Với vấn đề sinh phẩm xét nghiệm, hiện Việt Nam có 2 phương pháp chủ yếu để xét nghiệm SARS-CoV-2. Thứ nhất là phương pháp Realtimes-PCR đang được một số địa phương triển khai. Phương pháp này tùy vào sinh phẩm chẩn đoán của nhiều đơn vị khác nhau sản xuất. Học viện Quân Y thời gian qua đã phát triển được sinh phẩm tốt phục vụ cho chẩn đoán PCR.
|
(Ảnh minh họa) |
Sinh phẩm nước ngoài chủ yếu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ... Trong điều kiện sinh phẩm khan hiếm trên toàn cầu, do đó, Việt Nam có bước tiến chủ động nhờ vào sinh phẩm trong nước. Trong đó, có sinh phẩm của Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất. Đây là sinh phẩm là 1 trong những sinh phẩm đang được sử dụng chủ đạo ở Việt Nam và được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Đồng thời, đã được Bộ Y tế và Sức khỏe của Anh và sau đó là WHO công nhận để lưu hành trên toàn cầu.
Về độ nhạy và độ đặc hiệu, sinh phẩm do Học viện Quân Y sản xuất có chất lượng cực kỳ cao. Sinh phẩm cho xét nghiệm PCR chứng minh virus đang hiện diện trong cơ thể con người, có nghĩa là khẳng định đối tượng đang bị bệnh. Việt Nam đã tiến hành trên 200.000 mẫu và là một trong số các nước có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số xét nghiệm gần như là cao nhất.
Với phương pháp chẩn đoán kháng thể, chứng minh đối tượng từng mắc Covid-19 và có thể trong thời gian đang bị mắc cơ thể người bệnh sản xuất ra kháng thể. Phương pháp này thích hợp trong trường hợp dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, theo lực lượng y tế phải tiến hành truy vết và xác định các ổ dịch để khoanh vùng trong bối cảnh nhiều ca mắc không có dấu hiệu lâm sàng.
Trong sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, có sinh phẩm chẩn đoán nhanh dùng huyết tương. Theo đó, Hà Nội vừa qua đã thực hiện test nhanh với gần 15.000 mẫu theo phương pháp này. Sinh phẩm chẩn đoán nhanh có ưu điểm dễ sử dụng, không cần máy móc. Nhưng nhược điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu thấp, có thể xuất hiện trường hợp dương tính giả nếu phát hiện các kháng thể tương tự, như kháng thể với sốt xuất huyết hay tại Việt Nam cũng lưu hành chủng corona virus nhưng rất thông thường gây cảm lạnh... Do đó, đã phát hiện trường hợp dương tính, nhưng sau đó xét nghiệm lại bằng PCR lại âm tính.
Việt Nam hiện chưa mua sinh phẩm chẩn đoán nhanh. Sinh phẩm chẩn đoán nhanh Hà Nội sử dụng vừa qua là của Hàn Quốc và được VinGroup tài trợ.
Đến nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki (Nhật Bản) phát triển sinh phẩm chẩn đoán huyết thanh học sử dụng máy Elisa (máy hấp thụ men Elisa). Trong hệ thống y tế Việt Nam hiện có rất nhiều máy Elisa đã mua trước đây dùng cho chẩn đoán sốt xuất huyết, HIV/AIDS và các bệnh mang tính miễn dịch... từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Với sinh phẩm dùng cho máy Elisa độ nhạy và độ chính xác đến 90-95% trong 100 trường hợp, trong khi test nhanh của Hàn Quốc trong 100 trường hợp phát hiện được khoảng 70%. Như vậy, khi được chính thức cấp phép sản xuất sinh phẩm này, Việt Nam là 1 trong 5 nước sản xuất được sinh phẩm này, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
“Sinh phẩm này được áp dụng và dễ sử dụng cho tất cả các tuyến. Việc sử dụng máy Elisa cũng đã được đào tạo cơ bản cho các nhân viên y tế. Việt Nam sẽ không phải mua thêm máy móc và sử dụng lại các thiết bị đã có từ trước đến nay. Sinh phẩm này an toàn cho các nhân viên do khả năng lây nhiễm trong phòng xét nghiệm ở mức độ rất thấp, gần như không có; và giá thành của sinh phẩm hợp lý”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong tuần qua Việt Nam đã tiếp nhận máy thở Eliciae MV20 do Công ty Metran (Nhật Bản) sản xuất. Theo đó Metran đã chính thức nộp hồ sơ cho Bộ Y tế và Bộ đã tổ chức Hội đồng đánh giá chuyên môn. Đánh giá tại của Hội đồng Bộ Y tế cho thấy, máy thở do Metran sản xuất tương đối tương thích với việc điều trị Covid-19. Đây là thông tin khả quan, song vẫn cần thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả và tính năng kỹ thuật của máy. Công ty Metran đã bàn giao lại toàn bộ quy trình và công nghệ sản xuất máy thở Eliciae MV20 cho Việt Nam, để sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi rất kỳ vọng máy thở Eliciae MV20 cùng với máy thở do VinGroup sản xuất. Do đó, chúng tôi kỳ vọng việc Việt Nam sản xuất được máy thở sẽ đáp ứng được nhu cầu điều trị Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định: “Ban chỉ đạo hoan nghênh các nghiên cứu thành công này, cũng như tinh thần chung tay chống dịch. Đồng thời hoan nghênh các Trường Đại học nghiên cứu và phát triển các máy thở hoàn toàn cơ khí đơn giản phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, với các vùng sâu vùng xa. Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế gửi các máy mẫu để góp ý, hoàn thiện, để có thể gửi xuống hỗ trợ các cơ sở y tế địa phương”.