Viết tiếp câu chuyện về Formosa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Câu chuyện Formosa Hà Tĩnh đã và đang nóng lên cả trên nghị trường và trong dư luận; đặc biệt là về đối tượng, thời hạn đầu tư, tác động môi trường và trách nhiệm của những người trong cuộc... Rõ ràng, chúng ta không thể đánh đổi bằng mọi giá để lấy công trình, dự án; song, sẽ thấu đáo hơn khi tiếp cận “câu chuyện” ở một góc nhìn khách quan, biện chứng...

viet tiep cau chuyen ve formosa ha tinh

Đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng làm trưởng đoàn tiến hành khảo sát công tác xử lý môi trường tại Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Thắp niềm hy vọng

Ngược thời gian cách đây gần 10 năm về trước, trên vùng đất “chảo lửa, túi mưa”, đất cằn sỏi đá phía Nam huyện Kỳ Anh cũ (nay là TX Kỳ Anh), người dân quanh năm đầu tắt, mặt tối, nghiệp nghèo, sự đói đeo đẳng họ cả một thời gian dài từ đời này qua đời khác. Sự hiện diện của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh như một luồng sinh khí mới, bước đầu đã thực sự làm thay đổi căn bản diện mạo cả một vùng quê nghèo.

Để đi đến quyết định chọn Formosa làm nhà đầu tư là cả một quá trình vào cuộc tâm huyết, trí tuệ của cả tỉnh Hà Tĩnh, kết hợp với sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Bước vào triển khai dự án, bằng sự quyết tâm cao độ, chỉ trong vòng 2 năm, Hà Tĩnh đã cơ bản tiến hành di dời hơn 2.200 hộ dân, 10.000 nhân khẩu cùng 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ... tại 5 xã ở Kỳ Anh để bàn giao hơn 3.000 ha đất và diện tích mặt nước cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Chưa bao giờ Hà Tĩnh giải phóng mặt bằng diện tích lớn và di dời, tái định cư một số lượng dân đông như vậy. Với quan điểm lấy công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đặt lên hàng đầu, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc. Cũng trong thời gian này, đoàn công tác đặc biệt của tỉnh được thành lập, “cắm chốt” ở Kỳ Anh để trực tiếp xử lý ngay các công việc liên quan. Tại các địa phương, hằng ngày, các tổ công tác tiến hành giao ban xử lý vướng mắc cho từng hộ dân. Quá trình di dời, lãnh đạo tỉnh đã huy động lực lượng lớn gồm lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên các cấp cùng nhiều phương tiện để hỗ trợ, giúp bà con tháo dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc, vật liệu, đào móng nhà... liên tục nhiều tháng liền. Trong thời gian này, từ lãnh đạo tỉnh đến các cấp, ngành ở Hà Tĩnh gần như không có ngày nghỉ, nhiều cuộc họp phải chuyển sang ban đêm. Tất cả dồn sức cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án Formosa...

Sau khi có mặt bằng sạch, Formosa vào cuộc xây dựng rất nhanh, dòng tiền ồ ạt đổ về. Cả Kỳ Anh như một đại công trường rộn ràng, hối hả thi công cả ngày lẫn đêm. Diện mạo dự án thay đổi từng ngày, xứng tầm của một trong 3 dự án FDI lớn nhất Việt Nam. Tính đến đầu năm 2016, Tập đoàn Formosa đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 10 tỷ USD; sử dụng gần 5.000 cán bộ, kỹ sư (không kể lực lượng của các nhà thầu đang phục vụ thi công các dự án), trong đó, có 4.600 người Việt Nam và 400 người Đài Loan. Dự án được đánh giá là khu liên hợp gang thép, cảng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Đó là chưa kể các ngành công nghiệp, dịch vụ vệ tinh mang lại nguồn thu khá cho hàng ngàn lao động khác.

Quá trình Formosa triển khai dự án đã có hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư với số vốn đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD. Kết thúc năm 2014, những doanh nghiệp đang đóng chân trên KKT Vũng Áng cùng Formosa đã góp phần đưa Hà Tĩnh dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về thu ngân sách với tổng số trên 11.500 tỷ đồng. Từ đà đó, năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn lên đến 14.000 tỷ đồng. Trong tổng nguồn thu này, Formosa đóng góp trên 60%. Liên quan đến siêu dự án này cũng đã có hàng chục ngàn lao động trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định.

Về thời hạn cho thuê đất, trên cơ sở các quy định của pháp luật, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến các bộ, ngành trung ương, xét dự án có tổng mức đầu tư lớn, giải quyết nhiều việc làm, thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xét năng lực, đơn đề nghị của nhà đầu tư, sau khi thẩm định, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa với thời gian hoạt động là 70 năm. Về vấn đề này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã soát xét và khẳng định việc cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 năm và giao đất cho dự án 70 năm là có cơ sở tại Văn bản số 73-UBKTTW ngày 19/5/2011. Mới đây nhất, trong văn bản trả lời cơ quan báo chí số 5774/BKHĐT - QLKKT ngày 26/7/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã khẳng định việc cấp thời hạn đầu tư cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh 70 năm là đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Đến với KKT Vũng Áng, thăm “siêu dự án” Formosa trước ngày xẩy ra sự cố môi trường, những xóm chài heo hút năm xưa, nay đang là đại công trường thênh thang với bao la nhà máy, cảng biển, kho bãi... Hình hài một khu luyện cán thép, lọc hóa dầu, một cụm cảng nước sâu tầm cỡ quốc tế đang vươn lên sừng sững... cho phép chúng ta hy vọng về những thành quả tốt đẹp mà dự án này mang lại.

viet tiep cau chuyen ve formosa ha tinh

Formosa Hà Tĩnh giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa TX Kỳ Anh

Nỗi lo hiện hữu

Kể từ sau ngày xẩy ra sự cố nhiễm độc biển, đặc biệt là sau ngày tìm ra nguyên nhân và thủ phạm, dư luận hết sức băn khoăn, lo lắng. Theo đó, bao nhiêu sự giá như được đề cập: giá như Formosa thực hiện đúng cam kết về môi trường; giá như các cơ quan chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm và có đầy đủ năng lực hơn để kiểm soát được những hành vi vi phạm…

Hành vi xả thải gây nhiễm độc biển vừa qua của Formosa Hà Tĩnh xẩy ra ngay từ những ngày đầu vận hành chạy thử cho thấy sự tắc trách, yếu kém, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đây chính là lý do để nhà đầu tư lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy trình xả thải, nếu chưa muốn nói là lợi dụng. Có ý kiến cho rằng, mục đích của các nhà đầu tư, nhất là nước ngoài, yếu tố lợi nhuận là trên hết, là tối thượng. Chính vì vậy, với cách giám sát, quản lý của chúng ta hiện nay, không chỉ Formosa mà với bất cứ nhà đầu tư nào cũng tìm cách lợi dụng, khai thác kẽ hở, cắt giảm chi phí trong rất nhiều khâu, trong đó, điển hình nhất là việc xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn.

Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền trên địa bàn cả nước về vấn đề này nhưng xem ra chưa khắc phục được là bao. Để xẩy ra tình trạng Formosa xả thải gây nhiễm độc biển, dư luận cho rằng, ngoại trừ yếu tố năng lực thì lương tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cán bộ chuyên trách đang thực sự có vấn đề, cần được rà soát, chấn chỉnh. Không thể đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như thời hạn cấp quyền đầu tư. Hành vi xử sự theo kiểu “trăm dâu đổ lộn đầu tằm” trong trường hợp, tình huống này xem ra chưa thuyết phục.

Ngày 28/6, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa sẽ có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại của người dân cũng như việc xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái, cam kết khắc phục tất cả những tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như nâng cấp công nghệ để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự... Đó mới chỉ là kết quả bước đầu trong một hành trình dài xử lý hậu quả. Điều quan trọng hơn là các bước tiếp theo, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương phải giám sát, tổ chức xử lý môi trường biển và cả thủ phạm gây ra như thế nào cho thỏa đáng, đủ sức răn đe không chỉ đối với Formosa mà cho tất cả các nhà đầu tư đang có mặt hoặc đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng ta không thể đánh đổi bằng mọi giá để lấy công trình, dự án…”, như quan điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và địa phương phát biểu tại các diễn đàn. Đối với vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng cũng phải chỉ ra được tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, hình thức xử lý như thế nào? Dư luận cho rằng, từ thủ phạm gây ra sự cố môi trường đến những người thực thi công vụ liên quan nếu chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính đơn thuần thì xem ra khó có tác dụng răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự.

viet tiep cau chuyen ve formosa ha tinh

Tin tưởng, sóng gió rồi sẽ qua, người dân Kỳ Anh lại tiếp tục được hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn

Lời kết

Nhìn nhận một cách thấu đáo, khách quan và biện chứng, không thể phủ nhận một điều Formosa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh, cải thiện đời sống dân sinh trên địa bàn Kỳ Anh. KKT Vũng Áng, trong đó có “siêu” dự án Formosa - niềm kiêu hãnh của người dân Hà Tĩnh đã từng biến vùng đất một thời được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa” thành khu công nghiệp hiện đại, xứng tầm là điểm nhấn kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, sự cố gây nhiễm độc biển nghiêm trọng vừa qua đã và đang gây tâm lý nghi ngờ, lo lắng trong đại đa số cán bộ và nhân dân. Để lấy lại được thương hiệu, niềm tin của nhân dân vào “đầu tàu kinh tế của tỉnh” còn rất nhiều việc phải làm và không chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng quan trọng nhất, điều mà dư luận quan tâm đó là sự công khai, minh bạch, xử lý đúng người, đúng việc, không thiên vị, né tránh cho dù đó là ai, tổ chức nào như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.