Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc đậu mùa khỉ

Bộ Y tế sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, nguyên liệu làm thuốc điều trị đậu mùa khỉ khi bệnh này đang có diễn biến phức tạp.

Động thái này được Bộ Y tế đưa ra trước bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị cho người bệnh.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, các thuốc Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.

Ảnh minh họa

Hôm 10/8, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới. Bên cạnh đó, các đơn vị nhập khẩu chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc nêu trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh trong nước. Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cam kết sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định.

Thực tế cho thấy khi đậu mùa khỉ trở thành tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, cơn sốt thuốc chữa bệnh này lên tới đỉnh điểm, rất nhiều rào cản khiến các loại thuốc khó tiếp cận. Do đó, theo các chuyên gia, việc Việt Nam có thể chủ động nguồn cung thuốc là một điều rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Như Tecovirimat là thuốc được giới chức y tế Mỹ chỉ định nằm trong diện “điều tra nghiên cứu”. Điều này có nghĩa thuốc chữa đậu mùa khỉ này không thể đưa khỏi kho dự trữ chiến lược quốc gia nếu không trải qua hàng loạt bước phê duyệt phức tạp. Bên cạnh đó, hầu hết bác sĩ không đủ thời gian, nguồn lực để điền vào tờ đơn đăng ký bắt buộc dài 27 trang hoặc cung cấp thông tin chi tiết về bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thuốc kịp thời, từ đó giảm hiệu quả điều trị.

Từ tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ tăng liên tục cả về số ca lẫn số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Hôm 23/7, WHO công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. 6 ngày sau, Bộ Y tế Việt Nam ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống đậu mùa khỉ gồm chưa có bệnh nhân, bệnh xâm nhập và dịch lan rộng, đồng thời xây dựng hướng dẫn giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam.

Đến ngày 30/7, WHO ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong (gồm hai trường hợp có kèm bệnh nền tử vong tại Brazil và Tây Ban Nha). Ngày 5/8, Mỹ tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 6.600 người mắc.

Biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Theo Lê Nga/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói