Vụ hai nam hành khách hành hung nữ nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài đang khiến dư luận quan tâm.
Ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc và báo cáo kết quả trong tháng 10/2016.
Nhìn chung dư luận hết sức ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là vụ việc nhỏ, người đứng đầu Chính phủ bận trăm công nghìn việc nên dành quỹ thời gian rất eo hẹp cho những vấn đề khác. Vậy đây có thực sự chỉ là chuyện nhỏ?
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/10, khi nói về những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc đến vụ việc này và khẳng định “không thể nói đây là việc nhỏ”.
"Có người bảo vụ nhân viên sân bay bị đánh là chuyện nhỏ mà Thủ tướng cũng chỉ đạo. Tôi nói sao là nhỏ, thế nếu cô hay mẹ cô bị đánh vậy chắc la làng cho cả xóm biết. Có người lại bảo, Thủ tướng trăm công nghìn việc sao cái gì cũng biết? Tôi trả lời, cái gì Thủ tướng cũng biết, bởi đâu phải riêng Thủ tướng mà còn có cả bộ máy nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Cũng theo Bộ trưởng, những vấn đề liên quan đến đời sống người dân thì không có gì là nhỏ.
Quả thật là như vậy. Tại hội nghị toàn quốc mới đây về cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu bộ máy chính quyền phục vụ phải quan tâm tới cả những việc nhỏ nhưng thiết thực cho dân, quan tâm cả việc lớn và việc nhỏ.
Bản thân Thủ tướng đã nêu gương về vấn đề này. Từ khi nhậm chức, ông đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời với nhiều vụ việc tưởng như nhỏ nhưng lại được người dân hết sức quan tâm như vụ quán cà phê Xin Chào, vụ người bán điện thoại cũ bị dọa khởi tố. Phát biểu trước Quốc hội, ông đề cập cả tới chuyện nhà vệ sinh của các em học sinh.
Khi xảy ra vụ quán Xin Chào, có lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu rằng việc nhỏ như cái móng tay, nhưng Thủ tướng hỏi lại rằng “nếu đấy là người nhà anh thì việc nhỏ hay to?”.
Quay trở lại vụ hành hung ở Nội Bài. Đây không chỉ là xô xát, va chạm bình thường, vụ hành hung nhân viên hàng không đã khiến dư luận phẫn nộ, không chỉ bởi vì hai người đàn ông hành xử thô bạo đối với một phụ nữ. Quan trọng hơn, dư luận nhìn thấy ở đây cách hành xử vô văn hóa, thái độ ngang ngược, coi thường dư luận của một cán bộ, công chức.
Báo chí cũng phản ánh, nữ nhân viên hàng không bị hành hung đang rất lo sợ bởi những người hành hung cô được cho là “rất có máu mặt” và quan hệ rộng. Dư luận cũng lo ngại rằng, nếu không có những chỉ đạo nghiêm khắc, vụ việc rất có thể sẽ được xử lý theo hướng không công bằng, thiếu minh bạch và công tâm.
Nhiều người hẳn vẫn nhớ, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một lần trên đường đi họp về, xe của ông (biển số xanh) đã bị một xe biển số tư nhân đi phía sau đâm vào. Không dừng lại ở đó, khi bước xuống xe, chủ nhân chiếc xe vi phạm (là một sĩ quan công an Hà Nội) đã có hành động thô bạo với người lái xe của Bộ trưởng. Khi được báo chí hỏi, thời điểm ấy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông không nặng nề gì về chuyện này, nhưng hành vi của người sĩ quan công an này đối với người dân là không chấp nhận được.
Người dân không thể chấp nhận những “cậu trời” thời hiện đại, một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật càng không thể dung túng, bỏ qua những hành vi lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật, mang tính chất coi thường pháp luật, thách thức kỷ cương phép nước. Người xưa có câu “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Người đứng đầu Chính phủ đã đặt mình vào vị trí người dân “thấp cổ bé họng” để thấu hiểu và có những chỉ đạo hợp lòng dân.