Giáng sinh an lành, ấm áp

(Baohatinh.vn) - Khi thời gian dịch chuyển dần sang những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là lúc không khí Giáng sinh bao trùm lên toàn thế giới. Trong cái lạnh se sắt của những ngày Đông chí, mùa Giáng sinh gọi về những ấm áp, yêu thương, khiến con người xích lại gần nhau hơn, cùng hướng tới ước vọng an lành, hạnh phúc.

Đại lễ tôn giáo và văn hóa

Giáng sinh an lành, ấm áp

Không khí Giáng sinh tại TP Hà Tĩnh.

Lễ Giáng sinh còn được gọi là Noel (tiếng Pháp cổ nghĩa là ngày sinh, phiên âm tiếng Việt là Nô-en) hoặc Christmas, là lễ hội kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su, được tổ chức chủ yếu vào ngày 25/12 hằng năm, một dịp lễ tôn giáo và văn hóa của hàng tỷ người trên thế giới, một đại lễ mừng trọng tâm trong năm.

Theo kinh Phúc âm của Luke (Lu-ca) và Matthew (Mát-thêu) thì Giê-su được đức mẹ Ma-ri-a, một phụ nữ đồng trinh và là vợ của người thợ mộc Giu-se sinh ra ở Bê-lem xứ Ju-đê-a. Bà Ma-ri-a và ông Giu-se khi đang cùng đoàn người du hành đến Bê-lem thì trời tối, không tìm được chỗ trọ nên nghỉ lại ở một hang đá và bà Ma-ri-a đã sinh hạ chúa Giê-su trong một máng cỏ. Các thiên sứ loan tin rằng người này sẽ là đấng cứu thế và các mục đồng đã đến chiêm bái. Các nhà thông thái đã hướng một ngôi sao đến Bê-lem và dâng tặng những vật phẩm lên Chúa hài đồng. Câu chuyện về sự ra đời của chúa Giê-su cũng được miêu tả tương tự trong kinh Tân Ước.

Giáng sinh an lành, ấm áp

Dịp Giáng sinh đã trở thành một nét văn hóa phổ biến ở Hà Tĩnh.

Thế giới đã trải qua hơn 2.000 năm với nhiều biến đổi, có vui sướng, hạnh phúc, có khổ đau, buồn thương, có chiến tranh và hòa bình… Niềm tin Thiên Chúa ngày càng giúp con người sống an hòa, nhân từ, rộng lượng, giàu tình yêu thương con người, yêu thương gia đình. Chính vì vậy, dịp lễ Giáng sinh trở thành đại lễ tôn giáo và văn hóa của cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa (còn gọi là công giáo) nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, trong đó có người Việt Nam.

Các phong tục ăn mừng liên quan đến lễ Giáng sinh phổ biến trên thế giới là tặng quà, ca nhạc mừng Giáng sinh, xem vở kịch Chúa Giáng sinh, lễ thờ phụng, bữa ăn đặc biệt. Đồ trang trí Giáng sinh có cây thông, nến, vòng hoa, thiệp mừng…

Đặc biệt, hình ảnh ông già Noel cưỡi cỗ xe tuần lộc mang quà đến cho trẻ em vào lúc nửa đêm đã làm cho mùa Giáng sinh thêm huyền ảo, thi vị. Ngày nay, hình tượng ông già Noel đã được mở rộng với hình ảnh từng đoàn ông già Noel đi xe đạp hoặc ngồi thuyền trên sông mang theo thông điệp bảo vệ môi trường hoặc từ thiện xã hội. Cùng với đó là các hoạt động dàn dựng, tái tạo không gian hang đá Bê-lem rộng lớn với nhiều tiểu cảnh độc đáo, tạo điểm thu hút người lớn và trẻ em đến thưởng lãm.

Mùa của yêu thương

Giáng sinh an lành, ấm áp

Các nhà thờ được trang trí lung linh, ngập tràn sắc màu Giáng sinh.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, các khu dân cư có đồng bào theo đạo Thiên Chúa, các nhà thờ lớn nhỏ khắp Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh những ngày này rực rỡ, lung linh sắc màu và ngập tràn không khí Giáng sinh.

Đất nước hòa bình, thịnh vượng và phát triển, các tầng lớp nhân dân cùng nhau xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc nên đại lễ mừng Noel càng thêm rộn ràng, tươi vui, đầm ấm. Giáng sinh giờ đây không chỉ là của người theo đạo Thiên Chúa mà cả cộng đồng với ước vọng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tốt đời - đẹp đạo.

Đây cũng là dịp mà những đôi lứa yêu nhau hẹn hò, trao gửi yêu thương, gia đình sum họp, làng xóm quần tụ chúc nhau những lời chúc Giáng sinh an lành, hạnh phúc. Trong tiếng nhạc du dương của những bài Thánh ca, trong màu đèn trang trí đủ sắc màu ngập tràn làng quê, ngõ phố, người theo đạo và người không theo đạo đều hướng cảm xúc mình, gửi gắm niềm tin và ước vọng về một thế giới bình an, nhà nhà vui tươi, người người xích lại gần nhau trong tình thương yêu nhân ái.

Giáng sinh an lành, ấm áp

Ông Nguyễn Hữu Lâm - Chủ tịch Hội đồng mục vụ, Giáo xứ An Nhiên.

Ông Nguyễn Hữu Lâm - Chủ tịch Hội đồng mục vụ, Giáo xứ An Nhiên (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Giáo xứ An Nhiên có 4.037 giáo dân sinh sống, có mái ấm Thiên Ân cho những phụ nữ và trẻ sơ sinh không may mắn, có trường giáo lý. Chuẩn bị cho mùa Giáng sinh 2022, chúng tôi đã xây dựng hang đá Bê-lem, trang trí lại nhà thờ, đường vào giáo xứ. Bà con cũng trang hoàng đèn hoa xung quanh ngôi nhà của mình. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật như ca múa, dựng kịch Giáng sinh…

Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ trao 220 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền sở tại rất quan tâm đến đời sống bà con. Tới đây, UBND xã sẽ mời gặp mặt các thành viên cốt cán của giáo xứ nhân ngày lễ trọng. Một mùa Giáng sinh với bao ước vọng an lành, hạnh phúc đang về, bà con rất phấn khởi, náo nức chờ đón, cùng nhau hướng tới niềm tin Thiên Chúa, sống tốt đời - đẹp đạo”

“Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”

Giáng sinh an lành, ấm áp

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân tặng hoa, chúc mừng Giáng sinh tại giáo xứ Vĩnh Luật (xã Mai Phụ).

Là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng cư dân Việt Nam, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, quê hương. Trong công cuộc đổi mới đất nước, các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh, trong đó có đồng bào theo đạo đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, sống “tốt đời - đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, ổn định và phát triển.

Ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Hiện nay, Hà Tĩnh có 8 giáo hạt, 71 giáo xứ, 237 giáo họ, có 243 cơ sở thờ tự, 12 cơ sở dòng tu (3 cơ sở dòng Mến Thánh giá, 8 cơ sở dòng Thừa sai - Bác ái, 1 dòng tu nam) với khoảng 300 nữ tu, 4 cơ sở từ thiện, dạy nghề. Toàn tỉnh có 169.900 giáo dân, chiếm hơn 13% dân số; 131/216 xã, phường, thị trấn có giáo dân; 575/1.925 thôn, tổ dân phố vùng giáo, trong đó có 71 thôn giáo toàn tòng. Đồng bào có đạo ở Hà Tĩnh luôn đoàn kết bên nhau, chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều gia đình giáo dân đã đi đầu, đóng góp công sức, tiền của xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, tích cực tham gia các phong trào nhân đạo, từ thiện, vì người nghèo…”.

Giáng sinh an lành, ấm áp

Đồng bào có đạo ở Hà Tĩnh luôn đoàn kết bên nhau, chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM, phát triển kinh tế, vun đắp tình làng - nghĩa xóm, gìn giữ truyền thống văn hóa... Ảnh: Giáo xứ Quèn Đông (Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) ngày một đổi mới.

Nhiều khu dân cư vùng giáo đã đi đầu trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế, vun đắp tình làng - nghĩa xóm, gìn giữ truyền thống văn hóa, sống tốt đời - đẹp đạo như các thôn: Nhân Hòa - xã Tân Lâm Hương, Tân Đông - xã Nam Điền (Thạch Hà); Phú Lễ - xã Hương Trạch, Phú Hưng - xã Gia Phố (Hương Khê); Yên Thành - xã Nam Phúc Thăng, Vinh Lộc - xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Tây Hà - xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh); Đại Thành - xã Gia Hanh (Can Lộc); Đức Phú - xã Thạch Trung, thôn Trung - xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh); Đồng Xuân - xã Mai Phụ, Vĩnh Phong - xã Hộ Độ (Lộc Hà)…

Nhiều trưởng thôn vùng giáo đã không quản ngày đêm, dốc sức lực, trí tuệ, đóng góp tiền của để đưa khu dân cư về đích NTM kiểu mẫu như: Trần Văn Loan - Bí thư Chi bộ thôn Đại Thành, xã Gia Hanh (Can Lộc); Nguyễn Thị Hợi - Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng, xã Gia Phố (Hương Khê); Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng thôn Đức Phú, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh); Lê Văn Tuấn - Trưởng thôn Nhân Hòa, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà)… Họ là những tấm gương tiêu biểu “sống phúc âm trong lòng dân tộc”.

Mùa Giáng sinh đang về, Hà Tĩnh cũng như cả nước có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, chính trị ổn định, văn hóa - xã hội được chăm lo. Một không khí bình yên, an hòa, vui tươi đang bao trùm trên cả dải đất quê hương. Hàng vạn bước chân đang hướng về thánh đường cũng là hướng về niềm tin tốt đẹp vào một cuộc sống thiện lương, an lành, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Chủ đề GIÁNG SINH 2023

Đọc thêm

Tang thương Làng Nủ

Tang thương Làng Nủ

Trong cơn mưa tầm tã, từng thi thể người dân thôn Làng Nủ lần lượt được đưa về. Nơi ấy, tiếng khóc vang lên khắp nơi khi người ở lại phải đau đớn đón nhận tin dữ sau thảm họa lũ quét kinh hoàng.
Trưa 11/9: 292 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Trưa 11/9: 292 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bước đầu thống kê một số thiệt hại về người và tài sản đến 11 giờ ngày 11/9/2024 có 292 người chết và mất tích (152 người chết, 140 người mất tích).
Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu

Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu

Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (1 xe tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe máy và 1 xe máy điện), đến nay xác định 8 người mất tích; đã cứu chữa và đưa 3 người bị thương đi cấp cứu.
Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ

Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ

Theo báo cáo sơ bộ, có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi trong vụ sập cầu Phong Châu. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường vụ sập cầu.
Cảnh báo lũ khẩn cấp do hoàn lưu cơn bão số 3

Cảnh báo lũ khẩn cấp do hoàn lưu cơn bão số 3

Ngày 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp thông tin thiên tai khẩn cấp về bão số 3 (tên gọi quốc tế là Yagi). Đây cũng là cơn bão có sức gió mạnh nhất thế giới (ghi nhận đến thời điểm hiện tại) trong năm 2024.
24 người chết do bão Yagi

24 người chết do bão Yagi

Bão Yagi đổ bộ miền Bắc đã làm 24 người chết, 3 người mất tích; trong đó Lào Cai 6, Quảng Ninh 5, Hà Nội và Hòa Bình mỗi tỉnh 4 người chết.