Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

(Baohatinh.vn) - Đã từng thưởng thức nghệ thuật sân khấu về Nguyễn Du và Truyện Kiều với các loại hình như: ngâm Kiều, lẩy Kiều, chèo Kiều, bale Kiều và xem phim tài liệu - nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” nhưng phim “Kiều” vừa ra mắt khán giả tối 7/4 gây ấn tượng mới mẻ trong tôi.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Cảnh Thúy Kiều đánh đàn mua vui ở Lầu xanh trong phim điện ảnh “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền

Đúng như Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn đã trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh là khát vọng tự do mở ra ý tưởng sáng tạo, các cảnh của phim xoay quanh khao khát được tự do, được sống với người yêu của nàng Kiều (Trình Mỹ Duyên thủ vai) khi bị bán vào lầu xanh, bị mua đi bán lại như món hàng, rồi bị rơi vào “bẫy” của nhà họ Hoạn với âm mưu “làm cho đày đọa ngóc đầu chẳng lên” của Hoạn Bà (NSND Lê Khanh đảm nhận), Hoạn Thư (Cao Thái Hà thủ vai).

Ba không gian chính được khắc họa trong phim là cảnh lầu xanh của Tú Bà (ca sĩ Phương Thanh thủ vai), cảnh êm đềm hạnh phúc giữa thiên nhiên tươi đẹp của Kiều và Thúc Sinh (Lê Anh Huy hoá thân), cảnh trong dinh thự nhà họ Hoạn lầu son gác tía nhưng ngập tràn nỗi đau và bi kịch của nàng Kiều và cả chính Hoạn Thư.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Cảnh sắc hùng vỹ và tươi đẹp của thác Bản Giốc (Cao Bằng) được lấy làm bối cảnh thể hiện khát vọng tự do của Kiều và Thúc Sinh. Ảnh: cắt từ Trailer phim Kiều.

Không chỉ Kiều khao khát tự do, Thúc Sinh cũng khao khát được sống với người chàng yêu thương, sẵn sàng đánh đổi cả tài sản và tính mạng để cứu nàng. Hoạn Thư - nhân vật nổi tiếng bởi “máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen” nhưng cũng đầy khao khát được yêu, được hạnh phúc như nàng Kiều.

Vì ý tưởng khao khát tự do nên tác giả kịch bản và đạo diễn đã xây dựng cảnh Thúc Sinh sau khi bị Hiền Bá (Hiếu Hiền) - nhân vật đại diện cho thế lực xấu xa bỉ ổi trong xã hội - đốt thuyền buôn lụa đẩy chàng vào cảnh trắng tay, không còn tiền để chuộc nàng ra khỏi lầu xanh nên đã đem nàng vượt tường đi trốn. Hai người đã đến một nơi xa lạ, làm một túp lều tranh trên thảm cỏ và gần thác nước để sống.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Trình Mỹ Duyên đã thể hiện một nàng Kiều xinh đẹp, trong sáng, ngây thơ và đầy bất hạnh

Nói về diễn xuất, mặc dầu còn rất trẻ nhưng Mỹ Duyên đã “cảm” được nỗi đau nàng Kiều nên với cảnh đánh đàn trong lầu xanh, nét mặt và giọt nước mắt lăn của cô, đặc biệt là “sự khóc” của cô trong cảnh hầu đàn cho bữa tiệc của gia đình họ Hoạn đã làm khán giả lay động.

Đạo diễn Mai Thu Huyền từng “bật mí”: “Duyên khóc nhiều đến nỗi khi máy tắt rồi mà cô vẫn khóc mãi, người rũ ra, cả nhóm phải vực dậy. Khán giả hẳn sẽ yêu nét trong sáng thơ ngây của nàng Kiều trong cảnh tình yêu đôi lứa giữa thiên nhiên tươi đẹp”.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Lê Anh Huy gây ấn tượng khi thể hiện hình tượng Thúc Sinh vừa lãng tử, si tình và trượng phu

Thúc Sinh có thể nói là nhân vật để lại trong tôi những cảm xúc mới lạ. Đây là nhân vật “3 trong 1”: vừa có nét “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” của Kim Trọng, vừa có nét si mê, dám bước qua nguyên tắc đạo đức phong kiến để đến với nàng Kiều của chàng Thúc Sinh, vừa có nét ngang tàng xả thân của Từ Hải.

Lê Anh Huy - diễn viên thủ vai Thúc Sinh vốn là một bác sĩ ở Pháp, chỉ vì đam mê điện ảnh, mê Truyện Kiều mà anh đã nghỉ việc về đầu quân cho Mai Thu Huyền. Anh từng nhận xét: “Thúc Sinh là nhân vật hay hơn cả Kim Trọng và những câu Kiều hay nhất cũng là về mối tình Thúc Sinh - Thúy Kiều”.

Vào vai Thúc Sinh, một chủ thuyền buôn tơ lụa lãng tử, có khí chất “anh hùng cứu mỹ nhân” yêu nàng Kiều với tất cả tình yêu trong sáng và phải chịu nỗi cay cực dưới sự khinh khi của Hoạn Bà, Lê Anh Huy đã khiến khán giả “đã mắt”. Hình thể, thần thái, phong độ, lời thoại và ánh mắt chất chứa nỗi đau câm lặng của Thúc Sinh đã chiếm được sự ưu ái hơn chàng “Thúc Sinh quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”, “Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run” trong Truyện Kiều.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Cao Thái Hà có nhiều đất diễn khi thể hiện vai Hoạn Thư đáng thương hơn là đáng giận

Hoạn Thư trong phim là nhân vật diễn xuất “có nghề” khi đã để lại nhiều lời khen cho khán giả. Từ nhân vật để đời “ghen Hoạn Thư”, tác giả kịch bản và đạo diễn đã cho khán giả một góc nhìn khác: Nỗi đau của một phụ nữ con nhà danh giá luôn giữ “nếp nhà” bị phụ tình, hay nói chính xác là chưa một lần được yêu. Hoạn Thư có đủ mọi thứ: tiền bạc, quyền lực, vẻ đẹp, chỉ trừ tình yêu.

Diễn xuất của Cao Thái Hà khi chứng kiến cảnh chồng mình ân ái với người khác, cảnh Hoạn Thư chạy theo Thúc Sinh và khóc nức nở đã đạt đến độ khiến khán giả cảm thông, không còn căm ghét kẻ đã đày đọa nàng Kiều. Nhiều người nhận xét: “Những cảnh ấy ngày nay vẫn còn”.

Các nhân vật Tú Bà, Hoạn Bà, Hiền Bá với sự diễn xuất của NSND Lê Khanh ca sĩ Phương Thanh và nghệ sỹ Hiếu Hiền đều để lại những cảm tình sâu sắc với khán giả: mụ chủ lầu xanh ma giáo chỉ yêu tiền, quan bà lạnh lùng và tàn nhẫn, tên trọc phú xấu xa, thô tục và nham hiểm. Những kẻ đại diện cho cái ác đâu đó vẫn lẩn khuất trong xã hội ngày nay.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Diễn xuất tuyệt vời NSND Lê Khanh trong vai Hoạn Bà là một trong những điểm sáng của phim điện ảnh “Kiều”.

Kịch tính, mâu thuẫn trong “Truyện Kiều” đã được khai thác dưới góc độ phim cổ trang gây hồi hộp cho khán giả: cảnh Thúc Sinh đánh nhau, cảnh Hiền Bá đốt cháy thuyền, cảnh đánh tráo nàng Kiều với người hầu ở lầu xanh khi rước dâu. Nhân vật Đạm Tiên luôn hiện về tâm sự và chỉ huy, xúi giục, dọa dẫm nàng Kiều. Cùng với đó là âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là bối cảnh được đầu tư khá công phu khiến cho tính huyền bí, hấp dẫn tăng lên, gây hứng thú với khán giả.

Phim cổ trang nhưng cũng có nét thuần Việt, đúng như ý tưởng của Mai Thu Huyền: cảnh thác nước và cánh đồng ở Cao Bằng, trang phục áo cánh váy the và khăn vấn của nông dân Trung bộ, cây đàn nguyệt thay cho đàn tỳ bà, tiếng đàn, đặc biệt là lời ngâm Kiều thỉnh thoảng vang lên trong vài cảnh huống. Không gian đep, đặc biệt là những cảnh quay trong đêm khi trăng lên, cảnh chiếc xe chở Kiều “trong cõi hồng trần” trên biển cát mênh mông là những cảnh đẹp giúp bộ phim tăng sức hấp dẫn.

Ở cảnh kết, ba nhân vật chính đi qua nhau, đi về ba hướng, không ai thuộc về nhau giữa biển cát, hay chính là biển đời mênh mông khiến nhiều khán giả hài lòng. Tôi cũng rất thích cảnh đó vì nó mở ra nhiều chiều hướng để mặc lòng khán giả tự mở ra.

