Trung thu sẻ chia của trẻ em Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trung thu năm nay, trẻ em Hà Tĩnh không tổ chức vui hội, thay vào đó là những món quà sẻ chia, những tình cảm ấm áp, lời nguyện cầu bình an gửi trao đến các bạn nhỏ vùng lũ.

Cơn bão Yagi đi qua kéo theo những cơn mưa lớn, lũ dâng, lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Chưa đầy một tuần, bão lũ đã gây biết bao nỗi tang thương, mất mát cho người dân. Phố phường, làng mạc chìm trong biển nước, nhà cửa đổ sập, tài sản bị cuốn trôi. Xót xa hơn là hàng trăm người dân đã mất tích và ra đi mãi mãi trong dòng nước lũ, trong đó có không ít trẻ em.

f5889cb90217a549fc06-6608.jpg
Đại diện các cấp, cấp ngành đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà Trung thu cho trẻ em khuyết tật.

Năm nay, kế hoạch tổ chức một tết Trung thu đủ đầy, ấm áp cho trẻ em đã được các cấp ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn Hà Tĩnh chuẩn bị chu đáo. Thế nhưng, sẻ chia với những mất mát, đau thương của người dân miền Bắc nói chung, trẻ em vùng lũ nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức tết Trung thu phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, dừng tổ chức chương trình tết Trung thu cấp tỉnh; các ban, ngành, đoàn thể, trường học tổ chức theo hình thức nội bộ đơn giản, không mời đại biểu tham dự hoặc không tổ chức.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã dừng việc chuẩn bị chương trình trung thu cấp tỉnh (dự kiến được tổ chức tại TX Hồng Lĩnh). Ban tổ chức chỉ tiến hành trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo danh sách đã đề xuất, không tổ chức các hoạt động lễ hội khác. Đây là một chủ trương hết sức nhân văn, kịp thời, thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với Nhân dân các tỉnh miền Bắc trong thời điểm khó khăn, cấp bách này”.

Không chỉ chương trình trung thu cấp tỉnh dừng tổ chức để hướng về đồng bào vùng lũ mà hầu hết các khu dân cư, cơ quan, trường học cũng lựa chọn hình thức phù hợp. Dù không có những chương trình văn nghệ, múa lân, rước đèn rộn ràng, không có những trò chơi dân gian hấp dẫn như các mùa trăng trước, thay vào đó là hoạt động quyên góp ủng hộ cứu trợ bão lụt, nhưng có lẽ các bạn nhỏ không hề nuối tiếc bởi lúc này đây, trao gửi tình cảm, yêu thương và những lời nguyện cầu bình an đến những người bạn nơi vùng tâm lũ mới là điều cần thiết hơn.

Trong những ngày này, đồng loạt các trường học trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào ủng hộ người dân vùng lũ nói chung, trẻ em vùng lũ nói riêng. Chỉ sau vài ngày phát động, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia.

Screenshot 2024-09-13 at 22-02-14 1-8 CUOI TUAN 2024 - Bao cuoi tuan 1-8 ngay 14-9moi.jpg
Trước mất mát, đau thương do thiên tai, bão lụt gây ra với đồng bào các tỉnh phía Bắc, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã tổ chức quyên góp sách vở, đồ dùng học tập gửi tặng học sinh vùng lũ.

Tiền mặt, nhu yếu phẩm, các vật dụng cứu hộ thiết yếu… được mang đến các điểm tiếp nhận hàng hóa cứu trợ với mong muốn gửi trao sớm nhất đến các bạn nhỏ và gia đình ở vùng lũ, góp phần cứu giúp, sẻ chia với đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Sau 2 ngày phát động, Trường Tiểu học Thạch Châu (Lộc Hà) đã ủng hộ gần 35 triệu đồng cho các tỉnh phía Bắc. Kết quả vận động này rất đáng ghi nhận đối với một trường học ở địa bàn nông thôn. Cô Sử Thị Thanh Hoa - giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường cho biết: “Nhiều bạn học sinh đã bớt tiền ăn sáng, tiêu vặt, thu gom ve chai bán lấy tiền ủng hộ. Thông qua hoạt động này, học sinh đã được giáo dục lòng yêu thương, tinh thần “nhường cơm sẻ áo” cho những người kém may mắn hơn mình”.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, em Nguyễn Ngọc Thảo Đan - lớp 4D Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã không ngần ngại đập heo đất để lấy tiền ủng hộ các bạn nhỏ miền Bắc. Cầm những tờ tiền mệnh giá 10, 20 nghìn đồng vừa lấy ra từ heo đất, Thảo Đan vuốt phẳng phiu và cẩn thận cho vào một chiếc phong bì. Số tiền em thu được từ heo đất là hơn 1,1 triệu đồng.

3.jpg
Em Thảo Đan đập heo đất để dành tiền ủng hộ các bạn vùng lũ.

Thảo Đan cho biết: “Con heo đất này cháu nuôi được gần một năm nay. Đây là số tiền tiêu vặt mà cháu dành dụm, tiền thưởng của bố mẹ và cô chú mỗi dịp lễ tết. Dự định dùng để mua đồ chơi dịp tết Trung thu này nhưng giờ cháu nghĩ, các bạn nhỏ ở vùng lũ cần số tiền này hơn nên cháu sẽ nhờ cô giáo chủ nhiệm gửi món quà nhỏ này đến các bạn. Cháu mong các bạn sẽ an toàn và sớm được quay lại trường học”.

Điều đặc biệt là con em của cán bộ, đoàn viên, người lao động tại nhiều cơ quan, trường học đã xin được nhường suất quà và phần thưởng thành tích học tập tốt dịp tết Trung thu từ cơ quan của bố mẹ để ủng hộ đồng bào vùng lũ.

1-copy-2683.jpg
Hai anh em Nguyễn Văn Đăng và Nguyễn Văn Nhân (Nghi Xuân) mổ lợn tiết kiệm để ủng hộ các bạn nhỏ vùng thiên tai phía Bắc.

Thầy Trần Xuân Thắng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: "Được sự đồng ý, thống nhất của con em và cán bộ, đoàn viên, người lao động nhà trường, BCH Công đoàn trường đã quyết định không tổ chức chương trình tết Trung thu như đã dự kiến, mà dành toàn bộ kinh phí tặng quà, phần thưởng là 10 triệu đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ. Ngoài ra, nhiều cháu còn gửi tiền thưởng học sinh giỏi của mình nhờ công đoàn chuyển đến các bạn nhỏ ở miền Bắc".

Hình ảnh những bạn học sinh tích cực tham gia hỗ trợ thầy cô, bố mẹ vận chuyển các thùng hàng cứu trợ vào điểm tập kết; những em nhỏ lựa chọn bánh sữa, đồ dùng cá nhân đóng gói cẩn thận để kịp gửi theo những chuyến xe yêu thương đến vùng lũ, gom góp tiền tiết kiệm tặng quà cho những người bạn chưa một lần gặp mặt… khiến tôi thấy ấm lòng. Bởi biết rằng, các em đã được giáo dục về lòng trắc ẩn, sự sẻ chia và tình yêu thương giữa con người với con người.

Không có tiêu đề.jpg
Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) quyên góp các nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt.

Trung thu tại thôn, tổ dân phố từ lâu đã trở thành một hoạt động mang tính truyền thống, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng háo hức mong chờ. Trung thu năm nay, thay vì tưng bừng chuẩn bị quà bánh, phát thưởng như những mùa trung thu trước, nhiều cư dân ở các khu dân cư đã đồng thuận dành nguồn kinh phí này để ủng hộ cho người dân miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.

Bà Nguyễn Thị Minh - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Theo kế hoạch, thôn sẽ tổ chức chương trình vui tết Trung thu với các hoạt động rước đèn, múa lân cho các cháu thiếu nhi bằng nguồn kinh phí đóng góp của các hộ gia đình. Nhưng nay, các tổ liên gia đã thống nhất sẽ tổ chức gọn nhẹ cho các cháu, số tiền còn lại chuyển ủng hộ người dân các tỉnh miền Bắc. Không chỉ phụ huynh mà các em nhỏ cũng vui vẻ, đồng tình với quyết định này”.

11101.jpg
Những món quà ấm áp mà trẻ em Hà Tĩnh gửi đến các bạn nhỏ vùng lũ nhân dịp tết Trung thu.

Diễn ra trong thời điểm và hoàn cảnh “đặc biệt”, dẫu không được tổ chức linh đình, bài bản như những mùa trăng truyền thống thì với người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng, Trung thu vẫn vẹn nguyên ý nghĩa là một cái tết của tình yêu thương và sự sẻ chia.

Chủ đề Tết Trung thu

Đọc thêm

5 người bị ngộ độc do ăn nấm

5 người bị ngộ độc do ăn nấm

Sau khi ăn món nấm xào, 5 người dân trú tại thôn 10 xã Hà Linh (Hương Khê - Hà Tĩnh) có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm.
Người dân Đồng Lộc "khát" nước sạch

Người dân Đồng Lộc "khát" nước sạch

6 năm kể từ ngày thành lập thị trấn, đến nay cuộc sống sinh hoạt của hơn 6.000 người dân ở Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn gặp nhiều khó khăn bởi "khát" nước sạch.
"Cứu trợ" đoàn cứu trợ

"Cứu trợ" đoàn cứu trợ

Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, người quê tôi ai còn trụ lại sẽ làm “giỗ lụt năm Thìn”. Ngoại nói, trận lũ năm 1964 là kinh hoàng nhất. Ngoại mất một người em gái, là bà dì Chín của tôi.
Tang thương Làng Nủ

Tang thương Làng Nủ

Trong cơn mưa tầm tã, từng thi thể người dân thôn Làng Nủ lần lượt được đưa về. Nơi ấy, tiếng khóc vang lên khắp nơi khi người ở lại phải đau đớn đón nhận tin dữ sau thảm họa lũ quét kinh hoàng.
Trưa 11/9: 292 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Trưa 11/9: 292 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bước đầu thống kê một số thiệt hại về người và tài sản đến 11 giờ ngày 11/9/2024 có 292 người chết và mất tích (152 người chết, 140 người mất tích).