Ngày 21/8/1911, bức họa Mona Lisa nổi tiếng của họa Leonardo Da Vinci đã bị đánh cắp từ bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp bởi tên trộm Vincenzo Perugia, cựu nhân viên viện bảo tàng. Vụ ăn trộm đã gây chấn động toàn thế giới. Mãi đến hai năm sau, bức họa mới được tìm thấy. Những bí ẩn đằng sau vụ trộm lịch sử cho đến nay vẫn là một đề tài được nhắc đến mỗi khi giới thiệu về bức họa Mona Lisa.
Vincenzo Perugia, kẻ đã đánh cắp bức họa nổi tiếng Mona Lisa.
Perugia đã trộm tranh bằng cách nào?
Ban đầu, cảnh sát đưa ra giả thiết kẻ trộm đã đột nhập vào bảo tàng từ tối hôm trước, ngay sau khi đóng cửa. Tuy nhiên, Perugia, sau khi bị bắt, đã khai rằng hắn đột nhập vào Louvre rất đơn giản bằng cách mặc áo khoác trắng, đóng giả làm nhân viên bảo tàng. Trước đó, Perugia từng làm việc tại đây nên hắn có áo là điều dễ hiểu. Sau đó, Perugia chỉ việc vào bảo tàng từ cửa nhân viên mà không bị kiểm tra. Quá đơn giản.
Sau khi vào bảo tàng, Perugia rất thoải mái đi khắp nơi trong bộ dạng nhân viên. Khi đến phòng bảo quản tranh Mona Lisa, hắn giả vờ làm công việc tại đó, chờ người khác ra ngoài hết thì hắn nhào đến lấy bức tranh khỏi móc, tiến đến cầu thang gần nhất, tháo khung, cuộn tranh vào áo khoác rồi ra ngoài. Thời đó chưa có nhiều thiết bị bảo vệ hiện đại như bây giờ.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đặt nghi vấn về lời khai này. Thời gian quá ít để Perugi có thể vừa lấy tranh, vừa tháo khung rồi lại bọc tranh trong áo khoác rồi ra ngoài. Rất có thể đã có nghi phạm thứ hai tham gia vào vụ trộm lịch sử. Mặc dù vậy, tất cả đều chỉ là giải thiết sau này. Thời điểm năm 1911, không ai phát hiện ra hành tung của Perugia mãi sau đó 2 năm.
Vị trí treo bức họa Mona Lisa sau khi bị trộm.
Kẻ trộm đã sa lưới như thế nào?
Năm 1913, Perugia quay về Italy. Sau khi lấy cắp bức tranh, hắn giấu trong một thân cây và sau đó, khi mọi chuyện lắng xuống, hắn tiếp tục mang bức tranh quý về Italy để tránh tai mắt cảnh sát Pháp. Khi đến Florence, hắn liên lạc với một nhà sưu tập tranh nổi tiếng là Alfredo Geri. Perugia giải thích với Geri rằng hắn ăn cắp Mona Lisa vì muốn bức tranh trở về với quê hương thật sự. Hành động này hoàn toàn là tình yêu nước.
Khi nhìn thấy bức họa Mona Lisa, Geri khẳng định đây là hàng thật. Quá choáng váng, Geri đã thuyết phục Perugia để bức tranh lại xưởng của mình. Không một chút nghi ngờ, Perugia làm theo yêu cầu. Geri báo cảnh sát. Perugia bị bắt ngay sau đó.
Tuy nhiên, do không đủ chứng cứ buộc tội nên sau 7 tháng tạm giam, Perugia đã được tha. Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Perugia sang Pháp, kết hôn, có một con gái. Tháng 10/1923, Perugia qua đời. Sau khi đổi tên, rất ít người biết rằng Perugia từng dính dáng đến một vụ trộm lịch sử thế giới.
Siêu trộm Perugia bị bắt năm 1913, bức họa Mona Lisa sau đó được trao trả lại cho Louvre.
Động cơ thật sự của kẻ trộm là gì?
Có người nói rằng Perugia muốn nổi tiếng nên đã ăn cắp bức tranh. Hắn nghĩ rằng, đưa Mona Lisa về Italy sẽ khiến hắn trở thành người hùng dân tộc. Kết cục ngược lại, hắn bị bắt giam vào năm 1913 khi chưa thực hiện được vọng tưởng của mình.
Cũng có giả thiết cho rằng, Perugia thực ra cũng muốn lấy cắp bức tranh vì tiền. Rõ ràng, bên cạnh lòng yêu nước, Perugia vẫn muốn bán bức tranh với một số tiền cực lớn và Geri là khách hàng đầu tiền hắn chào mời. Cuối năm 1911, chính Perugia đã viết thư cho cha mình và nói hắn sẽ giàu có sớm thôi.
Mona Lisa nổi tiếng thế giới cũng nhờ tên trộm Perugia.
Vụ trộm thúc đẩy danh tiếng Mona Lisa
Sau khi được trả lại bảo tàng Louvre, bức họa Mona Lisa càng nổi tiếng hơn bao giờ hết, thậm chí có thể coi là tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi bị lấy cắp, bức ảnh Mona Lisa tràn ngập khắp các trang báo trên toàn thế giới. Người người hàng ngày đều nhìn thấy nụ cười bí ẩn trên bức tranh. Họ đặt câu hỏi, họ nghiên cứu nụ cười đó. Có thể nói, Perugia là nguyên nhân chính khiến bức tranh nổi tiếng nhanh chóng.
Động cơ thực sự của Perugia, đến nay vẫn không ai biết. Nhưng có một điều chắc chắn là thời thế đã thay đổi, hiện giờ Mona Lisa đã được bảo vệ bên trong lớp kính chống đạn, được trang bị các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất.