Noel ấm áp, an lành

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.

Văn hóa Noel

Lễ Giáng sinh còn được gọi là Noel hoặc Christmas, diễn ra vào đêm 24 và ngày 25/12 hằng năm, nhằm kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su. Theo quan niệm của người có đạo, Chúa Giê-su (sống trong thế kỷ thứ I, tại Palestine) là hiện thân của Đức chúa Trời.

bqbht_br_a1-2215.jpg
Không khí rộn ràng trong đêm Giáng sinh tại các nhà thờ công giáo Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Theo kinh Phúc âm của Luke (Lu-ca) và Matthew (Mát-thiu), Chúa Giê-su được sinh ra bởi đức mẹ đồng trinh Ma-ri-a. Bà là vợ của người thợ mộc Giu-se, sinh ra ở Bê-lem xứ Ju-đê-a. Theo chuyện kể, tuy bà Ma-ri-a là vợ của ông Giu-se nhưng đang còn là thiếu nữ đồng trinh, việc bà thụ thai là do thánh linh làm phép. Một hôm, khi vợ chồng bà Ma-ri-a đang cùng đoàn người du hành đến Bê-lem thì trời tối, không tìm được chỗ trọ nên nghỉ lại ở một hang đá và bà Ma-ri-a đã sinh hạ Chúa Giê-su trong máng cỏ. Các thiên sứ loan tin rằng người này sẽ là đấng cứu thế và các mục đồng đã đến chiêm bái. Các nhà thông thái đã hướng một ngôi sao đến Bê-lem và dâng tặng những vật phẩm lên Chúa hài đồng… Trong những năm tháng xuất hiện trên thế gian, Chúa Giê-su đã dành cả cuộc đời để truyền bá giáo lý Thiên chúa cứu rỗi thế gian.

Sau khi Chúa Giê-su bị hành hình đóng đinh lên cây thập tự và qua đời (sau đó tái sinh lên thiên đường), người dân theo đạo Thiên chúa đã tiếc thương, tôn vinh ông. Hằng năm, lấy ngày 25/12 làm ngày kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su hay còn gọi là lễ Giáng sinh. Lễ Giáng sinh bắt đầu được lan tỏa rộng rãi đến nhiều quốc gia trên thế giới vào thế kỷ thứ IV, sau khi Giáo hội Công giáo La Mã chính thức công nhận.

bqbht_br_a2-8414.jpg
Noel là lúc trẻ em chờ đợi những món quà ý nghĩa.

Tại Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, lễ Giáng sinh bắt đầu được tổ chức trong cộng đồng người theo đạo công giáo sau khi đạo này được truyền bá vào nước ta vào khoảng thế kỷ XVII. Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, cộng đồng Công giáo Việt Nam ngày càng phát triển rộng rãi. Trong đó, ở Hà Tĩnh đã có 9 giáo hạt, 75 giáo xứ, 237 giáo họ, 12 cơ sở dòng tu, 243 cơ sở thờ tự, khoảng 172.669 giáo dân (chiếm 14,07% dân số toàn tỉnh).

Ngày nay, lễ Giáng sinh không chỉ là ngày lễ quan trọng nhất đối với người theo đạo Thiên Chúa mà còn là một hoạt động văn hóa của xã hội. Đối với người công giáo, Noel là dịp để quây quần, sum họp gia đình, dòng họ, tặng quà và gửi những lời chúc tốt đẹp, thể hiện tình yêu thương, gắn kết cộng đồng. Người không có đạo cũng coi đây là dịp để trao gửi yêu thương tới những người thân, bạn bè.

bqbht_br_a3-3455.jpg
Với chị Phan Thị Dục - giáo viên Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà), Noel là sự kiện mong đợi mỗi dịp cuối năm.

Dịp lễ Noel, tại các nhà thờ giáo xứ thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa vui tươi, sôi nổi. Trong đó, nổi bật là phục dựng công trình hang đá Bê-lem và các hoạt cảnh mô tả lại quá trình Chúa Giê-su ra đời, các sự tích về cuộc đời của Chúa. Các hoạt động thu hút nhiều người tham gia nhất trong lễ Noel diễn ra vào tối 24/12. Thời điểm này, tại các nhà thờ thường tổ chức buổi lễ trang trọng kỷ niệm Giáng sinh với nhiều tiết mục văn nghệ diễn lại cuộc đời và những lời dạy của Chúa đối với con chiên; mở cửa tham quan hang đá Bê-lem để du khách tham quan, check-in… Lễ Noel cũng là lúc người dân công giáo mời bạn bè dù có đạo hay không đến nhà dự tiệc. Với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện sự an lành, ấm áp, văn hóa Noel đã lan tỏa trong mỗi người dân Hà Tĩnh dù là con chiên hay ngoại đạo.

Chị Phan Thị Dục - giáo viên Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà) cho biết: “Dù không phải là con chiên nhưng năm nào tôi cũng chờ đón lễ Noel để được cùng bạn bè, người thân hòa mình vào không khí Giáng sinh vui vẻ, an lành tại các nhà thờ xứ đạo. Với những lời dạy về tình yêu thương của Chúa Giê-su, cách đón tiếp hiếu khách, hòa nhã của người công giáo và những hoạt động sôi nổi, tôi thấy lễ Noel là một hoạt động văn hóa ý nghĩa của cộng đồng”.

Rộn ràng mùa Giáng sinh

Những ngày này, trên những miền quê xứ đạo ở Hà Tĩnh, không khí Noel đã ngập tràn. Tại giáo xứ Văn Hạnh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), khắp mọi nẻo đường, những hang đá Bê-lem, cây thông Noel… đã được trang hoàng lộng lẫy.

bqbht_br_a4-6660.jpg
Công trình hang đá Bê - lem chào mừng lễ Noel năm 2024 tại giáo xứ Văn Hạnh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) sẵn sàng chào đón du khách tham quan.

Anh Võ Công Bảo Quốc - Trưởng ban thi công công trình hang đá Bê-lem nhà thờ Văn Hạnh cho biết: “Công trình hang đá Bê-lem chào mừng lễ Giáng sinh năm nay của nhà thờ Văn Hạnh do giáo họ Hạnh Đức chúng tôi thực hiện. Sau 2 tháng thi công, toàn thể giáo họ đã huy động hàng trăm nhân lực, thực hiện hàng nghìn ngày công. Công trình có diện tích trên 2.000m2, cao 30m, lối đi dài 700m, được xây dựng bởi 9.000 cây tre, mét và hàng chục tấn vật liệu như bao bì, thép… đến nay đã hoàn thành, sẵn sàng chào đón, phục vụ bà con, du khách trong lễ Noel”.

Hang đá Bê-lem tại giáo xứ Văn Hạnh năm nay cao hơn những năm trước 5m, diện tích rộng gấp 3 lần. Điểm khác biệt rõ nhất là công trình xuyên suốt lối đi dài 700m tái hiện đầy đủ các sự tích về cuộc đời của Chúa Giê-su.

bqbht_br_a5.jpg
Anh Võ Công Bảo Quốc ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) chỉnh trang các hạng mục công trình hang đá Bê - lem nhà thờ Văn Hạnh.

Mùa Giáng sinh năm 2024 càng thêm rộn ràng trên mỗi miền quê Hà Tĩnh khi thời gian qua, với sức mạnh đoàn kết lương - giáo, đồng bào công giáo trên toàn tỉnh đã chung sức cùng toàn dân thực hiện thành công các phong trào thi đua như: xây dựng NTM, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Bên cạnh đó, luôn nêu gương bác ái từ lời dạy của Thiên Chúa, người công giáo luôn có nhiều việc làm tương thân, tương ái giúp đỡ đồng bào khi khó khăn hoạn nạn. Tiêu biểu như trong năm 2024, bà con giáo dân trên toàn giáo phận Hà Tĩnh đã quyên góp được hơn 8 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Cùng với quyên góp tiền của, nhiều đoàn thiện nguyện từ các giáo xứ trong tỉnh cũng đã trực tiếp đến với bà con vùng chịu thiên tai để hỗ trợ, động viên…

ca2.jpg
Bà con công giáo Hà Tĩnh thực hiện các chuyến cứu trợ đồng bào miền Bắc bị thiên tai trong cơn bão số Yagi vừa qua. Ảnh: Internet.

Ông Nguyễn Văn Luận (66 tuổi, giáo dân tại xã Liên Minh, Đức Thọ) - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Tĩnh bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy tự hào khi thời gian qua, người công giáo Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng ngày càng phát huy lời răn dạy của Chúa “sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước đổi mới, phát triển. Cuộc sống ngày càng ấm no, khiến mỗi mùa Noel về càng thêm rộn ràng. Có được điều đó là nhờ vào những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho người công giáo không ngừng phát triển, sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.

bqbht_br_127d6102527t26813l0.jpg
Nhờ nỗ lực chung tay xây dựng, nhiều xứ đạo Hà Tĩnh ngày càng khang trang, no ấm. Trong ảnh: Một góc nông thôn mới xứ đạo thôn Tân Đông (xã Nam Điền, Thạch Hà).

Những ngày này, mỗi miền quê Hà Tĩnh thêm khang trang với cờ hoa tươi thắm, không khí rộn ràng chuẩn bị chào năm mới. Cuộc sống ấm no đang trỗi dậy từng ngày. Có được những thành tựu đó là nhờ ý Đảng - lòng dân tạo sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương đất nước, trong đó có phần đóng góp của đồng bào công giáo Hà Tĩnh. Điều đó khiến mùa Noel về thêm ngập tràn sự ấm áp, an lành trên quê hương núi Hồng - sông La.

Chủ đề GIÁNG SINH - NOEL 2024

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.