Điều không thể mất

Đã có một thời nhiều bệnh nhân bức xúc và lo lắng về sự xuống cấp nghiêm trọng ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Một số người cho rằng bệnh viện này sắp đến “ngày tận thế” vì nhìn vào đâu cũng thấy bệ rạc, nhốn nháo. Vậy mà bây giờ, Bệnh viện đã nhanh chóng lấy được tiếng khen của nhân dân khi cơ sở vật chất đổi mới, khi kỹ cương làm việc đội ngũ thầy thuốc được thắt chặt. Điều không thể mất lòng tin với nhân dân đó là từ sự điều hành khoa học của Ban Giám đốc với những định hướng đúng.

Mát mắt từ cánh cổng

Con đường mang tên danh y Hải Thượng Lãn Ông thành phố Hà Tĩnh là nơi Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh tọa lạc mới ngày nào quán cóc dày như nấm. Trước cổng bệnh viện bao giờ cũng có người ăn uống xì xụp. Không ít bà chủ quán còn đưa lò than tổ ong hoặc củi khô nhóm bếp khiến khói bay ngạt cả mũi khách qua đường.. Ngán nhất cảnh từng nhóm tụ tập nhau rượu chè, cờ bạc chửi rủa, sát phạt nhau. Rồi chuyện xe tranh dành khách người chuyển lên tuyến trên cấp cứu.. Bây giờ đã “xóa triệt để” quán cóc và những tàn dư cũ cũng biến mất theo.

Một góc khu điều trị Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh
Một góc khu điều trị Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh

Tôi bước vào cổng bệnh viện đã thấy sự văn minh lộ diện ngay từ những tấm biển kẻ chữ đỏ hiện tươi rói trên nền sơn xanh, chỗ nào nơi gửi xe của khách, chỗ nào xe gửi của cán bộ nhân viên. Rồi quầy bán thuốc, phòng đón bệnh nhân cấp cứu, phòng khám và chữa bệnh theo yêu cầu, căng tin giải khát, dịch vụ nhà ăn. Với những nhà ngang dãy dọc rộng mênh mông chỉ cần những tấm biển “vạch đường chỉ lối” như thế khách vào không phải mất thời gian hỏi nhiều. Nhân viên cũng đỡ phiền phải làm “tiêu” chỉ đường cho bệnh nhân.

Dẫu bệnh viện đang tiếp tục tháo dỡ nhà cũ xuống cấp để xây mới, hàng ngày ô tô, máy ủi đang hối hả tập kết vật liệu công trình, nhưng chỗ thi công xây dựng được rào dậu cẩn thận không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường. Điều tôi thấy sự đổi mới khác lạ, bởi ngày trước cứ mỗi lần vào viện ai cũng la oai oái “Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh là trung tâm tập kết rác thải ” bởi phòng vệ sinh của bệnh nhân thì hôi hám, hành lang bơm kim tiêm vứt bừa bãi, nhìn ra sảnh đường ngập ngụa túi ni long, giấy lộn và nước bẩn.. Vậy mà chỉ mới một năm thôi, cuộc cách mạng quyết liệt về môi trường của toàn đơn vị đã “lột xác” bệnh viện “bẩn” thành mẫu hình “xanh – sạch - đẹp”.

“Đẹp từ trong ra ngoài – sạch từ nhà ra cổng” được khơi dậy trong ý thức hàng trăm cán bộ nhân viên, trong ý thức hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây. Một lời bảo ban ân cần của thủ trưởng với cô hộ lý hay một lời hộ lý nhắc nhở bệnh nhân đủ sức thuyết phục hơn nhiều mệnh lệnh hành chính. Hộ lý làm việc hết mình để làm hài lòng bệnh nhân. Từ bộ sắc phục người bệnh được giặt giũ, hấp sấy phẳng phiu, từ chiếc màn bệnh nhân mắc, từ tủ cá nhân đựng đồ đến chuyện hướng dẫn người bệnh tắm giặt, vệ sinh, đi lại.. Người bệnh hàng ngày có thể thả bộ nhẹ nhàng xung quanh khuôn viên bệnh viện, ngắm hàng dừa tỏa bóng bên hồ nước, ngắm dãy lộc vừng vừa mới kiến tạo đang ấp ủ mùa hoa. Họ thấy tĩnh tâm hơn, khi được hít thở bầu không khí trong lành trong không gian bệnh viện. Những thảm cỏ, những bồn hoa, cây cảnh được các nhân viên lao động môi trường tỉa tót, săn sóc, tắm gội từng ngày càng trổi dậy sức sống mới.

Siết chặt kỷ cương

Đã từng công tác lâu năm tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Viết Đồng dường như hiểu quá nhiều chuyện thường ngày ở đây. Chuyện vui thì ít chuyện buồn lại nhiều. Những câu chuyện nhân dân “đàm tiếu” không chỉ làm phương hại danh dự cho tập thể mà còn tổn thất lớn đến sự nghiệp từng cá nhân. Chính vì vậy từ khi lên nhận chức giám đốc, anh đã hoạch định những việc cần làm rất cụ thể. Nội dung khi đưa ra được đảng ủy, công đoàn và tập thể đơn vị thống nhất cao.Việc bác sỹ Đồng trăn trở nhất là “Chấn chính y đức và lề lối làm việc của đơn vị”.

Khoa Nội tổng hợp điều trị cho một bệnh nhân
Khoa Nội tổng hợp điều trị cho một bệnh nhân

Khi áp lực công việc càng cao thì giám đốc Nguyễn Viết Đồng càng nhiệt huyết. Làm giám đốc cũng giống làm bác sĩ phải biết “bắt mạch, tìm bệnh, kê đơn thuốc”. Quản lý 650 cán bộ nhân viên trong bối cảnh “bộ máy hoạt động bị đình trệ đã quá dài thời gian” vì vậy một số cán bộ nhân viên đã bị “nhiễm độc tố” vi phạm y đức như làm việc không đúng thời gian quy định, vòi tiền bệnh nhân, thiếu trách nhiệm với người bệnh, cẩu thả về chuyên môn, gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhận nguồn thông tin đa chiều và “sàng lọc” thông tin chính xác đó là một trong những bí quyết cần thiết và quan trọng của người lãnh đạo. Để rèn cho mình không mắc bệnh quan liêu, ngoài các buổi họp giao ban thường xuyên trong đơn vị, chỉ đạo và nhắc nhở các trưởng, phó khoa cặn kẽ, anh còn mở nhiều chuyến “ vi hành” đột xuất.. Chuyện kể lại rằng: có một hôm vào khoảng 1 giờ sáng, ngoài trời mưa tầm tã, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng tới kiểm tra nhân viên trực ở phòng ngoại tiêu hóa. Thấy đèn điện bên trong phòng tắt ngấm và cửa phòng đóng anh cứ ngỡ là hôm nay cô y tá bỏ trực. Anh soi đèn pin qua gương kính phát hiện cô y tá ngủ ngon lành..

Để chẩn chính ngay chuyện nằm ngủ trong ca trực, anh ngụy trang lại đồ áo, trùm khăn kín mặt đóng vai “bệnh nhân đau bụng”. Gõ nhẹ cửa tới hai lần cô y tá vẫn ngủ say. Lần thứ ba anh đập mạnh cửa thì bị cô y tá vụt dậy và lên tiếng quát lớn. Đồng giả vờ “xin lỗi” nhưng anh cũng nhanh chóng mở chiếc khăn trùm đầu ra. Cô y tá nọ mới sửng sờ người đứng trước mặt là “thủ trưởng” của mình.. Sau chuyến vi hành này anh chỉ nhắc nhở gọn một câu : “Không ai có thể lường trước được bệnh nhân có thể xẩy ra cơn đau nửa đêm.. Nếu coi trọng giấc ngủ của mình là xem thường tính mạng người khác”.

Kể từ ngày ấy trở đi chuyện nhân viên y tá “tranh thủ ngủ tại phòng trực” chấm dứt hẳn. Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng tâm sự với tôi “Có thể sự nghiêm túc đưa vào khuôn nghề, phép nghiệp khiến không ít người buổi đầu khó chịu nhưng khi vào được quỹ đạo rồi thì ai cũng thực hiện được..”.

Cuối tháng 5/2012 có một số tờ báo mạng tung tin “Trưởng khoa huyết học pha máu loãng bán cho bệnh nhân” tôi muốn gặp anh để hiểu rõ thực hư như thế nào. Lúc tới phòng anh thấy hai cán bộ công an đang làm việc. Tránh sự bất tiện này, tôi định lùi bước thì anh vui vẻ khoát tay mời vào. Trước mặt các nhà chức trách anh thẳng thắn nói “Chuyện ở khoa này đã bệ rạc từ lâu, sự bệ rạc là do vi phạm về quản lý, bảo vệ và sử dụng máu trái với quy định bộ y tế ban hành, dẫn tới nhiều lần không đáp ứng đủ máu cung cấp cho bệnh nhân, nên chúng tôi đã có cuộc thanh tra kỹ từ nội bộ và có hình thức kỷ luật đúng mức đối với trưởng khoa Trần Thị Hợp để làm gương cho nhiều khoa khác. Còn chuyện khoa này bán máu chỉ là thông tin nhiễu”.

Tận tâm với người bệnh

Tôi theo bác sĩ Nguyễn Trí Quý - Trưởng khoa Nhi vào thăm các bệnh nhân “nhí ” đang nằm điều trị. Loại “bệnh nhân chưa hết khóc nhè” nên cả cha lẫn mẹ vào tận giường săn sóc hàng ngày. Một người bố trạc tuổi bốn mươi, đang cho đứa con trai của mình ngồi hẳn trên ngực. Anh không dấu được niềm sung sướng vỡ òa nước mắt trên gương mặt sạm đen. Anh bảo: “Vợ chồng em lo thu hoạch lúa ngoài đồng nên chủ quan, cứ tưởng sốt ho vài ngày là khỏi. Ai ngờ nó biến chứng viêm phổi nặng, thở không thành hơi nữa bọn em mới thuê tắc xi chở vô đây. Không có cô Liên không có chú Quý điều trị và chăm sóc thì con em chết rồi..”.

Khám bệnh cho trẻ em
Khám bệnh cho trẻ em

Người đàn ông vừa nói chuyện với khách vừa bóc quả chuối chín lựng đưa cho con ăn. Thằng bé ăn ngon lành, mặt đã hồng lên, đôi mắt đen láy nhìn mọi người chung quanh. Bác sĩ Quý bảo tôi: “Họ nói thế nhưng đây chưa phải là trường hợp nặng lắm. 5 tháng đầu năm 2012 này, khoa nhi tiếp nhận hơn 1300 cháu điều trị thì có tới hàng trăm em bị bệnh viêm phổi và tiêu chảy nặng”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Liên thuật lại cho tôi nghe chuyện cứu sống cháu nhỏ người dân tộc Chứt cách đây vài tháng. Cháu tên Hồ Thị Hạnh được bà con trong bản đưa xuống đây trong tình trạng rất nguy kịch. Qua chẩn đoán cháu Hạnh bị viêm ruột hoại tử, da xanh như lá chuối rừng, mắt lờ đờ, mũi phải thở bằng bình ô xy. Với phác đồ điều trị dùng thuốc kháng sinh phối hợp, nuôi dưởng tĩnh mạch, sau 8 ngày đêm kiên trì điều trị, sức khỏe cháu Hạnh phục hồi dần. Sau 2 tuần lễ nằm điều trị tại khoa Nhi, cháu Hồ Thị Hạnh không những được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo mà bệnh viện còn dành sự ưu ái đặc biệt, miễn phí hoàn toàn về chế độ ăn ngủ điều trị cho con và mẹ.

Tôi được bác sĩ Quý đưa vào thăm phòng đặc biệt dành cho những cháu đẻ non. Hai cháu bé đang nằm trong lồng ấp nhỏ xíu mắt nhắm nghiền, thoi thóp thở trông đến là thương. Bác sĩ Quý cho biết, việc chăm sóc các cháu trọng lượng chỉ từ 1kg – 2 kg ngoài kinh nghiệm đòi hỏi sự dày công lớn. Tình thương và trách nhiệm khoa nhi đã biến những bác sĩ, y tá thành những “người mẹ mát tay” nuôi đưỡng hàng chục cháu mạnh khỏe.

Rời khoa Nhi, tôi lượn một vòng sang các khoa khác, từ khoa Tim mạch - Lão học, Ngoại Tiêu hóa, Nội tổng hợp đến khoa Chấn thương, chỗ nào cũng la liệt bệnh nhân nằm. Mùa hè ở miền Trung khá oi nồng ngột ngạt, nhiều bệnh nhân già từ Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Khê đổ dồn vào đây hết lượt này sang lượt khác. Sự quá tải của bệnh nhân lại thêm một lần thử thách lớn đối với đội ngũ thầy thuốc. Sắp xếp thế nào cho phù hợp khi bệnh nhân mới tăng vọt, bệnh nhân cũ chưa ra. Rồi điện sinh hoạt hàng ngày, thức ăn, nước uống, nước sinh hoạt, thuốc chữa bệnh.. đến cả những vấn đề an ninh trong những ngày nằm viện. Càng vất vả bao nhiêu, niềm vui và sự say mê làm việc của cả tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện càng càng nhân lên bấy nhiêu. Vì bệnh nhân họ không đi muộn về sớm, vì bệnh nhân họ văn minh trong ứng xử, vì bệnh nhân họ càng cố rèn mình về y đức về nghiệp vụ.

“Cao hơn cả cuộc đời là hy vọng. Đừng chết đi trong mọi nỗi buồn..”. Người bệnh bao giờ cũng gửi gắm niềm tin vào thầy thuốc. Điều không thể mất đó là lòng tin.

Tháng 6/2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast