Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Tara Adashev (Mỹ) cho biết, vùng da dưới mắt mỏng nhất trên cơ thể vì vậy, bạn dụi mắt cũng giống như đang mạnh tay chà xát một cánh hoa hồng.
Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Nava Greenfield (Học viện Da liễu Mỹ) cho rằng dụi mắt chỉ hai lần một ngày cũng là quá nhiều.
Theo các chuyên gia, khô mắt hoặc dị ứng cũng có thể là thủ phạm khiến mọi người dụi mắt. Tuy nhiên, càng dụi, bạn sẽ lại càng ngứa nhiều hơn.
Ảnh minh họa: Huffpost
Dụi mắt gây tổn hại thế nào?
Đôi mắt đỏ ngầu
Tiến sĩ da liễu Snehal Amin cho biết dụi mắt là thủ phạm khiến bạn có đôi mắt mệt mỏi. Mắt đỏ ngầu là kết quả của việc cọ xát cho đến khi các mao mạch bị vỡ.
Quầng thâm
Chà xát nhiều cũng có thể dẫn đến quầng thâm dưới mắt được gọi là tăng sắc tố sau viêm.
Tiến sĩ da liễu Angelo Thrower cho biết, với những người da sẫm màu, dụi mắt đẩy nhanh quá trình sản xuất sắc tố da ở vùng này. Nghĩa là da càng tối màu, dụi mắt càng khiến xuất hiện quầng đậm hơn.
Nếp nhăn
Theo tiến sĩ da liễu Brendan Camp, khi dụi mắt nhiều lần, bạn sẽ khiến da có nguy cơ bị lichen hóa, đây là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng da dày lên. “Nó có thể làm các đường nhăn trên da rõ ràng hơn, làm nổi bật sự xuất hiện của nếp nhăn. Dụi mắt còn làm vùng da dưới mắt khô và có vảy”, Brendan nói.
Tổn thương giác mạc
Tiến sĩ da liễu Snehal Amin cho hay, cọ xát mãn tính không chỉ làm hỏng da mí mắt mà còn có thể gây vết xước nhỏ cho giác mạc. Theo thời gian, điều này dẫn đến giác mạc bị mỏng và mất hình dạng, có thể nhìn mờ. Dụi mắt đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh tăng nhãn áp tiềm ẩn vì có thể gây tăng nhãn áp.
Nguy cơ lây nhiễm
“Đôi mắt là một cổng thông tin cho sự lây nhiễm. Vi trùng từ tay hoặc không khí có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mắt, một mối lo ngại đã được nhấn mạnh trong đại dịch”, Amin nói.