Món quà sinh nhật

(Baohatinh.vn) - Thanh áp vỏ ốc lên tai, nước mắt tự nhiên lăn dài từ bao giờ. Tiếng sóng biển u u vọng về mặn mòi làm Thanh thương nhớ bố...

Thanh ngồi dưới bóng lan hoàng dương nhìn mãi ra cổng. Mẹ bảo đi nhận quà của bố gửi từ chiều mà sao đến giờ này vẫn chưa thấy về. Mùa hè nóng bức, đã 5 giờ chiều rồi mà nắng vẫn chưa tắt hẳn. Hoàng hôn còn loáng nhoáng phía núi. Thanh cứ trông trời sáng đi một chốc nữa để mẹ kịp về.

Thanh đã thổi cơm từ chiều, nhặt ngọn sắn rửa sạch, tý mẹ về em sẽ luộc rồi trộn với lạc rang thành món nộm để ăn tối. Mẹ nói đây là món ăn mà bố thích nhất. Mẹ dạy Thanh làm nhiều cho quen việc, nhất là nấu những món ăn mà bố thích, vì thế, ngay cả khi vác rổ đi hái ngọn sắn non với em cũng đầy kinh nghiệm rồi. Để món rau sắn thật ngon thì Thanh sẽ hái những phần ngọn sắn có khoảng 2 đến 3 lá. Ngọn phải mập, còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, nhất là ngọn rau mọc trong bóng râm thì sẽ đỡ chát và mềm hơn nhiều.

- Bố thích nhất nộm rau sắn lạc rang, bữa nào có thêm tép khô rang trộn vào nữa thì ăn thun thút - mẹ cười mắt long lanh.

- Khi nào bố về phép, ngày nào con cũng cho bố ăn cho bố khiếp luôn mẹ ha, Thanh cười trêu để tránh xúc cảm trong lòng mẹ. Từ ngày bố ra đảo có bao giờ bố về nhà được lâu đâu mà nói đến chuyện ăn đến chán món mà bố ưa thích. Lần này nữa là tròn 3 năm bố mới lại về phép thăm nhà. 3 năm đủ để một đứa trẻ hay khóc nhè, mè nheo trở thành một thiếu nữ hiểu chuyện và biết yêu thương bố mẹ. Mẹ bảo năm nay Thanh thi lên cấp III, bố đã xin đơn vị được nghỉ phép về động viên con thi rồi.

144d0002156t66021l0.jpg
Chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Đình Nhất).

Ấy vậy mà tuần trước bố gọi điện bảo mẹ bác Hòa trong trạm đau nặng, bố nhường bác ấy về trước chăm bà ít ngày. Thanh buồn nhưng không biết nói sao. So với lý do của Thanh, lý do của bác Hòa còn đáng hơn nhiều. Thanh biết, trên đời này, người ta có thể rời bỏ mọi thứ nhưng mẹ thì không thể nào rời bỏ được. “Bố làm thế là đúng lắm, khi nào con xa mẹ, con sẽ hiểu sự day dứt về gia đình nó mãnh liệt như thế nào” - mẹ nói vậy.

Trời đã chiều lắm rồi mà vẫn chưa thấy mẹ xuất hiện ở cổng. Thanh nóng ruột lắm, điện thoại thì thuê bao không liên lạc được càng khiến Thanh bồn chồn nhiều hơn. 6 giờ rồi mà gió nồm vẫn chưa chịu lên khiến không khí thêm ngột ngạt khó chịu.

Thanh cố trấn tĩnh mình, chắc do lỡ xe nên mẹ chưa đón kịp được. Em lặng lẽ vào bếp, chẳng mấy chốc, nồi nước luộc rau sắn đã lúc búc sôi.

Mẹ kể năm bố Thanh nhận lệnh ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa là anh Tú mới 2 tuổi. Bố ra thay cho bác Hải về nghỉ hưu khi đã có 30 năm gắn bó trên các đảo. Bố bảo, khi nào có người ra thay, bố sẽ xin về đất liền để đỡ đần mẹ và gia đình. Thế mà, đến nay anh Tú đã đi đại học năm thứ nhất rồi bố vẫn đang gắn bó với đảo. Có lần mẹ dỗi, bảo bố xem ngọn hải đăng hơn gia đình của mình, bố chỉ biết cười trừ rồi gãi đầu “đèn vẫn phải sáng, nhà vẫn phải giữ” khiến mẹ không nhịn được cười mà thứ tha và cảm thông cho bố.

“Hải đăng của bố là “anh cả” trong hệ thống hải đăng ở Trường Sa, hải đăng Song Tử Tây được xây năm 1993 với thiết kế hình tháp tròn nằm ở phía Đông của đảo, nơi đón những tia nắng đầu tiên trong ngày, đẹp lắm” - mỗi lần về nhà bố đều kể cho Thanh và anh Tú như thế. Thanh không hình dung được bình minh lên trên biển rực rỡ như thế nào nhưng theo bố, đó là khi giữa mênh mông biển khơi đen thẫm - như người ta chơi trốn tìm, lơ là một tí là bóng đen trốn mất khi từng quầng sáng ú òa bắt đầu nhô lên từ biển, khoảnh khắc đó tĩnh lặng và yên bình, nó gieo trong lòng bố niềm hy vọng về một ngày mới yên bình không có sóng gió.

Thanh vẫn tưởng tượng nơi bố sống mỗi ngày trong ngôi nhà xây kiên cố sát mép biển vỗ sóng nhè nhẹ như trong các quảng cáo trên vô tuyến về các hòn đảo du lịch. Mỗi sáng bố sẽ chạy thể dục quanh đảo, dưới bóng của những cây bàng vuông cùng đồng đội. Bố thật sung sướng khi suốt ngày được tắm biển, ăn hải sản và việc làm của bố là phát tín hiệu trong đêm tối để tàu biết đường đi lại, nhất là ngư dân đánh cá trên biển.

- “Sau này con cũng ra biển” - anh Tú nói.

- “Con cũng thế”, Thanh cũng ngọng nghịu nói theo

Chỉ có mẹ là thở dài cố giấu đi những lo âu trong lòng không dám để cho hai đứa biết. Năm trước, mẹ được ưu tiên cho ra đảo thăm bố, khi dò từng bước chân qua 120 bậc cầu thang gỗ trong một không gian khá tối và chật hẹp của ngọn hải đăng, mẹ đã bật khóc. Mẹ không thể kể mỗi ngày bố và các đồng đội phải lên xuống vài chục lần trên ngọn hải đăng trong thời tiết khắc nghiệt như vậy. Bố bảo trong vòng 72 hải lý, tính chất chớp, màu sắc, độ cao của đèn không được trùng lặp, đó là chưa kể những ngày giông gió, khi sự cố đèn hỏng hay bất luận điều kiện nào, phải luôn bảo đảm ngọn đèn được bật sáng, đó là nguyên tắc bất biến, là mệnh lệnh chiến đấu.

“Mỗi đêm nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời, anh càng nhớ nhà càng thấy phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thì gia đình mới bình yên em ạ, em và con hãy thông cảm cho anh” - lúc đó, bố nắm tay mẹ bịn rịn, chia tay chỉ nói được thế thôi mà mẹ khóc mãi. Mẹ giờ mới chứng kiến đời sống “sang trọng và đủ đầy” của bố chỉ nằm vỏn vẹn trong mấy chục mét vuông nhỏ hẹp và không thể giản tiện hơn. Mẹ khóc khi nhìn thấy vườn rau tự cung tự cấp “ăn không hết” của bố nằm gọn trong những chiếc thùng xốp chật hẹp, lương thực dự trữ là những quả chanh, quả sấu được đông đá và những loại thực phẩm đóng hộp để dùng dần, lại càng thương những lần về phép bố thèm ăn rau sắn đến không biết chán.

TS-1-1652497177.jpg
Các chiến sĩ ngày đêm tuần tra canh gác, bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: VnExpress).

Bởi thế mà mẹ trồng trong vườn rất nhiều cây sắn để có thể chế biến được nhiều món mỗi khi bố về và để bố có thể mang ra đơn vị dùng dần trong một thời gian dài.

Thanh nhìn rổ rau sắn đã hái từ sáng sớm, rửa sạch chờ ráo nước để mẹ về muối mà chần chừ. Chắc mẹ cũng chờ mong bố như Thanh nhưng không dám nói ra. Bao năm rồi, người vợ lính đảo có mấy khi được hưởng những khoảnh khắc bình dị ngoài những nỗi lo âu thường trực. Mà công việc của bố nơi đầu sóng ngọn gió đó là làm “mắt thần” canh đường biên của Tổ quốc. Nó luôn được thắp sáng bởi nghĩa vụ thiêng liêng.

Có tiếng còi xe ở cổng. Mẹ đã về. Thanh thấy mẹ cười vui từ đầu ngõ mà trào nước mắt.

- “Con lo lo, sao mẹ về muộn thế?”

- “Nay sinh nhật con, mẹ ghé tiệm bánh mua một chiếc bánh kem nữa nhưng lát nữa họ mới mang đến. Con phụ mẹ dọn thùng quà của bố gửi về, nghe nói có quà sinh nhật gửi con gái nữa. Mẹ tắm rồi mình còn ăn cơm cho mát”.

- “Mẹ đặt bánh làm gì ạ, Thanh vừa bê thùng đồ xuống vừa nói như áy náy, anh Tú bảo mai thi xong anh mới về, mình không đợi anh giận đó”.

Thanh mở thùng quà của bố soạn ra đầy thềm nhà, nào cá khô, mực khô mỗi thứ một ít, rồi chợt dừng lại nơi chiếc vỏ ốc được quấn trong một tờ báo kèm mấy dòng chữ “yêu thương con gái của bố”!

Thanh áp vỏ ốc lên tai, nước mắt tự nhiên lăn dài từ bao giờ. Tiếng sóng biển u u vọng về mặn mòi làm Thanh thương nhớ bố. Nhớ mùi mồ hôi đầy vị mặn của bố trong từng giấc ngủ và cả mái tóc xoăn khô cứng rạc màu bởi gió biển khiến Thanh thích thú mỗi khi lồng tay vào tóc bố và cả bàn tay thô ráp cộm lên khi áp vào má Thanh cưng nựng mà thương. Nơi đảo xa đó chắc bố cũng đang nhớ Thanh nhiều lắm lắm.

Tiếng còi xe ngoài cổng khiến Thanh giật mình, tiếng mẹ gọi từ trong nhà vọng ra:

- “Con ra lấy bánh đi nhé”.

- “Dạ”

Minh hoa cuoi tuan 22-6 Mau - Gửi điện tử.jpg
Ảnh minh họa của Huy Tùng.

Cô bé đặt con ốc xuống chạy ra lích kích mở khóa cổng rồi lùi lại như không tin vào mắt mình. Trước mặt Thanh là chiếc bánh kem và ngọn nến đang được thắp sáng lung linh. Anh shipper “cười như được mùa”.

- “Sao anh nói mai mới về?” - Thanh vui như dỗi đưa tay đón lấy chiếc bánh rồi cùng anh Tú đi vào sân. Mẹ đã bưng mâm cơm đặt trước hiên nhà.

- “Ước đi, 15 tuổi rồi đấy, ước đi!”

- “Biết ước gì nhỉ? Ước mẹ bác Hòa mau khỏe để bố được về thăm nhà nhá”. Thanh quay sang anh trai hỏi tiếp lần nữa để khẳng định “nhá?”.

- “Ừ”

Thanh lim dim nhắm mắt ước. Trong khu vườn yên tĩnh, Thanh nhận thấy mùi của hoa lá cỏ cây quanh mình. Mùi lan hoàng dương thoang thoảng, mùi lá chanh non và cả mùi rau sắn một nắng ỉu ỉu nơi góc thềm… Chợt Thanh sững lại, cô bé không dám mở mắt, không dám thốt lên một lời nào khi nhận ra có một mùi mặn mòi của biển, một mái tóc khô áp xù xì áp vào má em và một giọng nói quen thuộc áp vào tai em thì thầm “yêu con gái của bố”!

Đêm đó, cả gia đình nằm ngang trên một chiếc giường, anh em Thanh nằm nghe hết bố rồi mẹ kể về những kỷ niệm thời hai đứa còn bé xíu. Không biết anh Tú còn thức để nghe không, nhưng Thanh thì ngủ, ngủ tít, ngon lành trong những câu chuyện nghe không biết chán đó…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Tết Dương lịch: "Xu hướng xuất ngoại dịp Tết dự kiến tăng trong thời gian tới bởi nhiều du khách muốn tránh áp lực Tết truyền thống cũng như tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ", theo đại diện một đơn vị lữ hành.
5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

Hoa hậu Thanh Thủy được nhận xét có gương mặt tựa búp bê, còn á hậu 1 người Bolivia ghi điểm về thần thái, tự tin trong ứng xử tại Miss International 2024.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 mang chủ đề "Du lịch Hoà Bình - Kết nối khát vọng xanh" sẽ diễn ra trong các ngày từ 15 - 23/11/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.