Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian

Sau khoảng 52 phút, Epsilon-5 sẽ bắt đầu thả các vệ tinh mang theo vào quỹ đạo. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian sau khi rời khỏi mặt đất 1 giờ 11 phút 38 giây.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được phóng thành công vào không gian. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, vào lúc 9 giờ 55 sáng 9/11 (giờ địa phương), tên lửa Epsilon số 5 (Epsilon-5) đã được phóng thành công vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác của Nhật Bản.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura để chứng kiến vụ phóng, chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến giây phút tên lửa Epsilon-5 ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura bắt đầu khởi động mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ. Giây phút trọng đại này đã đi vào lịch sử, đánh dấu mốc trưởng thành mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.”

Theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), các vệ tinh được phóng vào vũ trụ lần này thuộc chương trình “Trình diễn Công nghệ Vệ tinh Sáng tạo 2” của JAXA.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được phóng thành công vào không gian. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khoảng 52 phút, Epsilon-5 sẽ bắt đầu thả các vệ tinh mang theo vào quỹ đạo. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian sau khi rời khỏi mặt đất 1 giờ 11 phút 38 giây.

Được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg, có kích thước 3U (100x100x340,5mm).

Đây là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo 100% tại Việt Nam và nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam” của VNSC.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp và thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được các cán bộ nghiên cứu của VNSC thực hiện tại Việt Nam. Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn và một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng do Việt Nam chế tạo.

Theo VNSC, vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động (AIS) tàu thủy, sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Bên cạnh đó, vệ tinh này cũng được thiết kế để xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển, xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.

Theo dự kiến, vệ tinh NanoDragon sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.

Trước đó, vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon, có trọng lượng 1kg, do VNSC nghiên cứu và chế tạo cũng được phóng thành công vào vũ trụ.

Vệ tinh này hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Sau đó, vào năm 2019, vệ tinh MicroDragon, có trọng lượng 50kg, được phát triển bởi 36 cán bộ nghiên cứu của VNSC cũng được phóng lên quỹ đạo thành công và đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.

Vệ tinh này là một sản phẩm nằm trong hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thuộc Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”./.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian

Khu vực Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.