Kỷ niệm 198 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2018)
Chính cái tâm và cái tài ấy mà sau 198 năm kể từ ngày về với cõi tiên, Nguyễn Du vẫn sống trong niềm hoài vọng của lớp lớp hậu sinh.
Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du đang được xây dựng trở thành một địa chỉ văn hoá - du lịch Quốc gia.
Nguyễn Du ở lại trong lòng hậu thế bằng Truyện Kiều và nhiều tác phẩm thơ chữ Hán có giá trị sâu sắc. Truyện Kiều có mặt trong nhiều loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu… Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, không kể người già hay trẻ nhỏ, không kể người biết chữ hay không biết chữ đều có thể thuộc lòng những câu lục bát bất hủ, đều có thể biết bói Kiều, lẩy Kiều…
Bởi thế, không có gì khó hiểu khi Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, từ nhiều năm nay, đã trở thành chốn đi về của triệu triệu tấm lòng vọng nhớ Tố Như ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi Ban Quản lý di tích thường xuyên tiếp nhận các hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào từ rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Thế hệ trẻ trên quê hương đại thi hào diễn trò Kiều dựa trên nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du
Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du cho biết: “Hiện nay, Khu lưu niệm Nguyễn Du có trên 1.000 tư liệu, hiện vật. Trong đó có rất nhiều tư liệu quý giúp hậu thế bồi đắp thêm những hiểu biết về tài năng, trí tuệ và tấm lòng của bậc thiên tài. Chúng tôi cũng rất mừng vì gần đây, được đón nhận rất nhiều tư liệu, hiện vật, các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du của các Việt kiều và các nhà nghiên cứu nước ngoài. Thực tế đó càng chứng minh sự tỏa bóng của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới”.
Từ đầu năm đến nay, Khu lưu niệm Nguyễn Du tiếp nhận hơn 60 tư liệu, hiện vật, đón hơn 23.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Khu lưu niệm Nguyễn Du cũng đã và đang được đầu tư, phát triển theo hướng trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch quốc gia. Một trong những hoạt động thiết thực nhất chính là dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1).
Du khách về với Khu lưu niệm Nguyễn Du ngày càng đông (Ảnh Thuỳ Dương)
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2017, hiện trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục để thực hiện. Dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Khu lưu niệm Nguyễn Du đáp ứng các chức năng chủ yếu của du lịch văn hóa. Xây dựng di tích này thành địa chỉ văn hóa và du lịch hấp dẫn của quốc gia gắn với các giá trị thi ca của Nguyễn Du và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Tạo tiền đề và từng bước hình thành hệ thống du lịch - thương mại - dịch vụ, liên kết với các khu, điểm du lịch trong khu vực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong, ngoài nước.
Mang trong mình niềm hoài vọng tâm tài của bậc danh nhân văn hóa thế giới, Chi trưởng trực hệ Nguyễn Du - cụ Nguyễn Minh tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn luôn đau đáu về việc phải làm sao để xây dựng khu di tích xứng tầm với di sản mà Đại thi hào để lại. Chính cụ cũng đã nhiều lần đứng ra khâu nối với nhiều đơn vị, cá nhân để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ liên quan đến Nguyễn Du. Ngoài ra còn tích cực khâu nối để sưu tầm, trao tặng nhiều hiện vật, tư liệu quý về Nguyễn Du cho ban quản lý.
Truyện Kiều có mặt trong nhiều loại hình nghệ thuật khác, trong đó xẩm/lẩy Kiều (ảnh) là một trong những loại hình đặc sắc được nhân dân vùng Nghệ Tĩnh ứng dụng nhiều trong các hoạt động văn nghệ quần chúng (Ảnh: Giang Nam)
Không chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân mà nhiều thế hệ công dân Việt Nam, nhiều nhà khoa học thế giới đều thể hiện tình yêu, lòng kính trọng của mình đối với Đại thi hào qua nhiều việc làm thiết thực. Đó là những nỗ lực trong học tập, lao động; là những kỳ công trong nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp, cuộc đời Nguyễn Du; là những đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị mà Nguyễn Du để lại.
Kỷ niệm 198 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc lại là dịp để muôn triệu tấm lòng cùng hướng về miền quê Nghi Xuân, tri ân, tưởng nhớ công lao của bậc nhân tài lỗi lạc.