Kỳ 3: Bỏ trà xuân sớm: Xu thế sản xuất tất yếu

Đến thời điểm này, phần lớn các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành việc cấy trà lúa xuân sớm. Chưa vội bàn về năng suất, sản lượng hay hiệu quả kinh tế của nó thì đây vẫn được xem là trà lúa không còn phù hợp với tiến trình tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, nhằm vươn tới một nền sản xuất hàng hóa mang tính hiện đại và cạnh tranh cao.

Hơn 20 tỷ đồng cứu lúa chết rét

Đó là một con số khổng lồ mà tỉnh đã phải bỏ ra để vực lại mùa màng cho bà con nông dân trong hai năm qua sau những đợt rét khủng khiếp. Các đợt rét trùng vào thời kỳ đầu của quá trình sinh trưởng trà xuân sớm và một phần xuân trung đã khiến hơn 10.000 ha lúa không còn khả năng hồi phục sau mỗi mùa rét; có đến 1/3 diện tích thiếu mạ cấy và hàng trăm tấn giống lúa ngắn ngày phải gấp rút bổ sung thay thế…

Che phủ ni lông - giải pháp tối ưu cho sự phát triển của mạ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt

Che phủ ni lông - giải pháp tối ưu cho sự phát triển của mạ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt

Tôi còn nhớ như in những ngày giáp Tết Nguyên đán trong dịp chuyến công tác về huyện Lộc Hà. Đã hơn một tháng lúa được gieo xuống đất vậy mà không cây nào lên nổi, 100% diện tích lúa gieo thẳng bị chết rét; toàn huyện chỉ còn lại vẻn vẹn 10 ha mạ (cho tổng số 2.885 ha lúa đông xuân). Ông Phan Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Chưa năm nào lúa lại chết nhiều như năm nay. Huyện phải bỏ ra gần 2 tỷ để hỗ trợ bà con đầu tư lại sản xuất cả về giống lúa và máy móc thiết bị. Nếu thời tiết ủng hộ thì cũng phải đến 16/1 toàn huyện mới cấy xong”.

Song, đó cũng chỉ mới là “phân nổi” của tảng băng khi tổn thất thực sự của nó còn là bao công sức, sự đầu tư của người nông dân và quan trọng hơn chính nó là tác nhân làm kéo tụt sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp.

Biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nếu như vụ đông xuân 2010- 2011 là năm lịch sử của những đợt rét đậm rét hại với 36 ngày rét liên tiếp thì vụ đông xuân 2011- 2012 lại “ghi điểm” với kiểu thời tiết cực đoan, mưa rét thất thường với 40 ngày không có ánh nắng mặt trời, hàng chục ngày nền nhiệt xuống thấp đạt rét đậm, rét hại.

Trong khi các tỉnh bạn đã thực hiện bước chuyển mình quan trọng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ bằng những giống lúa mới, chất lượng khi nói không với các giống thuộc trà xuân sớm, thậm chí là xuân trung thì nông dân Hà Tĩnh vẫn một mực “trung thành” với IR 1820.

Kỹ sư Nguyễn Đức Thục- Phó giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh

Các loại giống trà xuân sớm gồm: IR 1820, IR 57494 (13/2)... đều có thời gian sinh trưởng dài (trên 170 ngày); kháng chịu sâu bệnh và tác động ngoại cảnh yếu, chưa kể nhiều loại giống đã bị thoái hóa. Vì vậy, người nông dân cần phải lựa chọn nguồn giống phù hợp hơn, vừa đáp ứng năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo ứng phó tốt với điều kiện khí hậu ngày một khắc nghiệt.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, vụ đông xuân 2011 - 2012, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh đã quán triệt bỏ hẳn sản xuất cũng như phục tráng nguồn giống IR 1820 (thuộc trà xuân sớm). Tập trung cung ứng các loại giống trà xuân muộn chất lượng cao như: PD 211, HT6, HT9, XT28... Đây là những giống lúa có chất lượng tốt, cho năng suất cao, đạt trung bình từ 55- 60 tạ/ha; thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 150 ngày), phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn Hà Tĩnh

Rõ ràng không thể đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị diện tích nếu trên đồng ruộng còn tồn tại loại giống dài ngày như trà lúa xuân sớm. Song, điều quan trọng hơn là bài toán nào để làm thay đổi được cả ý thức hệ về tập quan canh tác gieo thẳng đã tồn tại lâu nay của người nông dân, nhằm né tránh an toàn BĐKH và giảm tổn thất cho tỉnh nhà. Hệ lụy là những cuộc chạy đua thời vụ chưa có hồi kết mà nhân quả của nó là những tấn thóc thu hoạch vội vàng và bài học buồn về mất mùa sau thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Hoa, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho hay: “Đông xuân năm ngoái bị chậm khiến cho vụ hè thu cũng chậm theo. Lúa đưa về tận nhà tưởng thế là thắng trời nhưng đâu có được. Tết đến nơi, lúa vẫn chất đầy nhà, chất lượng kém, người ta kén mua mà để giống lại càng khó”.

Nguồn lực nào để có bước đột phá

Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Năm 2012 là năm toàn tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, trong đó lĩnh vực sản xuất tiếp tục là mũi nhọn để đầu tư và phát triển. Cùng với việc xác định sản phẩm chủ lực là điều kiện để các địa phương lọc tuyển và tinh gọn lại bộ giống cho mình, từ đó có chiến lược phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.

Đó cũng cách ứng phó an toàn nhất với diễn biến của BĐKH trong sản xuất”. Theo đó, các huyện đã lên “dây cót” cho mình để quyết tâm làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của tỉnh nhà. Chẳng hạn như ở Lộc Hà, dù là miền đất khá đặc thù vùng ruộng thấp, chỉ quen làm lúa xuân sớm là chủ yếu nhưng nay huyện đang xây dựng kế hoạch thí điểm bước đầu ở hai xã nói không với IR 1820, nhằm dần tạo sức lan tỏa trong toàn huyện.

Hay ấn tượng về Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) dám mạnh dạn trích 25 triệu đồng từ ngân sách ít ỏi của xã (tổng thu ngân sách là 500 triệu đồng mỗi năm) để hỗ trợ đầu tư giống lúa mới, thay thế hẳn cho giống IR 1820 mà bà con vẫn sử dụng trước đây.

Dù số tiền này quá nhỏ bé so với chiến lược chuyển mình dài hơi của nền nông nghiệp nhưng điều đáng trân trọng là ở một xã nghèo cán bộ đã dám tiên phong thay đổi.

Toàn tỉnh có hàng ngàn ha mạ và lúa gieo thẳng vụ đông xuân bị ảnh hưởng trong đợt rét vừa qua
Toàn tỉnh có hàng ngàn ha mạ và lúa gieo thẳng vụ đông xuân bị ảnh hưởng trong đợt rét vừa qua

Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh trong những chuyến công tác kiểm tra tình hình sản xuất thì việc chuyển đổi trà lúa là yêu cầu cấp thiết và tỉnh sẽ là “bà đỡ” cho các địa phương trong cuộc cách mạng chuyển mình. Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ứng dụng giống lúa mới và giảm tối đa trà lúa xuân sớm là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ cốt lõi của toàn tỉnh trong vụ đông xuân 2012- 2013. Tất cả nhằm đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới tiến vào chiều sâu và hiệu quả.

Một chính sách mới đã mở đường tạo ra cơ hội tiếp cận mới cho bà con nông dân. Người dân đã bắt đầu chuyển biến nhận thức, rất cần thái độ kiên quyết của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn trong những bước đi quan trọng tiếp theo. Bỏ trà xuân sớm sẽ tạo bước ngoặt để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa ngành kinh tế trọng điểm nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast