Vỡ đập kép nhấn chìm một nửa thành phố, Nga sơ tán gần 4.400 người

Chính quyền vùng Orenburg thuộc khu vực dãy Ural ở Nga đã sơ tán 4.400 người dân sau sự cố vỡ đập kép ở gần biên giới với Kazakhstan.

Lực lượng chức năng vùng Orenburg phải tiếp cận người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bằng xuồng hôm 6-4 - Ảnh: AFP
Lực lượng chức năng vùng Orenburg phải tiếp cận người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bằng xuồng hôm 6-4 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, ngày 6-4 (giờ địa phương), chính quyền vùng Orenburg (Nga) đã phải ra lệnh sơ tán 4.400 người, bao gồm 1.100 trẻ em, khỏi khu vực có thể chịu ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập tại thành phố Orsk thuộc khu vực dãy Urals.

Hôm 5-4, con đập trên bất ngỡ bị vỡ một mảng lớn, nhấn chìm gần nửa thành phố Orsk trong biển nước. Đến tối 6-4, một mảng lớn của đập tiếp tục vỡ, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Alexander Kurenkov đến tận thành phố Orsk để tổ chức khắc phục thiệt hại.

Chính quyền Nga cũng đã mở vụ án hình sự điều tra "sự lơ là và vi phạm quy định an toàn xây dựng" đối với sự cố vỡ đập, vốn mới chỉ được xây dựng hồi năm 2014.

Các xuồng chở người di tản khỏi khu vực nguy hiểm do lũ lụt gây ra - Ảnh: VANGUARD
Các xuồng chở người di tản khỏi khu vực nguy hiểm do lũ lụt gây ra - Ảnh: VANGUARD

Chính quyền cho biết tình hình hiện rất khó khăn trên toàn vùng Orenberg khi sự cố vỡ đập khiến nước sông Ural dâng lên mức báo động. Dòng nước hiện đe dọa trực tiếp thành phố Orenburg - thủ phủ vùng này.

Thị trưởng Orenburg Sergei Salmin không loại trừ khả năng di tản người dân ra khỏi các khu vực lũ lụt nếu cần thiết.

"Tình hình hiện tại không cho chúng ta lựa chọn nào. Vào ban đêm, nước sông có thể lên mới cực kỳ nguy hiểm. Tôi yêu cầu tất cả những ai ở vùng lụt rời nhà ngay lập tức", ông tuyên bố.

Vị quan chức này nhấn mạnh hiện không còn thời gian để vận động, thuyết phục người dân. Do đó nếu người dân không tự nguyện rời khu vực nguy hiểm, chính quyền thành phố sẽ cưỡng chế di tản họ với sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát.

Vụ vỡ đập ở Nga diễn ra trong bối cảnh nhiều vùng ven dãy núi Urals và phía tây khu vực Siberia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt do băng tan mùa xuân.

Không chỉ Nga, Kazakhstan - nơi có đường biên giới cách vị trí đập vỡ không xa - cũng rất lo ngại với tình hình nước láng giềng.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết đợt lũ trong hai ngày qua là một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất nước này đối mặt trong 80 năm qua. Do đó, ông yêu cầu chính quyền cả nước sẵn sàng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

Sáng 7-4, Hãng tin TASS dẫn lời lãnh đạo bộ phận khắc phục hậu quả thiên tai thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Kazakhstan Kaharman Orazalin cho biết cơ quan này đã sơ tán hơn 63.000 người chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ông Orazalin cho biết thêm 3.400 ngôi nhà bị nước nhấn chìm và 10 vùng của nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì lũ lụt.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, Tổng thư ký nhóm vũ trang Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã bác bỏ lời kêu gọi của Chính phủ Liban về việc giải trừ vũ khí, đồng thời ông cũng kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ nước này.