Nhà máy Sữa Angkor Milk trị giá 23 triệu USD tại Campuchia vừa khánh thành vào tháng 5- 2016 là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại xứ sở chùa tháp.
Quy trình hiện đại được hãng sữa Việt ứng dụng trong sản xuất sữa bột, sữa nước và sữa chua - 3 dòng sản phẩm đem lại doanh thu tốt cho hãng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Tổng giám đốc Mai Kiều Liên tự tin vào kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào những năm tới.
Mới đây nhất, Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor Milk 23 triệu USD tại Campuchia. Đây là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại xứ sở chùa tháp. Giai đoạn một, Angkor Milk vận hành với công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc mỗi năm. Giai đoạn 2 - năm 2024, nhà máy sẽ đẩy công suất lên 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm phục vụ nhu cầu người dân Campuchia và khu vực. Sản phẩm chủ lực là sữa đặc có đường nhãn hiệu Best Cow & Captain.
Nhà máy sữa Việt Nam là một trong hai siêu nhà máy do Vinamilk đầu tư tại Bình Dương, có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó phần lớn chi phí dành cho việc sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại bậc nhất thế giới mà Tetra Pak (Thụy Điển) từng xây dựng.
Dự án đánh dấu thêm một bước tiến dài của Vinamilk không chỉ trên phương diện đầu tư mà còn cập nhật công nghệ hàng đầu thế giới - giống như toàn bộ chuỗi nhà máy mà Vinamilk xây dựng và phát triển tại Việt Nam suốt 40 năm qua.
Ít ai ngờ một doanh nghiệp thành lập năm 1976 trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa do chế độ cũ để lại gồm nhà máy sữa Thống Nhất, nhà máy sữa Trường Thọ, nhà máy sữa bột Dielac lại có bước phát triển vượt bậc so với những đơn vị khác cùng thời kỳ. Đến nay, năm 2016, đây cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 8,5 tỷ USD.
Một trong những bước ngoặt đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, thị phần của Vinamilk là vào 3 năm trước, với sự hiện diện của 2 siêu nhà máy có tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, bằng vốn tự có của công ty tại Bình Dương.
Nhà máy Sữa bột VN xây dựng trên diện tích 6 ha tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương), mức đầu tư 2.000 tỷ đồng vận hành ngày 22/4/2013, sau hơn một năm thi công. Lãnh đạo công ty thừa nhận việc khởi động sớm siêu dự án nằm trong tham vọng trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới.
Ngoài dây chuyền sản xuất sữa bột hiện đại hàng đầu châu Á, nhà máy sữa bột VN có quy trình hoàn toàn khép kín, tự động hóa 100% từ khâu chế biến, đóng lon, đóng thùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hãng đầu tư hệ thống truy vết bằng mã vạch từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra để dễ dàng truy vết khi có bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến sản phẩm. Với công suất 54.000 tấn sữa bột mỗi năm, nhà máy đáp ứng phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Lý giải về việc đầu tư này, bà Mai Kiều Liên bộc bạch: "Sữa và cà phê là hai thứ Việt Nam có thể xuất khẩu tốt". Bà chia sẻ, cách đây 25 năm, khi Vinamilk khôi phục nhà máy sữa Dielac 1, toàn bộ sữa bột cho trẻ em ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Song hiện tại, riêng Vinamilk đã chiếm 30% thị phần sữa bột.
Khi nhà máy này đi vào hoạt động đã giúp Vinamilk đạt doanh thu khoảng hơn 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 6.500 tỷ đồng, tăng 12% ngay trong năm 2013.
Cùng với sữa bột, siêu nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương cũng được Vinamilk đưa vào vận hành không lâu sau đó với kỳ vọng giúp người tiêu dùng trong nước sử dụng những sản phẩm sữa tốt nhất và xuất khẩu ra nước ngoài.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà máy rộng hơn 20ha này là sự tĩnh lặng, khác hẳn với nhịp độ làm việc tất bật thường thấy ở những khu vực sản xuất quy mô lớn. Nơi đây chỉ có một số công nhân vận hành bởi đã có robot tự vận hành, dây chuyền sản xuất tự động, kho thông minh... Điều này giúp hạn chế tối đa tương tác của con người, đảm bảo sữa thành phẩm luôn vệ sinh tuyệt đối.
Sau 23 năm đầu tư hệ thống sản xuất sữa chua công nghiệp chuyên nghiệp, hiện nay, dây chuyền sản xuất Vinamilk đang cung cấp đến 6,5 triệu hũ sữa chua mỗi ngày cho người tiêu dùng Việt Nam
Nhà máy có công suất 400 triệu lít sữa mỗi năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa mỗi năm trong giai đoạn 2 được công ty bỏ ra khoảng 2.400 tỷ đồng đầu tư, trong đó phần lớn chi phí dành cho việc sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại bậc nhất thế giới mà Tetra Pak (Thụy Điển) từng xây dựng.
Ông Bert Jan Post, Giám đốc điều hành công ty Tetra Pak Việt Nam đánh giá, dự án có đẳng cấp tự động hóa và tích hợp hàng đầu thế giới hiện nay, tự động 100% từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm. Hệ thống robot được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm, sẽ chịu trách nhiệm chuyển cuộn giấy tiệt trùng vào máy rót và tự động chuyển hàng thành phẩm vào kho thông minh. Nhờ sự kết hợp của các yếu tố công nghệ chế biến tiên tiến, công nghệ tiệt trùng UHT và công nghệ chiết rót vô trùng, sản phẩm có thể giữ hương vị tươi ngon trong thời gian 6 tháng mà không cần chất bảo quản.
Hiếm ai biết, từ năm 1976, Vinamilk đã bắt đầu sản xuất sản phẩm sữa chua đầu tiên để tận dụng nguồn nguyên liệu sữa đặc còn dư trong đường ống sản xuất của nhà máy sữa Trường Thọ. Khi đó, các hoạt động sản xuất chủ yếu tự phát nên sản phẩm chỉ sử dụng nội bộ. Qua quá trình thử nghiệm, năm 1993, Vinamilk đầu tư hệ thống sản xuất sữa chua công nghiệp chuyên nghiệp từ các nước tiên tiến, từng bước đưa dòng sản phẩm này chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Hiện Vinamilk có 13 nhà máy tại Việt Nam, 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia, trong đó có 11 nhà máy sản xuất sữa chua cùng nhiều sản phẩm dành cho từng phân khúc riêng biệt như sữa chua Probi, sữa chua Susu dành cho trẻ em, sữa chua Probeauty dành cho phái đẹp... Với công suất lên đến 6,5 triệu hũ mỗi ngày, sau 23 năm đầu tư hệ thống sản xuất sữa chua công nghiệp chuyên nghiệp, dây chuyền sản xuất Vinamilk đang cung cấp sữa chua cho gần 85% người tiêu dùng Việt Nam.
Sau gần 40 năm với vị trí là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam và 18 năm kinh nghiệm xuất khẩu trên thế giới, Vinamilk không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng mà có những bước đi để hiện thực hóa tham vọng toàn cầu hóa thương hiệu của mình.
Nhờ hoàn tất sở hữu 100% cổ phần Driftwood hồi tháng 5 vừa qua, mỗi năm Vinamilk có thêm vài ngàn tỷ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ này. Đáng kể, trong các hạng mục đầu tư nước ngoài thành công có nhà máy Miraka tại New Zealand. Ngoài việc khai thác nguồn nguyên liệu sữa tươi dồi dào và chất lượng cao từ quốc gia nông nghiệp ở Nam bán cầu, từ 2012 đến nay, phần cổ tức mà công ty nhận được từ nhà máy là hơn 2 triệu NZD.
Với hơn 6 tỷ sản phẩm sữa các loại phục vụ cho người tiêu dùng cả nước mỗi năm, sản phẩm hiện diện tại hơn 43 quốc gia trên thế giới trong những năm qua, mục tiêu là 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất Thế giới với doanh thu 3 tỷ đô la vào những năm tới của hãng sữa Việt sẽ không còn là giấc mơ.