Vatican thông báo nguyên nhân khiến Giáo hoàng Francis qua đời

Văn phòng báo chí Vatican cho biết trong một tuyên bố công bố tối 21/4 (giờ địa phương) rằng Giáo hoàng Francis qua đời sáng cùng ngày là do đột quỵ, sau đó là suy tim.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: IRNA/TTXVN
Giáo hoàng Francis. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo kênh CNN, tuyên bố cho biết thêm rằng Giáo hoàng Francis còn bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khác, bao gồm một đợt suy hô hấp cấp tính trước đó, cao huyết áp động mạch và tiểu đường tuýp II.

Tuyên bố do ông Andrea Arcangeli, Giám đốc Cơ quan Y tế và Vệ sinh của Vatican ký.

Trước đó trong năm nay, Giáo hoàng Francis từng phải nhập viện trong năm tuần, ban đầu do một đợt nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc một loại nhiễm trùng đa vi khuẩn, tiến triển thành viêm phổi ở cả hai lá phổi. Theo nhóm bác sĩ điều trị, Giáo hoàng Francis đã suýt mất mạng trong thời gian nằm viện.

Các bác sĩ cho biết tình trạng của Giáo hoàng từng nghiêm trọng đến mức nhóm y tế đã cân nhắc ngừng điều trị để ông ra đi. Tuy nhiên, sau khi đội ngũ y tế xác nhận tình trạng đã ổn định, Giáo hoàng tiếp tục hồi phục tại nơi cư trú Casa Santa Marta.

Dù sức khỏe yếu, Giáo hoàng Francis – một trong những Giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử giáo hội – vẫn xuất hiện nhiều lần trước công chúng tại Vatican trong Tuần Thánh, đáng chú ý nhất là lần xuất hiện trong Lễ Phục sinh ngày 20/4 khi ông mang lại niềm vui cho đám đông tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rome.

Ngày 21/4, sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ khởi động giai đoạn “Sede Vacante" (Vacant See), trong đó một Hồng y cấp cao sẽ tiếp quản các công việc hằng ngày cho đến khi Giáo hoàng mới được bầu. Cụ thể trong trường hợp này, Hồng y Kevin Farrell, người Mỹ gốc Ireland đã được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào vai trò này tháng 2/2019.

Theo truyền thống, vai trò chính của Hồng y Farrell là chứng nhận cái chết, được thực hiện bằng cách dùng một chiếc búa bạc đặc biệt gõ vào trán Giáo hoàng 3 lần bằng và gọi tên khai sinh của ông. Hồng y cũng được giao nhiệm vụ phá hủy "Chiếc nhẫn của ngư dân", chiếc nhẫn có dấu ấn bằng vàng được đúc riêng cho mỗi Giáo hoàng mới, vốn được sử dụng để niêm phong tài liệu. Hành động này tượng trưng cho sự kết thúc của một triều đại Giáo hoàng.

Các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tổ chức một loạt các cuộc họp được gọi là "đại hội đồng" và quyết định ngày chôn cất, cũng như việc tổ chức "novemdiales", tức 9 ngày để tang. Ngày chôn cất phải diễn ra giữa ngày thứ Tư và ngày thứ Sáu sau khi Giáo hoàng mất.

Các Giáo hoàng tiền nhiệm đã được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, nhưng Giáo hoàng Francis đã yêu cầu được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome. Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt bên trong một chiếc quan tài duy nhất bằng gỗ và kẽm, một lần nữa phá vỡ truyền thống. Các Giáo hoàng trước đều được chôn cất trong 3 chiếc quan tài bằng gỗ bách, chì và cây du.

Theo nhà chức trách Tòa thánh Vatican, sự thay đổi trong nghi lễ tang lễ phản ánh việc Giáo hoàng Francis khi sinh thời luôn cho rằng vai trò của Giáo hoàng là "một mục tử và môn đồ của Chúa Kitô, chứ không phải của một người đàn ông quyền lực của thế giới này". Bên cạnh đó, quan tài mở của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, thay vì trên một bệ cao, được chống đỡ bằng đệm theo truyền thống.

Các giáo đoàn sẽ ấn định ngày bắt đầu mật nghị không ít hơn 15 ngày và không quá 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Đây là cuộc họp kín, trong đó các Hồng y dưới 80 tuổi sẽ chọn Giáo hoàng tiếp theo trong số những người ngang hàng họ. Hiện tại có 135 Hồng y có quyền bỏ phiếu, trong đó có 108 người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Trong số này, 53 người đến từ châu Âu, 20 người đến từ Bắc Mỹ, 18 người đến từ châu Phi, 23 người đến từ châu Á, 4 người đến từ châu Đại Dương và 17 người đến từ Nam Mỹ. Các Hồng y phải ở lại Nhà nguyện Sistine cho đến khi tìm được một Giáo hoàng mới và giữ bí mật tuyệt đối trong quá trình bỏ phiếu.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Hamas sẵn sàng thả số con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza

Hamas sẵn sàng thả số con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, người đứng đầu phái đoàn đám phán của Phong trào Hamas, ông Khalil Al-Hayya ngày 17/4 cho biết nhóm này sẵn sàng đàm phán ngay lập tức về một thỏa thuận để trao đổi tất cả các con tin còn lại như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Bão cát nghiêm trọng tấn công Iraq, hơn 1.800 người nhập viện

Bão cát nghiêm trọng tấn công Iraq, hơn 1.800 người nhập viện

Ngày 14/4, một trận bão cát lớn đã quét qua khu vực miền Trung và miền Nam Iraq, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và hoạt động hàng không. Theo thống kê ban đầu, hơn 1.800 người đã phải nhập viện do gặp các vấn đề về hô hấp.
Tổng thống Mỹ cân nhắc tạm ngừng áp thuế ô tô

Tổng thống Mỹ cân nhắc tạm ngừng áp thuế ô tô

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng tạm ngừng áp thuế đối với ngành ô tô nhằm tạo điều kiện để các nhà sản xuất có thêm thời gian điều chỉnh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Thái Lan ban hành luật mới để ngăn chặn lừa đảo

Thái Lan ban hành luật mới để ngăn chặn lừa đảo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, một sắc lệnh khẩn cấp mới yêu cầu các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội phải chia sẻ trách nhiệm nếu không ngăn chặn được các vụ lừa đảo đã chính thức có hiệu lực tại Thái Lan từ ngày 13/4.
Ukraine nêu rõ 'lằn ranh đỏ' trong đàm phán chấm dứt xung đột

Ukraine nêu rõ 'lằn ranh đỏ' trong đàm phán chấm dứt xung đột

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, một quan chức cấp cao của Ukraine ngày 10/4 cho biết, Kiev đã truyền đạt rõ ràng tới Washington rằng việc hạn chế quy mô lực lượng vũ trang hoặc mức độ sẵn sàng tác chiến của quân đội Ukraine là “lằn ranh đỏ” không thể chấp nhận, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga.