Gặp nữ đại biểu được tôn vinh tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc

(Baohatinh.vn) - Những tia nắng ấm áp tháng 3 như rải mật lên khu vườn cây dược liệu thí điểm giống mới của chị Nguyễn Thị Văn - Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn, dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên). Người phụ nữ nhỏ nhắn, giản dị đang lúi húi trồng nốt những hàng cây xương quạt sau cùng để yên tâm lên đường đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

“Vườn nhà chỉ trồng thí điểm giống mới, còn 5 ha đất canh tác tập trung của HTX đang chờ ít bữa nữa, khi tôi từ Thủ đô về sẽ được đồng loạt xuống giống” - chị Văn cho biết.

gap nu dai bieu duoc ton vinh tai dai hoi phu nu toan quoc

Chị Nguyễn Thị Văn bên lề Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Sinh năm 1953, đã lên chức bà nội, nhưng chị Nguyễn Thị Văn - hội viên duy nhất trong đoàn đại biểu Hà Tĩnh dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc và là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu cả nước được tôn vinh dịp này - hiện đang cáng đáng rất nhiều công việc. Chị vừa là Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn, dịch vụ tổng hợp, vừa là trụ cột của CLB Liên thế hệ giúp nhau, cũng là Trưởng thôn Tam Đồng.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Chị Văn từng tham gia dân công hỏa tuyến, mang thương tật 4/4, tuổi cũng đã cao, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Thế nhưng, chị là người có chuyên môn (từng là kế toán HTX nông nghiệp của xã - PV), có kinh nghiệm trong phong trào hoạt động phụ nữ, đặc biệt là người nhiệt tình, tâm huyết, biết hy sinh vì việc chung nên có uy tín cao với cộng đồng. Mô hình liên kết sản xuất của địa phương không thể thành công nếu thiếu người đứng đầu như chị”.

Năm 2014, HTX Sản xuất rau an toàn, dịch vụ tổng hợp Cẩm Vịnh ra đời với 60 thành viên, trong đó có 52 phụ nữ, chủ yếu là chị em có hoàn cảnh khó khăn. Mọi việc đều mới toanh từ đối tượng cây trồng, hình thức sản xuất, mô hình quản lý, cách thức liên kết. Nhận trọng trách của người “đứng mũi chịu sào”, chị Văn tham gia các lớp học về quản lý HTX, đồng thời bắt đầu cuộc hành trình gian khó là tuyên truyền, vận động chị em.

Khó nhất ở thời điểm đầu là di dời những ngôi mộ được chôn cất xen kẽ trên những cánh đồng từ hàng chục năm trước để tạo thành vùng sản xuất rộng lớn 5 ha. Tiếp đó là việc tập trung các hộ dân bắt đầu những đường cày trong vụ sản xuất đầu tiên. Tất cả những việc đó dẫu đã được dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) và các cấp chính quyền hỗ trợ nguồn lực, nhưng nếu không khơi dậy được niềm tin, sự quyết tâm của bà con thì chắc chắn không thể đi đến thành công. Vì vậy, chị Văn đã cùng với những người sáng lập HTX đi đến từng nhà động viên, hỗ trợ từng gia đình mạnh dạn bắt tay vào mô hình sản xuất mới. Ngoài số tiền hỗ trợ giống, hạ tầng sản xuất của dự án, đối với những chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị Văn bỏ tiền nhà giúp chi phí thuê trâu cày.

Cây trồng mới - kỹ thuật sản xuất mới lại còn gắn với phương thức sản xuất liên kết từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm khiến chị em không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Giám đốc HTX đã kiên trì bám sát đồng tuộng, hướng dẫn, giải thích và động viên xã viên tuân thủ kỹ thuật và nghiêm túc thực hiện việc cung ứng đầu ra cho doanh nghiệp theo đúng hợp đồng đã ký kết. Qua 2 năm sản xuất, 2 loại cây dược liệu là mã đề và kim tiền thảo (trồng và thu hoạch từ tháng 2 - 9) đã “bén duyên” vùng đất Cẩm Vịnh với năng suất khá cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu chế biến dược liệu.

Ngoài ra, tranh thủ thời gian đất nghỉ, bà con còn trồng thêm vụ khoai tây để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Tính toán sơ bộ, mỗi sào thu nhập từ các loại cây đạt 22-25 triệu đồng/năm; mỗi ha đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần so với trồng lúa trước đó. Thu nhập khá cao, sau 2 năm, HTX đã có thêm 10 xã viên thoát nghèo và phấn đấu đến hết năm 2017 không còn hộ nghèo.

Dẫn chúng tôi ra vùng sản xuất tập trung của HTX, chị Văn chia sẻ: “Dẫu còn không ít khó khăn để chị em hoàn toàn nhịp nhàng trong guồng quay sản xuất theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, mỗi lần ra vùng sản xuất tập trung của HTX, tôi thực sự hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui, sự hăng say của chị em xã viên trên từng thửa ruộng đã cho thu nhập cao và ổn định. Hơn thế, ngoài lực lượng chính là chị em phụ nữ, nhiều người chồng, con của các xã viên đã cùng tích cực tham gia cùng vợ, mẹ trong mô hình sản xuất tập trung, liên kết này. Tôi tự nhủ, được đứng mũi chịu sào cho mô hình kinh tế bền vững, nhân văn này, có vất vả hơn thế, tôi vẫn sẵn sàng”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast