Núi Hồng - Sông La

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2022) là mốc son tri ân và tôn vinh về nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Trên hành trình cống hiến đó, các thế hệ cán bộ quản lý và nhà giáo Hà Tĩnh dẫu trải qua nhiều hy sinh, gian khó, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc và vinh quang với sứ mệnh “trồng người”.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương
Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Ở tuổi 46, đã trở thành người thầy của nhiều thế hệ học trò, thầy Trần Xuân Phượng vẫn nhớ như in những kỷ niệm về những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó là những người đã truyền lửa, định hướng và khơi dậy niềm đam mê về nghề “gieo chữ” trong trái tim của cậu học sinh (HS) trường làng.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Thầy Phượng tâm sự: “Từ thuở bé, tôi đã may mắn khi được học môn Toán từ một người thầy đáng kính. Kiến thức, tâm huyết và những bài giảng khơi dậy đam mê, hứng thú học tập cho HS của thầy đã giúp tôi - một học trò ở vùng núi Hương Sơn sớm nuôi ước mơ và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Người thầy ấy đã gieo mầm tình yêu Toán học, cho tôi thấy sức hấp dẫn của những con số, phép tính tưởng chừng rất khô khan. Những lần được thầy giáo khen thưởng, động viên khi chiến thắng bài toán khó; những món quà bình dị gửi gắm sự động viên, khích lệ và cả sự kỳ vọng của thầy là những kỷ niệm theo tôi suốt cuộc đời”.

Tình yêu môn Toán và tình cảm ấm áp của các thầy cô đã thôi thúc thầy Phượng tiếp nối sứ mệnh “chèo đò”. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán - Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), thầy được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ). Đây là ngôi trường nằm ở vùng hạ huyện, nơi có 98% HS là con nông dân, trong đó có nhiều em thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Thầy Trần Xuân Phượng cùng các thầy cô giáo Trường THPT Trần Phú trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (ảnh tư liệu).

Sớm khẳng định được năng lực, từ ngày mới ra trường, thầy đã được ban giám hiệu, tổ chuyên môn tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng HS giỏi, ôn thi đại học. Cùng với nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, thầy Phượng cùng đồng nghiệp thường xuyên nêu khẩu hiệu “Học để thoát khỏi đói nghèo” trong học sinh, truyền lửa khát vọng lập nghiệp bằng con đường kiến thức để các em nỗ lực bứt phá. Chuyên môn giỏi và tâm huyết với nghề, trong quãng thời gian gần 8 năm (từ 1998 đến 2006) tham gia giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Phượng đã có nhiều thành tích trong công tác củng cố và nâng cao chất lượng mũi nhọn. Trong đó có 6 lần đội tuyển HS giỏi Toán của Trường THPT Trần Phú do thầy và các giáo viên bộ môn bồi dưỡng đã được xếp thứ nhất tỉnh.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Xem HS như chính con em mình, thầy Phượng luôn tâm niệm: Điều cần thiết nhất của người giáo viên, ngoài năng lực, trình độ và tố chất nghề nghiệp, thì phải có tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu HS. Thầy cô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách và sự phát triển của mỗi HS.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng các thầy cô giáo ở Trường THPT Trần Phú vẫn còn nhớ hình ảnh mỗi ngày thầy Phượng dìu em Lương Xuân Tiến (một HS sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm) từ tầng 1 lên phòng học ở tầng 3, để rồi sau đó món quà tuyệt vời nhất em dành tặng thầy là tổng điểm khối xét tuyển đạt 29 trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm học 2003-2004. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường đã nhận được sự quan tâm, động viên tinh thần, hỗ trợ tài liệu học tập, kêu gọi trợ giúp để có thêm điểm tựa vươn lên trong học tập.

“Những hành động đẹp ấy đã lan tỏa trong tập thể sư phạm và Trường THPT Trần Phú đã trở thành mái ấm của những HS nghèo vượt khó. Nhiều thế hệ HS đã trưởng thành, nhưng luôn giữ nguyên vẹn sự kính yêu, tình yêu thương với thầy cô giáo như cha mẹ trong gia đình thứ 2. Đó cũng là động lực để ngôi trường ở vùng khó khăn từng bước vươn lên củng cố thương hiệu về chất lượng giáo dục”, thầy Đinh Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - người đã có 20 năm gắn bó với Trường THPT Trần Phú cho biết.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

24 năm gắn bó với nghề, trong đó có 16 năm ở cương vị quản lý (5 năm làm phó hiệu trưởng, 11 năm làm hiệu trưởng), với thầy Phượng, trường cũng chính là ngôi nhà thứ 2 và cán bộ, giáo viên, học sinh là những người thân trong gia đình. Vì thế, thầy luôn đặt nhiệm vụ xây dựng mối đoàn kết gắn bó, yêu thương và hỗ trợ nhau trong tập thể sư phạm lên hàng đầu.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ cho tập thể Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

“Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi may mắn được làm việc, được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn, công tác quản lý, về lối sống chân thành giản dị, luôn yêu thương đồng nghiệp, yêu thương học trò của các thế hệ giáo viên đi trước. Đó là thầy Nguyễn Lạc, Đoàn Bắc Tiến, Trần Văn Ngụ, Nguyễn Trí Hiệp, Nguyễn Ngọc Hoan... Và bài học từ những người thầy đã giúp tôi vững vàng, tự tin hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao” - thầy Phượng cho hay.

Năm 2018, sau 20 năm gắn bó với Trường THPT Trần Phú, thầy Trần Xuân Phượng được luân chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - đây là ngôi trường có bề dày truyền thống về chất lượng trên vùng đất khoa bảng. Làm thế nào để giữ vững và phát huy thành tích của nhà trường luôn là điều thầy Phượng băn khoăn, trăn trở. Từ sự quan tâm của ngành, sự ủng hộ của tập thể sư phạm và bề dày kinh nghiệm, thầy đã vững tin để thực hiện trọng trách ở môi trường mới.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ).

Thầy Phan Hữu Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Thầy Phượng là người nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm và có năng lực xử lý tình huống rất tốt, tạo dựng được mối đoàn kết gắn bó trong cơ quan. Thầy cũng thường xuyên quan tâm đến từng cán bộ, giáo viên, hiểu rõ năng lực, sở trường của từng người, từ đó có sự bố trí, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc”.

Ở vai trò là người đứng đầu, thầy Phượng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đầu tư và nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh việc động viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thầy sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt với các tổ chuyên môn, duy trì hoạt động thăm lớp dự giờ và đặc biệt là theo sát các đội tuyển HS giỏi trong quá trình bồi dưỡng để kịp thời động viên, khích lệ.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Thầy Trần Xuân Phượng triển khai nhiệm vụ trong buổi giao ban Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Cô Phạm Thị Ngọc Mai - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: “Thầy hiệu trưởng là người bao quát trong mọi công việc, đặc biệt yêu cầu cao trong chuyên môn. Nhưng quá trình chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ của thầy rất khoa học, nhẹ nhàng, luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến và luôn khích lệ sự sáng tạo của mỗi giáo viên. Đó là động lực, là môi trường thuận lợi để chúng tôi không ngừng cố gắng”.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Thầy Phượng sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt với các tổ chuyên môn, duy trì hoạt động thăm lớp, dự giờ nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Từ sự quan tâm, động viên khích lệ, tạo điều kiện của thầy hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường và các tổ chuyên môn, phong trào đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ, phát triển năng lực cho HS được lan tỏa trong nhà trường. Những giờ dạy kết nối bằng các phần mềm ứng dụng, công cụ tương tác online với các lớp học trên thế giới của cô Ngọc Mai - giáo viên Địa lý; những giờ dạy Toán hấp dẫn, cuốn hút của thầy Đặng Minh Trường; những nỗ lực trong quá trình tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ như cô Nguyễn Thị Thủy, Đào Thị Hằng - giáo viên tiếng Anh... và rất nhiều giáo viên tiêu biểu ở các tổ chuyên môn của trường đã và đang góp phần tạo nên luồng gió đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Các thầy cô giáo được khuyến khích đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Với sức mạnh đồng thuận của tập thể, với tâm huyết, niềm say nghề, yêu HS, cùng những nỗ lực không ngừng tự học và sáng tạo của mỗi thầy cô giáo, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vẫn luôn giữ vững thành tích đáng tự hào trong sự nghiệp “trồng người”. Năm 2021, trường được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc và trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, trường vinh dự được đón nhận cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ.

Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (Bài 3): Người thầy “thắp lửa” yêu thương

Chặng đường dài gắn bó với sự nghiệp giáo dục bằng niềm đam mê, tình yêu nghề, năng lực và tinh thần trách nhiệm, thầy Trần Xuân Phượng đã được UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Những niềm vinh dự lớn lao ấy cùng với sự tín nhiệm của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, sự trưởng thành của các thế hệ HS là nguồn động lực, niềm hạnh phúc không bao giờ vơi cạn để thầy tiếp tục dốc bầu nhiệt huyết, bền bỉ cống hiến trên hành trình thực hiện sứ mệnh “trồng người”.

thiết kế: công ngọc

(Còn nữa)

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.