Ngôi nhà vắng

(Baohatinh.vn) - Bà Túy nói với Quang: “Nhà chỉ có mình con là con trai, thôi thì con nói với Bảo nếu thương con thì về nhà mình mà ở. Vả lại nhà mình vắng vẻ lắm, thêm một người thì vui cửa vui nhà...”.

Từ ngày yêu nhau cho đến khi quyết định lấy, Bảo vẫn nói với Quang là Bảo không thích làm dâu, nếu Quang đồng ý lấy Bảo thì hai người ra thuê nhà mà ở. Bảo nhăn mặt: “Thời buổi này mà đi làm dâu thì bạn bè em nó cười thối mũi”. Thực ra thì Quang cũng thích ở riêng cho vợ chồng tự do, nhưng ngẫm lại nếu Quang rời khỏi nhà, bỏ mẹ sống một mình thì thấy thương mẹ. Quang phải thuyết phục cả tuần lễ, Bảo mới đồng ý. Hai người hẹn nhau ra quán nước có nhiều bóng cây cổ thụ cao, che khuất cả ánh mặt trời để nói chuyện tương lai.

Minh họa: HUY TÙNG
Minh họa: HUY TÙNG

Bảo khuấy khuấy ly nước trước mặt cho những hạt chanh trong ly nổi bồng bềnh, nói với Quang thật chậm rãi: “Em không biết nấu các món nhậu. Em chẳng biết chiều mẹ chồng. Công việc em ở công ty cũng ngập mặt ngập mũi rồi. Lấy chồng mà làm dâu nữa thì chắc em không lấy chồng đâu”. Đó là điều Bảo nói thật. Bởi sống trong một gia đình sung túc, bố là một cán bộ cao cấp, mẹ lại giỏi giang trong việc kinh doanh buôn bán, từ khi sinh ra cho đến lớn lên, Bảo chỉ có mỗi việc là ăn học.

Bảo chẳng hề được trang bị một kiến thức nào gọi là làm dâu. Người ta vẫn nói là dâu con phải biết vào bếp nấu ăn, phải đảm đang việc nhà, phải thức khuya, dậy sớm chăm sóc mẹ chồng, với Bảo thì ngoài nhan sắc, việc vào bếp hoặc lo những chuyện vụn vặt trong gia đình chồng không phải việc của mình. Bảo đã nói với Quang: “Ngoài đường, quán xá có thiếu gì thứ, chỉ cần bấm điện thoại là họ đem tới nhà. Cứ lui cui trong bếp thì em mau già, em mà mau già thì ra đường anh lại ngó nghiêng ngó ngửa ngắm nhìn mấy cô xinh đẹp hơn em”. Quang vuốt tóc Bảo: “Ừ, tùy em vậy. Miễn là em chịu về ở chung với mẹ”.

Tình yêu của họ cũng từ buổi gặp tình cờ khi cả hai cùng đi dự sinh nhật của Tâm, bạn của hai người. Từ đó là hẹn hò, là bịn rịn... Chẳng thư tình kể lể, cũng chẳng có đón đưa trước cơ quan hay cổng nhà. Mà thời buổi này ai lại viết thư tình để làm gì? Chỉ cần ghé vào một điểm internet công cộng nào đó, chỉ 3.000 đồng cho một tiếng đồng hồ là có thể gửi thư cho nhau. Thậm chí, trên mạng không thiếu những trang web có các tấm thiệp xinh xinh để tỏ tình mà chẳng hề tốn công sức.

Hôm dự tiệc, Quang xin địa chỉ mail của Bảo. Rồi hai người tỏ tình với nhau qua những lá thư từ màn hình vi tính. Có hôm hẹn giờ chat với nhau. Rồi yêu nhau mà chẳng cần đón đón đưa đưa, chẳng cần dăm ba lần tặng hoa hồng. Bảo nói với Quang: “Bao nhiêu người con trai tìm đến. Loại đẹp trai thì chảnh chọe, loại có tiền thì nghênh ngang... Chẳng có ai yêu em thật lòng như anh. Nhưng nói thật là em sợ bị bà mẹ chồng gác cửa, nói nặng nói nhẹ khi mình đi chợ về. Em sợ phải thức khi mình buồn ngủ, phải giữ gìn lời nói, không được tiếp xúc bạn bè”. Ừ, lấy chồng mà về nhà chồng ở thì hiển nhiên là phải mất tự do. Mất tự do tụ tập bạn bè, ăn nói bổ bả hay đi shop. Nhưng cuộc sống luôn đầy rẫy những điều mà không ai đoán được.

Thế là Bảo về nhà Quang làm dâu. Thúy là cô bạn thân với Bảo từ thời trung học, tới nhà thăm: “Mày chịu lấy anh chàng hiền như bụt đó à? Rồi còn về làm dâu nữa. Gái như mày ngủ tới 9h sáng mới dậy, tối cứ la cà ngoài đường thì thế nào bà già chồng cũng cầm roi đuổi ra khỏi nhà”. Bảo cười: “Cứ để đó xem mèo nào cắn mỉu nào”.

Bà Túy hay đi lễ chùa. Bà bỏ nhiều thời gian đi làm công việc từ thiện. Hôm Bảo về nhà, bà nói: “Mẹ giao nhà cho con, mẹ rảnh rang công việc”. Bà đi thăm những người bạn già. Hôm thì đi quyên góp ghé bệnh viện tâm thần nấu chè cho người bệnh ăn. Có lúc bà theo đoàn đi tận các nơi xa cứu trợ bão lụt. Còn Bảo thì cũng học được tấm bằng đại học tại chức ngành quản trị kinh doanh, kiếm được chỗ làm ở bên bảo hiểm nhân thọ. Công việc của Bảo chẳng bị gò bó giờ giấc hành chính. Nhưng Bảo quen chân, chỉ thích đi ra đường. Đó cũng là một cái cớ giống như Bảo chưa hề có chồng.

Thế là về nhà chồng mà chẳng phải làm dâu ai. Nhưng đó chỉ là mấy tháng đầu, sau đó thì bà Túy chẳng còn đi thăm viếng các địa chỉ từ thiện nữa, bà về hẳn ở nhà. Mặc dù có mẹ chồng bên cạnh, nhưng cứ chồng ra khỏi cửa là vợ cũng ra khỏi cửa theo. Tối ngày, Bảo cứ leo lên chiếc Spacy bóng loáng long nhong, không có hẹn với khách hàng thì bấm điện thoại gọi cô bạn nào đang rảnh đi chơi. Mà thế gian này biết bao nhiêu chuyện để đi. Này nhé, dự tân gia, sinh nhật, thôi nôi, đám cưới, mừng lên chức, bạn ở nước ngoài về... Chuyện bếp núc Bảo chẳng quan tâm. Hàng ngày, bà Túy vẫn xách giỏ đi chợ.

Nhiều người nhìn bà ái ngại: “Có dâu rồi thì phần việc chợ búa để cho nó lo. Bà còn phải chen chân trả giá mắc rẻ làm gì cho mệt”. Nghe lời, hôm sau bà nói với Bảo: “Con đi chợ cho quen. Con gái con lứa đã có chồng rồi mà không biết đi chợ thì người ta cười cho”. Thế là Bảo xách giỏ đi chợ. Nhưng chuyện đi chợ cũng thật lạ đời. Bảo đi quanh chợ một hồi rồi than thở: “Cả chợ chẳng có thứ gì ăn được. Lựa mãi cũng chỉ toàn là cá với thịt”. Thức ăn Bảo mua về để đấy, bà Túy lại phải lăn vào bếp. Nàng dâu thời nay như Bảo quả thật là sướng.

Bảo vốn là con nhà giàu, tánh tình cũng chẳng có gì gọi là chanh chua. Nhưng như đã giao hẹn với Quang: “Em thương anh thì em lấy, chứ em chẳng làm dâu ai đâu!”. Bảo hồn nhiên làm vợ, làm dâu theo cách của mình. Có nhiều ngày, Bảo chỉ nằm trong phòng xem tivi hoặc “nghiên cứu” các tạp chí thời trang. Còn bà Túy lau nhà, dọn dẹp và thậm chí giặt đồ cho vợ chồng.

*

* *

Bảo sắp sinh đứa con đầu lòng. Hơn ai hết, bà Túy lại phải vất vả trăm chiều để lo cho đứa con dâu. Bà nhớ lại thời bà mang thai, khi đó có sữa hộp cho con uống là sang rồi. Nhưng Bảo nói: “Thời của mẹ khác rồi mẹ ơi!”. Mỗi ngày Bảo uống ly sữa Mama (sữa dành cho bà bầu). Một tháng uống hết 4 hộp. Sáng sớm, bà Túy phải dậy lo việc nhà, vì cô con dâu còn ngủ. Có khi bà ái ngại: “Con tập đi đứng cho nhiều vào. Sinh nở nhờ đi lại nhiều mà dễ dàng hơn”. Bảo cười: “Mẹ ơi là mẹ. Bây giờ người ta tiên tiến lắm rồi. Đẻ không đau như xưa nữa đâu”.

Bà Túy quên mất mình là mẹ chồng. Bà lo lắng cho con dâu như chính bà đang làm dâu chứ không phải là Bảo. Nhưng những điều bà làm bà lại vui, bà nghĩ đến ngày trong nhà có thêm một đứa cháu. Bà thèm được bồng trẻ con trên tay. Có khi nhớ lại thời bà làm dâu, bà không khỏi buồn cười. Làm dâu thời đó coi mẹ chồng giống như là “hung thần”, chẳng bao giờ dám nhìn thẳng. Khi đó, bà phải thức khuya dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, bởi con dâu mà ngủ dậy sau mẹ chồng là “con dâu hư”. Đi chợ phải bỏ thêm tiền túi vì sợ mẹ chồng chê mắc. Thậm chí, nhiều khi muốn nũng nịu với chồng cũng không dám vì có mặt mẹ chồng ở nhà, không khéo thì bị mẹ chồng nặng nhẹ. Hôm nào mệt cũng không dám nói. Bà nghĩ thế không phải để ganh tị. Bà chỉ cười thầm: “Không biết mấy bà mẹ chồng khác có giống như mình không? Nhưng ngày xưa với bây giờ cũng đã khác nhiều rồi”.

Rồi tới ngày Bảo sinh nở, theo lệ thì Bảo ở nhà mẹ ruột 1 tháng. Quang đi đi về về như cái bóng. Bà Túy ở nhà nhìn trước nhìn sau vắng tanh. Bà mong từng ngày để Bảo đầy tháng, mang cháu về cho bà bồng. Chắc là bà sẽ vất vả vì Bảo có biết nuôi con đâu. Nhưng với bà Túy, có dâu có cháu bên cạnh vui cửa vui nhà là bà mãn nguyện lắm. Ôi, bà hình dung ra tiếng trẻ con khóc trong căn nhà rộng này. Và cả con Bảo nữa, sao mà bà nhớ nó quá!

(6 Nguyễn Thị Định, Nha Trang)

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast