Vì đâu cỏ trên mặt sân vận động Hà Tĩnh bị chết?

(Baohatinh.vn) - Mặt cỏ ở phía phần sân bên phải nhìn từ khán đài A của sân vận động Hà Tĩnh bị chết, lộ cả khoảng đất cát. Các đơn vị liên quan đã có câu trả lời.

Video: Mặt sân vận động Hà Tĩnh

Sáng nay (5/5), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm TDTT Hà Tĩnh và đơn vị thi công kiểm tra tình trạng cỏ chết và tìm hướng khắc phục mặt sân vận động tỉnh.

Mặt sân cỏ ở sân vận động Hà Tĩnh đã bị chết.

Ông Võ Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm TDTT Hà Tĩnh (đơn vị quản lý sân vận động Hà Tĩnh) cho hay: Nhiều ngày qua, đơn vị đã huy động nhân công đào cỏ ở những chỗ phát triển xanh tốt tới trồng ở các khu vực cỏ đã bị chết nhằm khắc phục mặt sân vận động Hà Tĩnh. Để việc trồng lại cỏ đảm bảo hiệu quả, ở những nơi xảy ra hiện tượng cỏ chết, đơn vị đã nhổ các cây bị chết, bổ sung cát, phân bón, đạm và rắc vôi xử lý sâu bệnh.

Nguyên nhân được cho là quy trình chăm sóc chưa đảm bảo đúng kỹ thuật.

Theo ông Võ Hồng Sơn: Sau lượt trận vòng 1 V.League 2020 giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Viettel diễn ra trên sân vận động Hà Tĩnh vào ngày 8/3 thì bắt đầu có hiện tượng cỏ trên mặt sân bị chết. Thời gian sau đó, khu vực cỏ trên mặt sân bị chết lan rộng. Đơn vị đã có báo cáo tình hình với chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng các ban, ngành liên quan để có phương án xử lý.

Ghi nhận của Báo Hà Tĩnh cho thấy, thời điểm hiện tại, nhiều khu vực ở sân vận động Hà Tĩnh cỏ đã chết, nhất là phần sân phía bên phải nhìn từ khán đài A. Cỏ ở những nơi này bị thối rễ, xác cỏ đã khô, chỉ còn lại những mảng đất cát.

Phần sân phía bên trái nhìn từ khán đài A, ngoại trừ một vài khu vực có hiện tượng cỏ chết thì cơ bản cỏ vẫn phát triển khá tốt, mặt sân phủ màu xanh.

Cỏ bị chết nhiều nhất là ở khu vực phần sân bên phải nhìn từ khán đài A.

Qua kiểm tra thực tế, bà Đàm Thị Lệ Minh - Giám đốc dự án Công ty GolfJohn, nhà thầu phụ của Công ty Cổ phần xây dựng Hợp Lực (đơn vị phụ trách thi công hạng mục cỏ mặt sân vận động Hà Tĩnh) cho biết: Cỏ sử dụng cho mặt sân là cỏ Paspalum, có nguồn gốc từ Mỹ đã được nhập về trồng ở nước ta từ nhiều năm trước. Ưu điểm của loại cỏ này là chịu được khô hạn, ít thân, nhiều lá, thuận lợi cho việc thi đấu, tránh chấn thương cho cầu thủ.

Nói về nguyên nhân dẫn tới việc cỏ mặt sân vận động Hà Tĩnh bị chết, bà Đàm Thị Lệ Minh nói rằng: Trong lĩnh vực thi đấu, cỏ Paspalum còn được biết tới là “cỏ công chúa” với yêu cầu chăm sóc cao, đòi hỏi nhiều loại máy móc như: máy cắt cỏ, máy rải phân rải cát, máy lu... Tuy nhiên, thời gian qua, quy trình chăm sóc kỹ thuật mặt cỏ chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Loại cỏ này phát triển nhanh, sau một thời gian sẽ phủ dày sân, nếu có đủ máy móc để cắt bớt thì không sao, còn không cắt thì cỏ dày quá, nghẹt rễ, dẫn tới việc thiếu dinh dưỡng và sẽ chết”, bà Đàm Thị Lệ Minh cho hay.

Video: Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Hà Tĩnh Võ Hồng Sơn nói về nguyên nhân cỏ trên sân vận động Hà Tĩnh bị chết cục bộ.

Giám đốc Trung tâm TDTT Hà Tĩnh Võ Hồng Sơn cho hay: "Từ khi nhận bàn giao mặt cỏ sân vận động (tháng 7/2019), các máy móc để chăm sóc, duy tu bảo dưỡng mặt cỏ không có. Tới đầu tháng 3/2020 mới nhận được máy xới cát rồi sau đó là máy rải cát, rải phân. Trong thời gian 6 - 7 tháng không có máy, mọi việc chăm sóc đều phải làm thủ công. Ngoài ra, thời tiết Hà Tĩnh thời gian qua khá khắc nghiệt, buổi sáng có sương muối và xuất hiện nấm, khiến cỏ chết cục bộ.

Công nhân đang đào cỏ ở khu vực phát triển tốt...

... đem sang trồng lại ở khu vực đã bị chết.

Cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thái Nam cho hay: “Ban đầu, dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động tỉnh có tổng mức đầu tư là 51,395 tỷ đồng nhưng chưa gồm máy móc phục vụ việc chăm sóc mặt cỏ. Tới cuối tháng 11/2019, mới có sự điều chỉnh, bổ sung kinh phí cho việc này”.

Tới thời điểm này, các máy móc phục vụ cho việc chăm sóc mặt sân đã đầy đủ.

Máy được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quá trình này bị chậm, đầu tháng 3 mới tiếp nhận được máy và tới giữa tháng thì bắt đầu công việc ở phần sân phía bên trái khán đài A. Tuy nhiên, sau đó công việc phải tạm ngưng do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị chức năng kiểm tra thực trạng mặt cỏ sân vận động Hà Tĩnh.

Nói về thời gian phục hồi của mặt cỏ sân vận động Hà Tĩnh, bà Đàm Thị Lệ Minh cho biết: Cần từ 10 - 20 nhân công để xử lý các khu vực có cỏ chết rồi tiến hành lấy cỏ ở nơi phát triển tốt để trồng lại. Nếu mọi việc thuận lợi, thì khoảng 15 ngày sau, cỏ phát triển xanh tốt trở lại và mặt sân sẽ đảm bảo cho các trận đấu.

Dự án cải tạo, nâng cấp SVĐ tỉnh Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 62 tỷ đồng (sau điều chỉnh) và được khởi công từ 4/2019 với sức chứa 20.000 khán giả.

Dự án gồm các hạng mục chính: Nâng cấp mặt sân đạt tiêu chuẩn; xây dựng lại khán đài A, cải tạo khán đài B, hệ thống bậc ngồi, gia cố hệ thống tường khán đài; làm lại đường pitch; sân đường nội bộ và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cùng các công trình phụ trợ khác.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói