Giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Xã hội phát triển cởi mở, nhiều thông tin, cạnh tranh nhiều hơn... đã và đang cuốn con người vào guồng quay, đồng thời, khiến các giá trị, các vấn đề về gia đình hiện đại biến chuyển phức tạp. Hành trình đi tìm và gìn giữ hạnh phúc gia đình của mỗi người cũng vì thế mà gian nan hơn.

Càng ngày, những thông tin không vui về gia đình dường như lại nhiều lên, ví như số vụ ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Ai đã có dịp vào thăm trại trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ sẽ thấy mái ấm gia đình thiêng liêng đến nhường nào, những đứa trẻ cần cha mẹ ra sao? Nhiều trẻ trở thành bụi đời, đi ăn xin..., tương lai mờ mịt, bắt đầu từ chỗ không có mái ấm gia đình. Qua số liệu của ngành Công an cho thấy, phần lớn trẻ vị thành niên phạm tội có bố mẹ ly hôn hoặc gia đình không hạnh phúc.

Giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Từ xưa đến nay, những nhà giáo dục giàu kinh nghiệm đều khẳng định: chỉ ở gia đình, con người mới có thể tiến tới một hình thái chắc chắn nhất cho thân phận mình. Gia đình cũng chính là hình thái căn bản nhất để cấu thành mọi hình thái xã hội. Tình yêu gia đình là nền móng vững chắc phát triển thành tình yêu quê hương, đất nước và các đức tính nhân ái khác. Chỉ ở những gia đình hạnh phúc, con cái mới học được những điều tốt đẹp nhất, phù hợp với xu thế, lợi ích của chúng trong tương lai.

Chỉ ở những gia đình hạnh phúc, con cái mới có ấn tượng tốt đẹp về thời thơ ấu, về cuộc sống hạnh phúc của cha mẹ, góp phần tạo nên những thành công trong hôn nhân ở tương lai của chúng. Chỉ ở nơi gia đình hạnh phúc mới tạo nên những công dân ưu tú cho xã hội. Gia đình là mái ấm chở che cho con người cả lúc sướng vui cũng như khi khổ đau, phong ba bão táp trong cuộc đời.

Có một thực tế, khi xã hội càng phát triển thì nhiều trẻ lại rơi vào cảnh cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà mình và không ít em mắc phải những chứng bệnh như tự kỷ, trầm cảm… và thậm chí, sa vào con đường tội lỗi. Nguyên nhân chính của hiện tượng này bởi bố mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình quá bận rộn, không có thời gian quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, dạy bảo các em thường xuyên. Trong cuộc sống hối hả, với guồng quay của công việc, nhiều người đã vô tình quên mất trách nhiệm với gia đình. Làm thế nào để thu xếp được thời gian cho gia đình và công việc, đó là điều mà nhiều người đang cố gắng cân bằng.

Từ kinh nghiệm gia đình mình và qua thực tế xã hội, nhà giáo Phan Văn Tiến (Đức Thọ) cho rằng, mái ấm gia đình không tự nhiên mà có. Trái lại, nó phải được xây dựng từ ý thức trách nhiệm, tình cảm chân thành và sâu xa của mỗi một thành viên. Hiện nay, nhu cầu vật chất tăng lên, tính cá nhân trong mỗi con người cũng có nguy cơ lớn hơn, nên việc củng cố, xây đắp hạnh phúc gia đình khó khăn hơn. Do đó, nếu chúng ta không ý thức đầy đủ tầm quan trọng của gia đình thì mái ấm rất dễ tan vỡ, để lại hậu quả lâu dài cho những đứa con. Vì vậy, theo thầy Tiến, ngoài những ràng buộc xã hội, con người cần có tình yêu thương và trách nhiệm. Các thành viên trong gia đình nên dành tối đa thời gian cho nhau. Hạnh phúc gia đình luôn cần sự sẻ chia, vun đắp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast