Xin điểm lại vài con số về một năm sắp thành “năm cũ” - 2021: Covid-19 khiến toàn cầu thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, 5,3 triệu người tử vong, tương đương toàn bộ dân số New Zealand.
Dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi rất nhiều về nhận thức, về quan hệ, ứng xử và về các thói quen. Cá nhân tôi thì cho rằng, bài học lớn nhất trong đại dịch 2 năm vừa qua mà tất cả chúng ta đều được học, đó là “tài sản lớn nhất đời người chính là sức khỏe”.
Theo định nghĩa của WHO đưa ra vào năm 1986 và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay thì: “Sức khỏe là nguồn lực cho cuộc sống hằng ngày, là một khái niệm tích cực nhấn mạnh tới các nguồn lực xã hội, cá nhân cũng như năng lực thể chất”.
Phòng chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ sức khỏe
Chúng ta đều biết cuộc sống hạnh phúc là tổng của sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Hiểu đơn giản sức khỏe thể chất là sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể. Cách nhận biết chính là dựa vào một số trạng thái của cơ thể như là sự dẻo dai, sức bền, sức mạnh và sức đề kháng của cơ thể dùng để chống chọi với bệnh tật.
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng cần phải có thêm khả năng thích nghi nhanh của cơ thể đối với môi trường. Còn sức khỏe tinh thần, là nói về các cảm xúc và trạng thái tâm lý tích cực của con người.
Để có sức khỏe tốt thì cần phải có môi trường tốt, về mặt thể chất chúng ta cần môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ và an toàn... Về tinh thần thì cần phải tạo dựng và duy trì lòng tin, giúp cho con người có sự tự tin, hòa nhập với cộng đồng và có cái nhìn lạc quan, yêu đời. Giờ chúng ta cùng nhìn lại môi trường dành cho sức khỏe tinh thần năm vừa qua xem thế nào? Trong cái “năm Covid” thứ 2 này, chúng ta đã có những thiệt hại, cả về người và vật chất.
Cùng với đó là việc quản lý, kiểm soát vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống Covid-19 như thế nào mà để xảy ra vụ “thổi giá” bộ kit xét nghiệm, gây chấn động những ngày cuối năm? Những điều này ảnh hưởng đến tinh thần của xã hội, sự bức xúc, lo lắng tăng lên, nhất là khi dịch bệnh lại có dấu hiệu trỗi dậy ở một số địa phương.
Lại nói về sức khỏe thể chất. Rất nhiều gia đình lo lắng việc cho con em mình đến trường thời điểm này. Nhưng ở chiều ngược lại, người ta cũng thấy, việc liên tục cho các em ở nhà, tiếp tục duy trì học tập online không những không đảm bảo hiệu quả học hành mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của các em. Làm sao để giải quyết hài hòa?
Nhân nói về sức khỏe thì phải nói về vấn đề môi trường sống. Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Điều mà nhiều người quan tâm chính là khoản 1 Điều 79 luật này quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Có nghĩa là, theo quy định mới, sẽ không cào bằng như trước, mà ai xả rác nhiều thì trả tiền nhiều, ai xả rác ít thì trả tiền ít.
Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế muốn triển khai được thì phải dựa vào sự tự giác của người dân và phải có lực lượng kiểm tra, giám sát... Việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Mong rằng bước sang năm mới 2022, chúng ta sẽ làm tốt được những vấn đề về môi trường, để làm sao tất cả đều có được sức khỏe tốt, cả về thể chất và tinh thần.
“Người có sức khỏe, có hy vọng; và người có hy vọng thì có tất cả mọi thứ” - Thomas Carlyle đã nói như vậy.