“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Sau 12 năm gắn bó với phố núi, Đông Triều nhận lời tới Bình Dương theo dạng cho mượn. Anh bảo mình chưa từng hối hận và đã học được rất nhiều ở miền đất mới.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Sau 12 năm gắn bó với phố núi, Đông Triều nhận lời tới Bình Dương theo dạng cho mượn. Anh bảo mình chưa từng hối hận và đã học được rất nhiều ở miền đất mới.

Tôi không hối hận.

Đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận.

Tôi biết cuộc đời cầu thủ là phải chơi cho nhiều CLB khác nhau, nhiều lần di chuyển, đến rồi lại đi, gặp gỡ và li biệt. Nhưng tôi biết, rời HAGL năm 2018 (theo dạng cho mượn - PV) sẽ là một trong những chuyến đi đặc biệt nhất cuộc đời mình.

Tôi đến đây khi còn là cậu bé 11 tuổi và ra đi khi đã là người đàn ông 23 tuổi. 12 năm rồi, làm sao không bồi hồi, xao xuyến?

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày ở HAGL. Hồi đó là năm 2007, mẹ tôi nằm viện ở Đà Nẵng, ba phải xuống đó chăm mẹ. Lúc ấy, Học viện HAGL JMG tới tuyển khóa I ở Quảng Nam. Đó vốn không phải dự định của tôi. Nhưng tình cờ, chú tôi chở ông anh họ xuống huyện ứng tuyển. Tôi thấy thích qua nên xin đi ké. Cuối cùng, anh trượt còn tôi lại đậu. Mọi thứ cứ đến tự nhiên như một cái duyên.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

HAGL đã cho tôi tất cả. Những gì tôi đang có từ bóng đá tới ngoài sân cỏ đều do HAGL mang lại. Nhờ CLB, tôi được đi nhiều nơi, kiếm được một chút tiền. Đội bóng cũng cho tôi tiếng tăm để dễ dàng hơn trong những công việc riêng. Không có HAGL, có lẽ tôi giờ chỉ lông bông thôi. Cảm ơn HAGL vì đã cho tôi được như ngày hôm nay.

Nhắc tới HAGL là phải nói về bầu Đức. Trong suy nghĩ của chú, chúng tôi dù có lớn đến đâu vẫn là những “thằng nhỏ”. 12 năm ở Gia Lai là 12 năm chúng tôi lớn lên dưới sự bảo bọc của HAGL mà chú là người đứng đầu. Với chú, tụi tôi 25 tuổi vẫn là những đứa con nít như ngày nào chú ngồi trên sân bóng học viện, xem chúng tôi vờn bóng qua lại năm 13-14 tuổi.

Tôi biết chú thương tụi tôi lắm. Bầu Đức với tôi lúc nào cũng tình cảm và vui vẻ. Tôi không được nói chuyện với chú nhiều nhưng lần nào gặp, chú cũng giỡn giỡn hoài. Có lần gặp, chú đùa là sao tôi cứ chấn thương suốt vậy. Chú rất nóng tính nhưng cái nóng đó với ai chứ với tôi thì ít lắm.

Nếu không có chú, chúng tôi sẽ không có chuyến đi tới Arsenal năm 2012.

Khi bạn 17 tuổi và đứng trước mặt Arsene Wenger, bạn sẽ hiểu thế giới rộng lớn thế nào.

Trước chuyến đi đó, Học viện HAGL JMG được sang Arsenal tập huấn mấy tuần. Cả đội đi Bỉ, Pháp rồi sang Anh tập tại lò Arsenal. Trong những buổi tập ấy, thỉnh thoảng lại có vài HLV của Arsenal, HLV đội trẻ thôi, ra quan sát. U17 HAGL JMG thắng U18 Arsenal 1-0 trong một trận đấu tập, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Cả hội lúc ấy còn nhóc lắm, chỉ biết đá thôi chứ chưa để ý gì. Khi về nước, báo chí trong nước nói nhiều về trận này. Rồi một hôm, thầy Guillaume Graechen kêu tôi lên phòng nói chuyện. Lúc ấy, tôi mới biết mình được Arsenal để ý.

Tôi không biết người ta nhận xét thế nào về mình. Cái đó chỉ có thầy “Giôm” nắm được. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình có một tố chất gì đó mà Arsenal nhìn thấy.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Chúng tôi có 4 người: tôi, Công Phượng , Xuân Trường và Tuấn Anh. Tôi là “trưởng đoàn”.

Ngày ấy, chúng tôi chưa nghĩ rằng mình đại diện cho Việt Nam hay là niềm tự hào của lò HAGL gì gì đó đâu. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đều hiểu đây là cơ hội có một không hai trong đời mình. Nếu chúng tôi thành công, được Arsenal gọi lại sau Giáng sinh thì quá tốt rồi. Còn nếu không, nói thật, được Arsenal gọi sang thử việc là quá thành công rồi.

Họ sắp xếp cho chúng tôi ở một khách sạn 4 sao, di chuyển bằng xe Mercedes-Benz, có tài xế đưa đón. Cả nhóm tập cùng đội U18 của Arsenal từ đầu tháng 12/2012 tới Giáng sinh. 4 đứa được gặp HLV Arsene Wenger và Giám đốc kỹ thuật Steve Morrow. Mỗi buổi tập xong, chúng tôi được ăn trưa cùng phòng với đội một. Arsenal ngày ấy vẫn còn Thomas Vermaelen, Theo Walcott và nhiều cầu thủ nổi riếng lắm. Tôi nhớ mãi có lần, chúng tôi ngồi ăn cơm ngay cạnh bàn của HLV Wenger. Ăn xong, 4 đứa rủ nhau chạy sang xin chụp hình lưu niệm với ổng.

Điều buồn cười là đi sang châu Âu, đến Arsenal mà mấy đứa vẫn mang theo cả đống mỳ tôm. Đồ ăn, thức uống rất đầy đủ nhưng đồ Tây không phải lúc nào cũng hợp khẩu vị. Đi ít ngày, chúng tôi đã thấy nhờ đồ ăn của các chị, các cô ở học viện.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Arsenal đón chúng tôi nồng hậu nhưng tập luyện thì nghiêm túc và khắt khe vô cùng. Lúc ấy, đội trẻ Arsenal có một trận đấu với Blackburn. Tôi đã hy vọng rằng có ai đó trong 4 đứa sẽ được ra sân. Nhưng họ không chọn một ai cả. Bóng đá ở đây còn khốc liệt hơn lời kể, cầu thủ chơi giải trẻ cũng cực kỳ nỗ lực. Tính cạnh tranh của họ cao lắm, đá tập mà dữ dội như thi đấu thật, họ có thể làm được tất cả mọi thứ. Ở đó, 4 đứa học được những điều mà Việt Nam chưa từng biết đến.

Sau này về nước, tôi nhận tin Tuấn Anh được ông Wenger “chấm”. Đẳng cấp của cậu ấy bây giờ ai cũng biết rồi, khen ngợi thế nào cũng là thừa.

Cũng từ ngày ấy, trình độ của mỗi người bắt đầu có sự phân cấp. Ban đầu, chúng tôi học cùng một khóa nên trình độ khá đồng đều, chuyên môn của từng người đều ngang ngang nhau. Nhưng từ giai đoạn 18 tới 20 tuổi, ai có cơ hội thi đấu nhiều sẽ phát triển vượt bậc. Điều tôi tiếc nhất trong thời gian ở U19 Việt Nam là đội toàn về nhì. Chúng tôi có 2 trận chung kết với U19 Nhật Bản và U19 Indonesia (Giải U19 Đông Nam Á 2013 và 2014 - PV) nhưng đều thua. Giá mà đội giành được một thành tích nào đó, tôi tin rằng thế hệ của mình sẽ được đánh giá tốt hơn. Còn khi mình về nhì, người ta ít nhớ đến.

Quãng thời gian ở U19 Việt Nam cũng là kỷ niệm đáng nhớ với chúng tôi. Cả đội được khen nhiều nhưng cũng bị chê không ít. Thời gian ấy đã dạy chúng tôi thói quen không quan tâm ai nói gì về mình. Chúng tôi cũng không đọc báo. Tôi hiểu rằng có người khen thì cũng sẽ có người chê mình và sự quan tâm quá mức có thể làm hại chúng tôi. Nếu không biết chọn ai, tốt nhất chúng tôi sẽ nghe HLV.

Bạn nhìn Công Phượng ở ngoài thấy nó lầm lì thế thôi chứ bên trong, nó vẫn như ngày xưa, vẫn rất bình thường, vẫn là chính nó thôi. Đến giờ, nó vẫn bị tôi bắt nạt. Nhưng tính nó chẳng để bụng chuyện gì. Nó bảo mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. Chúng tôi càng phản kháng thì sự việc sẽ càng ầm ĩ nhưng nếu im lặng thì mọi thứ rồi sẽ trôi qua.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Rồi mọi thứ cũng trôi qua thật. Năm 2015, chúng tôi lên V.League.

Tôi chưa quên những ngày tháng phải đá trung vệ hồi ấy. Tôi nổi tiếng là nhờ đá vị trí ấy ở U19 Việt Nam. Nhưng đó là đội U19 còn đây là V.League. Tôi chỉ cao 1,7 m, đá trung vệ khiến tôi gặp nhiều khó khăn trước các tiền đạo to cao. Tôi ngại tranh chấp bóng bổng.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Không phải tôi sợ, không phải tôi không chơi được, chỉ là làm sao tôi đá được khi các tiền đạo đối phương đều cao to hơn hẳn? Mà đội nào ở V.League cũng có tiền đạo như thế. Tôi vẫn chơi được nhưng chỉ thể hiện nổi 6, 7 phần năng lực. Không trận nào tôi đạt nổi điểm 10. Bạn bè tôi cũng gặp khó khăn tương tự. Tôi hiểu vị trí tiền vệ mới là nơi tôi chơi được ở V.League.

Cuối năm 2018, chú Tấn Anh (GĐĐH HAGL Nguyễn Tấn Anh) báo cho tôi rằng Bình Dương muốn hỏi mượn. Chú hỏi tôi có muốn đi hay không? Lần đầu tiên sau 12 năm, tôi đứng trước câu hỏi: có hay không nên rời HAGL?

Mùa trước đó, tôi đá được hơn 15 trận cho HAGL. Tôi không dám nói từng ấy trận là nhiều, tôi cũng không cho rằng mình đã là trụ cột của đội bóng. Nhưng tôi nghĩ mình cũng có đóng góp cho mùa giải của CLB. Tôi biết mình vẫn nằm trong kế hoạch của đội bóng. Nếu đi lúc này, mọi thứ có tốt hơn không? Tôi phải lựa chọn.

12 năm ở Gia Lai, mọi thứ đã quá thân thuộc. Với chúng tôi, HAGL là niềm tự hào. Tôi biết nhiều bè bạn muốn gắn bó trọn đời ở đây. Tôi cũng biết vào Bình Dương, mình sẽ phải làm lại mọi thứ từ đầu. Khác với những cầu thủ khác đã đi đây, đi đó, thay đổi môi trường liên tục, thế hệ tôi từ nhỏ tới lớn chỉ ở HAGL. Tôi biết hòa nhập với môi trường mới sẽ là điều không hề dễ dàng. Tôi có thể được nhiều nhưng cũng sẽ mất nhiều.

Cuối cùng, tôi quyết định đi.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hối hận. Bình Dương đã cho tôi rất nhiều. Tại đây, tôi nhận được những bài học mà ở HAGL không hề có. Ngày mới đến, tôi được thi đấu. Nhưng sau đó, tôi mất phong độ. Phong độ xuống thì phải dự bị. Càng dự bị thì càng bị mọi người lãng quên. Tôi hiểu đó là điều đương nhiên và không lấy đó làm buồn. Tôi sẽ cố gắng hơn.

Nhưng tôi chưa nghĩ tới chuyện trở về đâu. Tôi vẫn còn một năm ở đây. Tôi muốn đền đáp cho Bình Dương, nơi đã cho mình quá nhiều điều. Tôi chỉ sợ ngày nào đó, HAGL gọi mình trở về mà tôi chưa làm được gì cho Bình Dương. Trước lúc đó, tôi mong mình sẽ làm được gì đấy cho nơi này.

“Với bầu Đức, chúng tôi 25 tuổi vẫn là con nít”

Tôi cũng không còn xem đội tuyển quốc gia là một mục tiêu nữa. Ở tuổi này, tôi chỉ kỳ vọng mình sẽ được thi đấu nhiều và trở thành một tiền vệ tốt ở V.League. Đội tuyển quốc gia giờ đã có bộ khung ổn định rồi. Giờ tôi chơi chưa tốt thì tôi đặt mục tiêu trở lại để làm gì? Tôi nghĩ nếu có duyên thì ngày nào đó, tôi sẽ lên tuyển. Hiện tại, tôi không còn mơ về tuyển quốc gia.

Nhưng mọi người đừng lo, tôi còn cả một cuộc sống khác ngoài sân cỏ. Tôi mê tốc độ, thích và đang chơi xe. Tôi cũng có một quán đồ Quảng nhỏ mở cùng vợ. Với vợ chồng tôi, những món ăn đó không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào của người Quảng Nam. Chúng tôi đặt vào đó rất nhiều tình cảm của mình.

Ngoài tôi, lứa HAGL đều kinh doanh rất nhiều. Công Phượng có một quán cà phê, Tuấn Anh làm chủ một cơ sở quần áo và homestay, Xuân Trường, Đức Lương đều có việc của họ... Tôi nghĩ mình may mắn hơn các thế hệ đàn anh vì hiểu được sự rủi ro của nghề. Chúng tôi đều đã chuẩn bị cho tương lai sau này.

Hai vợ chồng tôi cũng đang tính tới việc tổ chức đám cưới và xây dựng gia đình nhỏ. Rồi Đông Triều sẽ làm cha. Biết đâu, điều đó sẽ giúp tôi có động lực hơn.

Và một ngày nào đó, bạn sẽ lại thấy Đông Triều ở đội tuyển Việt Nam.

Theo Zing

Đọc thêm

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Chiến thắng 1-0 trước ĐT Indonesia không chỉ giúp ĐT Việt Nam chấm dứt chuỗi trận thua liên tiếp trước đối thủ này trong năm 2024, mà “Những chiến binh sao Vàng” cũng rộng cửa vào bán kết sau khi có 3 điểm trước đại diện đất nước vạn đảo.
Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan vừa có trận ra quân tại ASEAN Cup 2024 gặp Timor Leste và thắng đậm đến 10-0, qua đó cho thấy sức mạnh của một ông lớn của khu vực Đông Nam Á và đang là ứng viên số 1 của cuộc đua vô địch kỳ này.