Phim “Kiều” cho tôi những cảm xúc mới mẻ

Cảnh Thúy Kiều đi giữa “hồng trần” gây ấn tượng đối với khán giả

Nếu còn nói điều gì chưa thõa mãn với một người mê Truyện Kiều như tôi thì đó là nhân vật Đạm Tiên bị lạm dụng quá mức khiến tính chất ma mị lấn át chiều sâu nội tâm nhân vật. Đó là dung lượng dành cho khoảng lặng của nàng Kiều quá ít. Chỉ hiếm hoi một khoảng lặng (khoảng vài ba giây chia tay Thúc Sinh “vầng trăng ai xẻ làm đôi”), không cảnh đêm đêm trằn trọc nỗi đau bị giày xéo thân xác và tâm hồn, không cảm giác nhục nhã ê chề, không nỗi nhớ người yêu, cha mẹ…

Nói tóm lại, toàn bộ thế giới nội tâm nàng Kiều - dùng cảnh tả tình chính là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du lại không được thể hiện. Nói thơ khác điện ảnh không sai, nhưng có nhiều câu thơ có thể làm hình tượng cho điện ảnh. Tại sao đạo diễn không tạo hình nàng Kiều tĩnh lặng trên lầu Ngưng Bích...

Dẫu vậy, với tôi, “Kiều” đã có những thành công. Quan trọng nhất, qua phim, những ai, nhất là giới trẻ đã lãng quên một tác phẩm kinh điển từng góp phần đưa Nguyễn Du trở thành Đại thi hào thế giới có dịp để hiểu thêm, yêu thêm Truyện Kiều và Nguyễn Du.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast tùy bút: Về thăm quê Bác Làng Sen

Podcast tùy bút: Về thăm quê Bác Làng Sen

Về thăm quê Bác tháng 5, ta như được đi trong làn hương thơm dịu mát của hoa sen, loài hoa với phẩm cách thanh cao và luôn tỏa rạng, tỏa sáng, vừa thoảng hương thơm ngát, vừa bình dị gần gũi với đồng quê mộc mạc.
Podcast đến với bài thơ hay: Một chiều Đồng Lộc

Podcast đến với bài thơ hay: Một chiều Đồng Lộc

Đã có hàng trăm bài thơ ra đời tỏ lòng khâm phục và tiếc thương mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc cùng bao người con đã ngã xuống nơi đây, dẫu vậy, “Một chiều Đồng Lộc” vẫn để lại dấu ấn riêng về tứ thơ và tình cảm của tác giả.
Podcast tản văn: Bến nước sông quê

Podcast tản văn: Bến nước sông quê

Có những dòng sông không chỉ chảy qua đất đai mà còn chảy dọc theo miền ký ức. Có những bến nước không chỉ là nơi neo đậu của những chuyến đò ngang, mà còn là nơi neo đậu của hồn quê, của tình người, và những kỷ niệm lắng sâu.
Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Tôi sinh ra và lớn lên từ làng, nơi có lũy tre xanh rì rào khăng khít, nơi ôm ấp tôi từ thuở ấu thơ đầu trần chân đất, nơi thật thà chất phác ruộng đồng vàng hươm, dòng kênh miệt mài tưới tắm đi qua bao vật đổi sao dời…
Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Chiều quê yên ả, những cánh đồng mướt xanh như tấm thảm trải dài vô tận. Màu xanh ngút ngàn căng tràn sức sống của lúa đương thì con gái khiến người xem như được tiếp thêm nguồn sinh lực sống mạnh mẽ...
Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 tăng gần 50% so với trước đại dịch, trong khi Thái Lan tăng trưởng chậm khiến các doanh nghiệp lữ hành lo lắng.
Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

"Mùa cau trở lại" của tác giả Sơn Trần. Với giọng kể chân thành, mộc mạc, câu chuyện không chỉ nói về mùa cau – mùa vụ gắn bó với đời sống người dân quê – mà còn thấm đẫm những tình cảm gia đình, nỗi nhớ quê hương, và tình yêu âm thầm mà sâu sắc.
Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Có những hương vị tuổi thơ chỉ cần nhắc tới thôi đã khiến lòng ta thổn thức. Trong ký ức của nhiều người, trái mít quê – mộc mạc, thơm nồng – không chỉ là món quà ngọt ngào của đất trời mà còn là biểu tượng của tình làng nghĩa xóm, đầy ắp yêu thương.
Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Sáng 6/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".
Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có nhiều đoạn tuyến băng qua đồng ruộng, đồi núi, sông suối tạo nên những cảnh đẹp hữu tình. Tuyến cao tốc được kỳ vọng tạo động lực quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho Hà Tĩnh.
Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Thời tiết khá tốt, nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, giao thông thuận tiện... là những yếu tố quan trọng giúp các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh thu hút hơn 734 nghìn lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình với những bãi biển cát mịn, nước trong, nhiều làng chài cổ có tuổi đời hàng ngàn năm. Về Hà Tĩnh, du khách không chỉ được đắm mình trong làn nước biển xanh trong, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn được nghe những huyền tích thú vị.
Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Dù là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh.
Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Hồng Huy là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ với danh xưng: “kẻ sĩ Ngàn Hống”.