Chợ xưa nét đẹp văn hóa người Việt

(Baohatinh.vn) - Thông thường, ở mỗi xã vùng quê đều có ít nhất một chợ nhỏ, vài xã có một chợ lớn thường họp theo phiên gọi là chợ huyện. Ở Hà Tĩnh, ngoài chợ tỉnh có từ lâu đời thì nhiều chợ huyện, chợ xã như chợ Gôi (Hương Sơn); chợ Vực, chợ Đình (Cẩm Xuyên); chợ Huyện (Bình Lộc - Lộc Hà); chợ Gát, chợ Cày (Thạch Hà); chợ Thượng (Đức Thọ)… đi vào đời sống văn hóa rất nhiều thế hệ.

Chợ quê thường họp rất sớm và vãn cũng nhanh như khi nó bắt đầu. Phần vì không có nhiều hàng hóa; phần vì chợ họp sớm, tan nhanh để người dân còn kịp về lo công việc đồng áng, nhất là những ngày mùa bận rộn.

cho xua net dep van hoa nguoi viet

Những phiên chợ truyền thống vẫn luôn là nơi lưu hồn quê. (Tranh minh họa từ Internet)

Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự tay làm ra. Cũng có các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn với những sạp hàng cố định nhưng số đó không nhiều. Đôi khi chỉ là buồng cau, chục trứng, con gà, mớ rau tập tàng của nhà trồng được…, người dân cũng mang ra chợ bán và họ phải đi từ rất sớm để mong chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất. Bán thứ mình có và mua những thức mình cần, cứ như thế, người dân quê đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua. Điều này, ở chợ thành thị hầu như không có và nó tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt cho mỗi phiên chợ quê truyền thống.

Bên những mái lều, hàng quán thấp lè tè, lụp xụp, những cuộc mua bán, ngả giá diễn ra sôi nổi, đôi khi thu hút sự tham gia của cả những người đi chợ không có nhu cầu với món hàng đó. Người bán chào mời, ra giá cho hàng hóa của mình, còn người mua dù đã ưng món hàng nhưng vẫn cứ cố chê ỏng chê eo, cầm lên, đặt xuống, ra chiều còn do dự lắm chỉ cốt sao mặc cả được giá hời nhất. Mặc cả dường như đã trở thành một việc không thể thiếu khi người Việt đi chợ! Dù vậy, không khí của cuộc mua bán ở chợ quê vẫn rất vui vẻ, ai cũng xởi lởi dù bán được hàng hay không. Bởi ở đó, hầu như mọi người quen biết nhau, thuận mua, vừa bán, không thì lần sau quay lại. Ở chợ quê, cũng dễ dàng để bắt gặp cảnh dù không quen biết, người ta vẫn kéo áo nhau mà hỏi han rất thân tình kiểu: “Bác mua con gà kia bao nhiêu đấy”?, “Nải chuối của nhà nào mà đẹp thế? Chị mua mấy đồng”?

cho xua net dep van hoa nguoi viet

Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự tay làm ra.

Như một bức tranh xã hội thu nhỏ, phiên chợ của mỗi miền quê ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương thì còn là nơi gặp gỡ, trao đổi, lan truyền thông tin của những người dân quanh vùng.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nên chức năng này không còn được thể hiện rõ nét nhưng ở đâu đó nơi những miền quê nghèo, xa xôi, chợ họp vẫn là nơi các ông bà già cả, các mẹ, các chị tíu tít, râm ran. Mọi việc nhỏ to trong nhà, ngoài ngõ, làng trên, xóm dưới cứ ra chợ là có thể biết tất. Ngồi xổm bên hàng bánh rán, bún ruốc vừa ăn, vừa hỏi chuyện nhau; tay bắt, mặt mừng rồi có thể đứng ngay giữa lối đi mà cầm tay nhau hỏi han đủ thứ chuyện; cũng có khi bạn bè, người thân rủ nhau đi chợ chuyện trò, ngắm hàng hóa cho vui mà cũng chẳng dự tính mua một món gì cụ thể…

Nhưng xôm nhất có lẽ vẫn là quán nước chè ở đầu chợ - nơi được coi như là “cổng thông tin”. Từ chuyện nhà ông A. ở làng thượng, bà B. ở xóm hạ, nhà anh C. ở thôn bên... cho đến chuyện làng, việc nước. Tất tần tật đều được trao đổi, lan truyền một cách rôm rả, cuốn hút và nhanh chóng. Ngày xưa, tại các chợ nông thôn đồng bằng và ngay cả bây giờ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chợ còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò của các cặp trai gái. Không ít đôi đã nên duyên vợ chồng từ những phiên chợ tình như thế. Cũng không ít ông bố, bà mẹ kén dâu qua việc quan sát, theo dõi những cô gái giỏi buôn bán, tháo vát, nhanh nhẹn. Cũng chính vì điều đó, chợ quê dù đơn giản, mộc mạc nhưng không hề lạc lõng với thế giới bên ngoài. Chẳng vậy mà, người dân quê vẫn luôn thích thú với những phiên chợ như thế.

cho xua net dep van hoa nguoi viet

Chợ quê ngày Tết không chỉ có sức cuốn hút với người lớn mà cả đám trẻ con cũng náo nức vô cùng.

Với những đứa trẻ may mắn được mẹ cho đi chợ thì sung sướng không gì bằng. Chúng dậy từ sáng sớm mà chẳng cần mẹ khản giọng gọi như mọi ngày, trên đường lên chợ còn được quyền hãnh diện với lũ bạn cùng xóm. Những đứa kém may mắn hơn thì vẫn có một niềm mong chờ lớn lao, ấy là mong mẹ đi chợ về. Bởi mẹ về đồng nghĩa với quà bánh cũng về. Quà có khi là túi bỏng ngô, gói kẹo mật, dăm cái bánh bột sắn gói trong lá chuối, cũng có khi là quả chuối, quả ổi… Những thức quà bình dị, dân dã mà với lũ trẻ con, chẳng khác gì sơn hào hải vị. Tuổi thơ của chúng tôi cũng từng qua đi với những kí ức ngọt ngào, êm đềm đó. Ngày nay, văn hóa chợ quê đã dần bị mai một, nhưng hẳn trong tiềm thức của nhiều người, đó là những ký ức khó phai mờ.

Trong cuộc sống hiện đại, tại các đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị dần thay thế chợ truyền thống. Con người ta vội vã, tất bật hơn nên không còn dành nhiều thời gian cho việc đi chợ. Đi chợ không còn là thú vui, không để gặp gỡ, trao đổi thông tin mà chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm những thứ thiết yếu trong cuộc sống. Và nét đặc trưng văn hóa vùng miền cũng không còn được thể hiện ở những phiên chợ hiện đại.

Nhưng có lẽ, đối với những người “nhà quê”, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, vào tâm hồn họ bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Ngày nay, trong bộn bề, hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ truyền thống, không phải để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Bởi chợ quê vẫn luôn là nơi lưu nét văn hóa của vùng miền, là nơi giữ hồn quê.

Đọc thêm

Đáp nghĩa ân tình với đồng bào miền Bắc

Đáp nghĩa ân tình với đồng bào miền Bắc

Khắc ghi, trân quý những ân tình đã được đón nhận lúc hoạn nạn, người dân vùng thường xuyên bị thiên tai ở Hà Tĩnh đã hướng về đồng bào miền Bắc với lòng tri ân, thấu cảm sâu sắc...
Thêm 18 người mất tích tại Làng Nủ được xác minh còn sống

Thêm 18 người mất tích tại Làng Nủ được xác minh còn sống

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai), đến đầu giờ chiều 15/9 ghi nhận thêm 18 người đã cho là mất tích đã được xác minh. Như vậy, cùng với 11 người được ghi nhận đến khai báo vào ngày 13 và 14/9, đến nay đã ghi nhận có 29 người được cho là mất tích đã được xác minh là còn sống.
Ban Vận động Cứu trợ Trung ương công bố danh sách chuyển tiền hỗ trợ đợt 1

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương công bố danh sách chuyển tiền hỗ trợ đợt 1

Ngày 15/9, thông tin từ Ban vận động Cứu trợ Trung ương cho biết, với tinh thần hỗ trợ cao nhất nhanh nhất, kịp thời nhất và đến tận tay người dân, ngay sau khi tiếp nhận được các nguồn kinh phí ủng hộ, trong 2 ngày 12/9 và ngày 13/9, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành các Quyết định phân bổ lần 1 chuyển về Ban Vận động Cứu trợ 20 tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trung thu sẻ chia của trẻ em Hà Tĩnh

Trung thu sẻ chia của trẻ em Hà Tĩnh

Trung thu năm nay, trẻ em Hà Tĩnh không tổ chức vui hội, thay vào đó là những món quà sẻ chia, những tình cảm ấm áp, lời nguyện cầu bình an gửi trao đến các bạn nhỏ vùng lũ.
5 người bị ngộ độc do ăn nấm

5 người bị ngộ độc do ăn nấm

Sau khi ăn món nấm xào, 5 người dân trú tại thôn 10 xã Hà Linh (Hương Khê - Hà Tĩnh) có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm.