ăn xong còn lấy xơ để muối nhút đây.. "

Lời nói ấy lại thêm một hoài niệm nữa của mùa mít chín, dầu ba mươi năm sau vườn cũ nhà anh đã khác xưa rồi. Nhưng anh tin rằng những cây mít còn hiện hữu vẫn giữ được vị ngọt của ngày xưa và trong tiếng ve ran mùa hạ lại có thêm đàn trẻ trèo lên cây mít …

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast