Bằng sự cần cù, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông Đinh Lâm Hậu đã biến những triền đồi hoang thành vùng đất có giá trị kinh tế cao.
Hơn 10 năm về trước, vùng đất thôn 1 nơi gia đình ông Đinh Lâm Hậu (SN 1966) và bà Tô Thị Liên (SN 1971) sinh sống chỉ là vùng đất cằn cỗi, khó đi lại, không trồng được cây gì hiệu quả. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó, ham học hỏi, từ năm 2010 đến nay, ông Hậu đã biến mảnh đất cằn thành vùng đất có giá trị kinh tế cao.
3 ha cam của gia đình ông Hậu đã cho thu hoạch lứa thứ 4.
Ông Hậu cho biết: “Ngày trước, nơi đây là vùng nghèo nhất xã, đường đi khúc khuỷu, có nhiều đoạn phải lội qua suối, cứ vào mùa mưa lũ là bị cô lập. Tuy nhiên, khắc ghi lời Bác “rừng là vàng” tôi đã phá bỏ cỏ dại, cây tạp để trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp”.
Đầu năm 2010, khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vợ chồng ông Hậu đã nắm bắt cơ hội này. Bằng sự say mê, chịu khó, ông đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng thuê máy móc san ủi mặt bằng, mở rộng diện tích canh tác, biến những quả đồi sỏi đá thành những đồi cam, rừng keo bạt ngàn.
Ông Hậu đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại cho vườn cam hơn 1.000 gốc.
"Những ngày đầu bắt tay vào làm vất vả lắm. Tờ mờ sáng, vợ chồng tôi đã ra khỏi nhà để đi khai hoang, tay chân lúc nào cũng rướm máu vì vết cào của cỏ dại, của dao, cuốc. Làm đến khi người muốn mệt lả mới tạm nghỉ để uống nước, ăn củ sắn, củ khoai rồi lại tiếp tục đến tận tối mịt mới về nhà. Cũng chính sự vất vả ấy đã hun đúc thêm ý chí làm giàu trong tôi...” - ông Hậu tâm sự.
Để có được những quả cam thơm ngon, ông Hậu đã chọn giống cam chanh sạch bệnh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam để trồng. Vườn cam của ông có rãnh thoát nước, khoảng cách trồng mỗi cây cách nhau 3m. Trong quá trình trồng, ông Hậu thường xuyên chú trọng việc bấm tỉa những cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán và cành vượt.
Để có vườn cam năng suất, bà Liên thường xuyên làm cỏ và bón phân đúng định kỳ.
Đất không phụ lòng người, sau 10 năm cần mẫn, đến nay, gia đình ông Hậu có hơn 2 ha cam đã cho thu hoạch lứa thứ 4.
Để cây cam đạt năng suất quả cao, vợ chồng ông Hậu thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất như: đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động... để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng.
Ngoài 3 ha cam xanh mướt cho thu nhập cao, vợ chồng ông Hậu còn làm chủ hơn 20 ha keo.
Ngoài những đồi cam trĩu quả, ông Hậu còn sở hữu hơn 10 ha keo xanh mướt. Ông Hậu cho hay: “Mỗi năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 12 tấn cam, thu về gần 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn thu về khoảng 100 triệu đồng từ thu hoạch keo. Nhờ vậy mà gia đình tôi từ khó khăn đã vươn lên trở thành hộ có nguồn thu nhập khá của địa phương”.
Vợ chồng ông Hậu nuôi thêm 2 ao cá và chăn nuôi thêm trâu, bò để tăng thêm thu nhập.
Ngoài trồng cam và keo, vợ chồng ông Hậu còn nuôi thêm 2 ao cá và chăn nuôi thêm trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, đầu năm 2016, mô hình kinh tế của gia đình ông Hậu được chính quyền địa phương vận động đăng ký vườn mẫu.
Bà Liên - vợ ông Hậu cho biết: "Khi được cán bộ xã đến vận động xây dựng vườn mẫu, tôi đã bàn bạc với chồng tham gia ngay. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, giữa năm 2016, khu vườn của gia đình tôi đạt chuẩn vườn mẫu cấp tỉnh. Đây là động lực để vợ chồng tôi cố gắng hơn”.
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng ông Hậu đã vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phú Phan Văn Hóa cho biết: “Những thành quả mà vợ chồng ông Hậu đã đạt được là thành quả của tinh thần lao động nghiêm túc, không khuất phục khó khăn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, đi đầu trong xây dựng vườn mẫu, ông Hậu, bà Liên còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người...”.