Vòng xòe nở hoa

(Baohatinh.vn) - Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...

Bà Miền đặt rổ rau muống xuống sân giếng, kéo cái ghế gỗ con ngồi xuống, thong thả nhặt. Ông Thinh đi từ trong nhà ra, ngẩng đầu nhìn ánh mặt trời chiếu qua vòm cây vú sữa lấp lánh. Loài cây này lạ thật, khi ánh ban mai chiếu vào, lá nó như dát vàng. Đã thế, quả còn rất sai, đang ngả màu tím sẫm. Ông Thinh chuyển ánh mắt từ cây vú sữa xuống lưng áo rịn mồ hôi và đôi bàn chân còn bám bèo tấm của vợ, định nói gì đó, nhưng lại thôi.

Bà Miền biết không thể cứ im lặng, lờ đi như không nghe tiếng loa oang oang suốt từ sáng đến giờ. Cả xóm làng đang náo nức cả lên. Đến nỗi cái người đang ốm dở, cả đêm rên rẩm đau xương nhức cốt cũng phải mò dậy, ra sân mà hóng. Bà thở dài một cái rồi ngẩng đầu. “Loa thông báo đấy. Ông muốn đi thì đăng ký”. Ông Thinh đã đặt một chân lên thềm rồi, nghe bà Miền nói thế lại nhấc chân xuống, quay ra chỗ bà, giọng hồ hởi: “Tôi đi, phải đi chứ. Cả làng đi, tôi ở nhà sao được”. Bà Miền vơ vén những gốc rau muống ném vào cái quây nhốt ngan rồi nhấm nhả: “Cứ khỏi bệnh đi, thì ông muốn lên cung giăng tôi cũng không cản”.

z5604517535645_96ec497a11b3682817c0c3f2f8937bd0.jpg
Ảnh minh họa: Huy Tùng.

Bà Miền rửa rau, vẩy ráo, đem vào bếp, rồi đi lên nhà. Mùi nhang ngào ngạt xui bà nhìn lên ban thờ. Sáng nay, bà hái những quả vú sữa chín bày lên đĩa, đặng ông ấy dậy thì thắp hương. Nhà bà, theo như cách nói của ông là nhà truyền thống cách mạng. Ông cụ thân sinh ra ông Thinh là bộ đội chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ bị thương khi đánh Đồi A1. Ông Thinh cũng có hai bà bác là dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Ông Thinh nhà bà là cựu binh đánh Mỹ, cũng là thương binh. Và đứa con trai duy nhất của ông bà giờ cũng là sỹ quan biên phòng.

Mới năm kia, ông Thinh đi thăm chiến trường xưa cùng chi hội cựu chiến binh xã, tha thiết rủ nhưng bà không đi. Nhà thì còn khóa được chứ ngan, gà ai cho chúng ăn. Mà ông nhà bà ngày càng dở. Đi đâu cũng chỉ thích sánh đôi. Thích khoe khoang vợ với bạn bè. Hễ ai đó khen bà đẹp, bà trẻ, là ông ấy khoái lắm, cười tít mắt.

Bà bảo: “Người ta khen tôi để vui lòng ông thôi, tôi có đẹp đâu, bảy mươi đến nơi rồi còn đẹp gì” thì ông lại bênh bạn. Bà chả hiểu gì cánh lính tráng cả. Khen chê đều là thật lòng cả. Đấy là đến chơi nhà bạn, những nơi gần còn đi xa thì chưa bao giờ sánh đôi với ông. Bà chưa bao giờ đi xa một chuyến cùng ông vào miền Trung hay Tây Nguyên.

Bà thường bảo: “Mình ông đi là được rồi, về kể cho tôi nghe. Vả lại, đồng đội của ông nằm lại chiến trường, tuổi đời toàn mười tám đôi mươi, nhiều người chưa có mảnh tình vắt vai, giờ ông nắm tay tôi đến đó, chả phải là thiếu tinh tế hay sao, rồi đồng đội ông tủi thân thì sao?”. Thế là ông yên tâm đi mà không chèo kéo bà nữa.

Sau mỗi chuyến đi về, ông kể chuyện cả tháng, tỉ mỉ như thể người ta viết nhật ký. Như thể ông muốn dùng những câu chuyện ấy để bù đắp phần nào cho cuộc đời tần tảo của bà. Ông kể tìm thấy phần mộ của một liệt sĩ người huyện bên, ông nhận ra ngay dù dòng thông tin có một số từ không chính xác. Ông kể những bông hoa mua ở nghĩa trang Trường Sơn thắm lắm, cả khi rụng xuống cũng không phai bớt màu. Ông khiến bà hình dung ra hết mọi thứ, ông khiến bà có cảm giác mình cũng đồng hành cùng ông trong suốt những hành trình ấy. Nhưng độ này ông đang ốm. Trận ốm rất lạ. Cứ ngầy ngật như người giả vờ. Trận ốm của ông Thinh khiến bà nhớ đến bố chồng.

Cụ Sáu là bố chồng của bà Miền. Hồi bà về đây làm dâu, bà vẫn nhớ, lúc ấy bố chồng bà độ năm chục tuổi, là thương binh khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ bị cụt một bên chân phải ngay bên dưới đầu gối. Cái chân còn lại cũng rất yếu do bị mảnh đạn pháo găm vào bánh chè. Xương máu hao hụt, lại thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trông cụ già lắm.

Năm ngoài sáu mươi tuổi, cụ ốm một trận thập tử nhất sinh. Một buổi trưa, quãng đầu tháng ba dương lịch, cụ gọi con trai và con dâu vào và bảo: Bố muốn đi Điện Biên một chuyến, nghe nói hội cựu chiến binh của huyện tổ chức đi trong tháng tư năm nay. Các con nghe ngóng thông tin rồi đăng ký cho bố. Hồi ấy, những năm đầu thập niên 90, đường sá còn chưa đâu vào đâu. Các chuyến đi thăm chiến trường Đông Bắc và Tây Bắc do hội cựu chiến binh và mặt trận Tổ quốc tổ chức chỉ mới lác đác, do kinh tế còn nhiều khó khăn.

Bà chị gái ruột của ông, tức người cũng tham gia dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì nói át em đi vì lo em đang đau ốm. “Ôi giời, khỏe đi, rồi về Thủ đô hay ra biển mà chơi một chuyến có hơn không? Lại cứ thích tới cái chỗ hồi xưa mình suýt bỏ mạng ấy làm gì”. Nghe chị gái can thế, lại thấy con trai, con dâu không đả động gì, thì cụ cũng không nhắc nữa. Nhưng để ý thì thấy tâm trạng cụ buồn lắm. Cụ có quyển sổ nhật ký ghi chép bìa da màu nâu đã sờn rách, chữ bên trong thì ố vàng, nhưng không cho ai xem. Nghe nói, cuốn sổ ấy theo cụ từ ngày nhập ngũ. Cụ dặn sau này cụ chết đi, thì hóa theo cụ nếu không ai còn muốn đọc.

Cho đến tận bây giờ, trong lồng ngực bà Miền, như vẫn còn đó một chiếc dằm, đôi lúc lại nhói lên. Chỉ cần hồi ấy, vợ chồng bà cố lên một chút, là tâm nguyện của ông cụ đã được thực hiện.

Bây giờ, ông Thinh đang ốm. Lại ao ước trở về nơi bố mình từng chiến đấu. Ông bảo tôi phải đến Đồi A1, đến cánh đồng Mường Thanh, đến hầm Đờ Cát, phải thăm Bảo tàng Chiến Thắng... Bà Miền thấy cái dằm trong ngực mình lại bắt đầu cựa quậy. Bà mong ông khỏe lại để đi cho kỳ được chuyến này. Đang xuôi ngược trong dòng suy nghĩ, bà nghe tiếng ông Thinh cất lên ngay bên tai: “Hay là tôi với bà cùng đi?”. Bà Miền giật mình, phản ứng: “Tôi đi sao được. Nhà cửa để cho ai mà đi? Gà vịt nữa chứ!”. Ông Thinh trả lời ngay lập tức, như đã chuẩn bị kỹ càng: - “Nhà khóa vào, gà vịt tôi sẽ nhờ người cho ăn. Có ba ngày thôi mà”. - “Thôi, tôi không đi, say xe lắm”. - “Có thuốc, bà lo gì say. Không đi thì tiếc lắm. Đi đông nên rất vui, đảm bảo bà quên say”...

Thế đấy, ông từng bước thuyết phục bà. Từng bước một. Cái tảng đá gan gà phút chốc mềm như bánh bột. Ngồi trên xe, bà dựa vào ông, nghe ông căn dặn: “Lên đó, có hướng dẫn viên thuyết minh hết, bà chỉ nghe thôi và cân nhắc thật kỹ mỗi khi đặt câu hỏi để người ta đỡ mệt. Đoàn mình hai xe gần trăm người đó”.

Khi đứng trên đỉnh Đồi A1, nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng Mường Thanh, bà vẫn nhéo tay ông thì thầm. “Cánh đồng này to quá ông ạ. Tôi chưa thấy cánh đồng nào mà lại có cả đồi, cả sông, cả suối như nơi này”. Rồi bà cứ khóc suốt. Đời bà, trừ khi cha mẹ nằm xuống và ngày con gái bà đi làm dâu nhà người, đây là lần hiếm hoi bà khóc. Cô hướng dẫn viên trẻ đẹp, mặc bộ váy áo Thái duyên dáng, giọng nói truyền cảm thuyết trình về những tấm gương chiến đấu quả cảm hy sinh anh dũng ngay tại nơi bà đang đứng đây, đã khiến bà có cảm giác, chính bà là một phần nhỏ trong chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Ông Thinh vụng về đưa tay lau nước mắt cho vợ.

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc mà tên tuổi và chiến công của họ bà từng thuộc lòng nhờ sách vở. Bà chỉ vào những ngôi mộ vô danh, thì thầm: “Tôi tin là bố của bác Lâm làng mình cũng nằm ở đây ông ạ”. Ông Thinh khẽ bóp tay bà. Chắc chắn thế, vì Sư ba mười sáu (316) đánh ở A1 mà. Tiếc là đợt này bác Lâm không đi được.

Đợi cả đoàn tập trung lại, theo chân cô hướng dẫn viên tiến ra cổng, thì ông Thinh nói với bà: “Bà ở lại cùng tôi, tôi có việc cần bà làm chứng”. Vừa nói, ông Thinh vừa quỳ xuống, mở ba lô lấy ra cuốn sổ nhỏ đã sờn rách, úa màu của bố ông ấy. Ông nâng hai tay, đặt cuốn sổ lên một ngôi mộ vô danh và chắp tay rầm rì khấn vái. Bà Miền thấy thế, ríu rít chắp tay làm theo chồng. Một số người trong đoàn ngoái cổ nhìn lại. Không ai thốt nên lời.

Trên đường ra khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ A1, bà Miền tò mò hỏi chồng: “Nãy ông khấn gì đấy?”. Ông Thinh dịu dàng bảo vợ: “Bà có biết, cuốn nhật ký, ông nội thằng Biên viết gì không?”. Vừa nói, ông thẫn thờ đặt vào tay bà cuốn nhật ký. Lần đầu tiên bà được chạm tay vào cuốn nhật ký của bố chồng. Bà lật giở ra. Hơn hai chục trang đầu tiên để trống, có nhiều vết ố. Những trang sau có chữ viết mực xanh thì đã nhòe nhoẹt. Ông Thinh bảo vợ: “Những trang đầu, cụ viết bằng chì, theo thời gian, không còn đọc được nữa. Nhưng tôi đã thuộc lòng rồi”. “Thế trang có bút mực này viết gì vậy? Ông còn nhớ không?”. Có chứ. Bố viết “B đã về đến quê nhà, nhất định sẽ quay lại thăm các anh em”. Cụ hứa với những người đã khuất nhưng cụ không thể quay lại. Vì thế mà cụ rất buồn.

Biết ông Thinh còn đang rất xúc động sau một ngày đi thăm đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng và Nghĩa trang Liệt sĩ A1 nên buổi tối, khi giao lưu cùng đội văn nghệ Hoa Ban do giáo viên, học sinh một trường cấp hai tổ chức, bà Miền kéo ông tới bằng được. Bên ánh lửa trại đêm tháng tư ấm áp, những vòng xòe khiến đất trời chao đảo. Những em bé gái, trai nắm tay nhau xen kẽ ở vòng trong cùng. Rồi đến những cô gái Thái duyên dáng trong bộ trang phục đẹp đẽ xếp vòng thứ hai. Những cựu chiến binh mặc quân phục xếp vòng ngoài cùng. Tất cả đều say trong một điệu nhảy rộn rã, tươi vui.

Mắt ông Thinh lấp lánh trìu mến nhìn bà Miền mặc trang phục Thái đứng lẫn giữa các cô giáo. Vòng xòe cứ rộng ra, rộng ra mãi. Những dùng dằng, ngại ngùng như biến mất. Điệu xòe Thái cứ cuốn người ta vào, không ai cưỡng được thứ âm nhạc du dương dìu dặt, không ai cưỡng được những ánh mắt biết cười của các cô gái Thái. Vòng xòe giống như bông ban trắng khổng lồ bung nở giữa đất trời Điện Biên anh hùng. Bà Miền siết chặt tay cô giáo đứng cạnh mình trong vòng xòe, hồn nhiên thật thà. Mai về rồi, chắc là sẽ nhớ lắm.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!