Làm báo - Ba giọt mực mài nước mắt

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), chiều ngày 20/6 tại Cơ quan thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương (TP HCM) đã ra mắt cuốn sách Làm báo - Mực mài nước mắt của nhà báo kỳ cựu Lê Khắc Hoan. Nhà văn - nhà báo Trần Quốc Toàn gởi đến độc giả Thể thao & Văn hóa (TTXVN) một góc nhìn về quyển sách đặc biệt này.

Từ hơn 400 trang Làm báo - Mực mài nước mắt, tác giả cô đặc thành 3 chữ, long lanh như ba giọt lệ: “tráng - bi - hài”. Rồi người làm sách lại lấy chính 3 “giọt lệ chữ” kia đưa lên bìa một, nối thành những đường kẻ trắng dẫn người đọc vào quyển sách.

lam bao ba giot muc mai nuoc mat

Nhà báo Lê Khắc Hoan ở tuổi 80

Tráng lệ và bi hài là hòa âm, hòa sắc của 14 chương vừa là sử nghề báo chí giáo dục, vừa là chuyện đời của những nhà báo gắn với sân trường bục giảng, trong suốt hành trình 50 năm phát triển của một tờ báo. Sự tráng lệ ánh lên trong phấn đấu và thành đạt của những nhà báo. Của chính người kể chuyện Văn Trí - tức Lê khắc Hoan.

lam bao ba giot muc mai nuoc mat

Từ hiệu trưởng một trường tiểu học vào Nam, mới 21 tuổi, ông dấn thân vào nghiệp báo để lần lượt làm 6 tờ báo giáo dục, mà có lúc chỉ để viết 1 bài báo phải “7 ngày trèo núi, vượt suối”, phải đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Và ông còn làm báo giáo dục cho tới ngày hôm nay, ở tuổi 80, để kiên định niềm tin đã gắn với “tờ báo Người giáo viên nhân dân (nay là Giáo dục & Thời đại) ra đời từ năm 1959, thực sự là bạn đồng hành thân thiết của phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt”. Bám sát phong trào này tác giả Lê Khắc Hoan có đủ chất liệu đời sống để từ những bài báo mình viết, mình tổ chức, mình biên tập mà xây dựng được trong sách này hình ảnh nhưng ông thầy cho ra thầy.

lam bao ba giot muc mai nuoc mat

Tác phẩm "Làm báo - Mực mài nước mắt"

Từ các đại trí thức, giáo sư tiến sĩ văn chương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cùng Thứ trưởng - Viện trưởng Nguyễn Khánh Toàn và nhà văn Trần Thanh Mại.., những người đã có công khai sinh tờ báo ngành. Từ một giáo viên cấp trung học cơ sở như thầy Tôn Thân - thầy của trò Ngô Bảo Châu, ông thầy “yêu toán học đến mức tốt nghiệp sư phạm văn, nhưng vẫn xin dạy toán. Và dạy hay, từ bậc trung học cơ sở, cho tới bậc thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Rất khiêm nhường và nho nhã, (thầy Tôn Thân) lại chẳng dễ chấp nhận sự trói buộc của bốn bức tường lớp học, anh tìm vào góc bếp nghèo của một học sinh nông thôn để phát hiện phẩm chất “vua toán” trong câu học sinh mới chỉ giỏi… băm bèo nuôi lợn”.

Nhưng trong sách này, bên tráng lệ còn bi hài. Hài như chuyện một nhà báo, rất tự tin lệnh cho in bài báo dài 8 trang 29 x 42 cm của mình vào tờ báo chỉ có tổng số… 8 trang in cỡ ấy, mà ông làm tổng biên tập. Cũng chính tổng biên tập này, dám khen một tin ngắn, khi tin ấy được viết dài thành… thơ. Hài như chuyện các ký giả ngày ấy hăng hái thâm nhập thực tế là để có “tiểu yến” (Lúc đến hai gà chào đón khách) và “đại yến” (Khi đi một chó tiễn đưa đoàn!).

Còn bi đát thì bi như nhà văn - nhà báo Hoàng Minh Tường “ẵm nhuận bút tới 5.500 đồng, có thể mua liền hai ngôi nhà giữa lòng Hà Nội khi ấy (mỗi căn tương đương 5 tỷ đồng bây giờ). Nhưng số… không giữ được của. Anh trích mua một máy chữ xách tay Optima để “đầu tư cho sáng tác” và mua một xe đạp bằng khung Sài Gòn, lắp ráp phụ tùng gia công, còn lại gửi tiết kiệm. Nào ngờ, năm 1985 đổi tiền, khối tài sản nhuận bút khổng lồ… thành mớ giấy lộn.

Và bi thương thì riêng chương 7 - Đấu tranh này là trận cuối cùng - kể chuyện các nhà báo chống tiêu cực, đã có đến 4 người vì những lý do không đâu mà lận đận, thậm chí có người phải vào tù. Vì là ký sự, nên cả bốn người này đều đầy đủ tên tuổi trong sách.

Tuy là ký sự, là phi hư cấu, nhưng tác giả Lê Khắc Hoan vẫn biến thành phong cách Văn Trí (cũng là bút danh chính của ông). Bằng cách hoán đổi này, phi hư cấu thành ra siêu hư cấu, ký giả Văn Trí tung tẩy trong bút pháp linh hoạt của một tác giả tự truyện, tự phân thân, biến mình thành hắn, khiến dòng ký ức cá nhân vốn đơn thanh trở thành đa thanh trong hợp âm tráng-bi-hài.

Trần Quốc Toàn

Nguồn: TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast