Cóp nhặt làm nên xuân

(Baohatinh.vn) - Xuân cận kề, vạn vật dường như tất bật hơn để đón nàng xuân trong tâm thế sẵn sàng, tươi mới nhất. Hòa vào dòng người hối hả, đâu đó các chị lao công, các bác đạp xích lô hay em nhỏ bán kẹo lạc... đang chạy đua với thời gian để cóp nhặt làm nên một mùa xuân mới đủ đầy, tươm tất hơn.

“Chạy sô” lo tết

Những ngày giáp tết, bước chân của những người lao động nghèo như càng hối hả hơn. Đạp xe rong ruổi hết hang cùng ngõ hẻm, nay còn ở nội thành nhưng mai có khi lại chạy ra Thạch Hà để mua bán phế liệu, chị Lê Thị Thương (45 tuổi, ở Thạch Đồng - TP Hà Tĩnh) vừa gấp vội mấy tấm bìa các-tông, vừa tâm sự: “Năm hết tết đến, nhà mô cũng sửa soạn, dọn dẹp nên thu nhập của chị em tui cũng đỡ hơn. Bình thường, may mắn kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, ít thì vài chục ngàn đồng/ngày. Trong khi đó, giáp tết, mỗi ngày tui có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng. Tranh thủ kiếm đồng ra đồng vào mua cho con bộ quần áo mới, nghĩ rứa nên chị em tui đều cố gắng làm đến tận chiều 30”.

Chị Thịnh với chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp mọi nẻo đường.
Chị Thịnh với chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp mọi nẻo đường.

Ăn vội hộp cơm nguội ngắt lúc 4h chiều sau khi được thuê lau dọn nhà cửa suốt 3 tiếng đồng hồ, chị Nguyệt (42 tuổi, ở Hộ Độ - Lộc Hà) tâm sự: “Ngày ni rứa là may đó em à, 2 ngày trước, chị chỉ ngồi ngóng thôi chứ không có ai thuê. Thời điểm này năm ngoái, công việc nhiều lắm, làm khoảng 1 tháng cuối năm cũng đủ tiền sắm tết nhưng năm nay ế việc. Gắng cắm chốt ở đây đến 30 tết coi tình hình có khá hơn không. Giờ họ thuê dọn nhà bằng máy móc, những người như tụi chị chắc năm sau phải kiếm nghề khác”.

Ở trung tâm thành phố, khi nhà nhà nắm tay nhau dạo phố, sắm sửa đồ đạc, trang trí nhà cửa hay chen chúc lựa đào, mai chơi tết thì những người đạp xích lô vẫn kiên nhẫn chờ đợi có người gọi chở hàng. Anh Hóa (49 tuổi, ở Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bắt đầu từ 20 tháng chạp, cánh xích lô chúng tôi đã tìm đến các điểm bán hoa, cây cảnh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tận nhà cho người mua. Mấy ngày đầu còn ít người thuê, đến hôm nay thì ngày nào cũng dày chuyến, có ngày về đến nhà là chân rã rời nhưng nghĩ tết đỡ chật vật hơn nên anh em đều cố gắng để có thêm thu nhập”.

Mơ một sớm xuân hồng

Chị Đào Thị Thịnh (quê Thanh Hóa) quyết định xa quê để mưu sinh ở Hà Tĩnh từ 3 năm nay bằng nghề làm và bán chổi lông dạo. Chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi trên những nẻo đường quê không quản nắng mưa gắn với chị cả chục năm nay. Chị kể: “Ở quê khó làm ăn nên gửi 2 con nhỏ cho ông bà, vợ chồng kẻ Nam, người Bắc gắng bươn chải. Cả vốn lẫn lời, mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng, chi tiêu dè sẻn lắm cũng mất hơn 1 triệu, gắng lắm thì còn 2 triệu gửi về cho con ăn học”. Những ngày cuối năm, cồn cào nỗi nhớ quê bao nhiêu thì chị lại càng cố gắng, bởi “cháu nó ở quê chưa có quần áo mới, xa mẹ cả năm ròng, giờ chắc háo hức lắm, cứ nghĩ đến thế, mệt mỏi đều tan biến, chỉ mong bán chạy hàng thôi” – chị Thịnh nghẹn ngào tâm sự.

Dù phải chắt bóp chi tiêu, làm việc tranh thủ mọi nơi, mọi lúc nhưng những người lao động nghèo đều cố gắng lo tết đầy đủ nhất có thể, dù chỉ là dăm gói kẹo mứt, một ít trái cây và vài ba cân thịt. Kiểm kê lại thành quả một ngày lao động mệt nhọc, chị Hương (Thạch Bàn - Thạch Hà) nhẩm tính: “Người ta sắm tết tiền triệu, chúng tôi chỉ cần vài trăm ngàn mua gói mứt, ít bánh kẹo, đồ ăn cho có không khí tết để mấy đứa nhỏ đỡ tủi thân. Mong chúng ăn học nên người để mai sau bớt khổ”.

Gánh mưu sinh ngày giáp tết của người lao động nghèo dường như gấp gáp hơn, vất vả hơn, nhưng cũng nhiều hy vọng hơn. Trên những gương mặt khắc khổ ấy lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng ẩn sau đó là một nét đẹp rất riêng, niềm vui rất riêng. Mùa tết vất vả của hiện tại sẽ được đền đáp bằng những mùa xuân ấm áp mai sau, là niềm tin mãnh liệt tiếp thêm sức mạnh để họ cóp nhặt làm nên xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast