Vì người nghèo - đạo lý và trách nhiệm

(Baohatinh.vn) - Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng luôn có truyền thống “tương thân tương ái”, trở thành đạo lý của xã hội. Truyền thống đoàn kết được phát huy cao độ, giúp người nghèo có động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Đạo lý vững bền

Hà Tĩnh là vùng quê nghèo khó của dải đất miền Trung. Thiên tai, dịch bệnh đã thử thách, tôi rèn cho con người nơi đây bản lĩnh kiên cường. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính trong những thời điểm đó, tinh thần đoàn kết, lòng tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân càng phát huy giá trị, tạo sức mạnh để cùng nhau vượt qua gian khó.

Nhiều phụ nữ và trẻ em được đón về quê bằng máy bay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở miền Nam. (Ảnh tư liệu - Đình Nhất).

Những năm 2020-2022, khi thế giới và đất nước chìm trong đại dịch COVID-19, Hà Tĩnh còn thêm khốn khó khi phải gánh chịu hậu quả nặng nề của trận lũ lụt lịch sử. Trong thời điểm khó khăn đó, người dân bất kể giàu nghèo, sang hèn, chung tay giúp đỡ nhau, đồng hành cùng chính quyền chống thiên tai, dịch bệnh.

Đó là những “gian hàng 0 đồng” cho người nghèo, những “shipper áo xanh” tình nguyện vận chuyển hàng hóa cho người dân vùng phong tỏa, những tổ nhóm phụ nữ đi chợ hộ gia đình cách ly, các bếp ăn công đoàn đỏ lửa suốt mùa dịch. Đó là từng nhóm người chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống, đồ dùng và cả tiền mặt để tiếp sức cho bà con trên hành trình trở về quê hương tránh dịch. Là những gia đình sẵn sàng biến nhà mình thành nhà tránh lũ cộng đồng, bếp ăn tập thể cho hàng xóm trong những ngày nước dâng...

Sự tương thân tương ái còn thể hiện rõ trong chính sách kịp thời, nhân văn của cấp ủy, chính quyền. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở miền Nam, Hà Tĩnh đã điều hàng chục chuyến xe, máy bay vào tâm dịch để đón người dân nghèo hồi hương.

Ngay sau trận lũ lịch sử, Nghị quyết số 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới sau đại hội, trong đó, có nội dung quan trọng là tập trung xây dựng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ. Cả hệ thống chính trị đã đồng lòng, dồn sức thực hiện nghị quyết. Kết quả, sau gần 3 năm triển khai, đã có 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, hơn 5.000 nhà ở kiên cố cho người nghèo được xây dựng.

Niềm vui của người dân vùng lũ khi được sống trong những căn nhà khang trang được xây dựng nên từ nghĩa Đảng, tình dân.

Bên cạnh chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cũng chung tay vào cuộc với nhiều chương trình như: hỗ trợ sinh kế, “Tết vì người nghèo”, “Tết sum vầy”, “Nâng bước em đến trường”, “Chợ nhân đạo”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mẹ đỡ đầu”... Những chương trình đó đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều người nghèo, giúp các đối tượng yếu thế có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân trao hỗ trợ xây nhà ở cho gia đình ông Nguyễn Đình Nhâm (thôn Bồng Phài, xã Sơn Tây, Hương Sơn).

Ông Nguyễn Đình Nhâm (thôn Bồng Phài, xã Sơn Tây, Hương Sơn) chia sẻ: “Bản thân là thương binh, ốm đau bệnh tật thường xuyên, gia cảnh nghèo khó. Được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, bà con láng giềng giúp đỡ, gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà mới khang trang. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự động viên lớn lao đối với vợ chồng tôi khi tuổi già”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ủy ban MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hình thức để vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và tạo nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội.

Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong 8 tháng năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được hơn 44 tỷ đồng và nguồn an sinh xã hội vận động hơn 44 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 306 nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 600 hộ; tặng quà, hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh, học bổng cho hàng nghìn lượt người...

Người có hoàn cảnh khó khăn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm, hỗ trợ mọi mặt trong đời sống.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã ban hành quyết định trích gần 53 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 757 căn nhà cho hộ nghèo vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tích cực phối hợp, tham mưu các địa phương, đơn vị triển khai dự án xây dựng 1.000 căn nhà cho người nghèo từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an...

Ủy ban MTTQ tỉnh trao hỗ trợ mô hình sinh kế cho người dân huyện Đức Thọ.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, ngoài nguồn hỗ trợ từ cấp tỉnh, các địa phương cũng đã huy động hiệu quả nguồn lực để thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Ông Trần Danh Vinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, MTTQ huyện đã kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 105 nhà ở cho người nghèo. Bên cạnh đó, MTTQ cấp xã, các hội đoàn thể cũng kêu gọi hàng tỷ đồng tặng quà, hỗ trợ sinh kế, trao học bổng, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo trên địa bàn”.

Huyện Kỳ Anh cũng là địa phương đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác chăm lo cho người nghèo. Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã huy động 41,5 tỷ đồng để xây dựng 4 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, 471 ngôi nhà kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai...

Lãnh đạo Công ty Tân Cảng Sài Gòn, huyện Kỳ Anh trao biểu trưng hỗ trợ 80 triệu đồng cho gia đình bà Nguyễn Thị Minh Thu (trú tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong). Ảnh Vũ Huyền.

Ông Hồ Huy Thành - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh cho hay: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, mạnh thường quân; huy động sự tham gia tích cực bằng nhiều hình thức của Nhân dân địa phương; giám sát chặt chẽ việc thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc... là những cách làm đồng bộ, kịp thời mà huyện Kỳ Anh đã áp dụng để triển khai hiệu quả các chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.

Với sự quan tâm, tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cả cộng đồng, trong những năm qua, người nghèo ở Hà Tĩnh đã cơ bản bước đầu vượt qua khó khăn về nhà ở, sinh kế. Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ, giúp người nghèo có chỗ dựa vững chắc, có động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những kết quả đạt được, Hà Tĩnh đã góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân

Chủ đề Vì người nghèo

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói