Người đi XKLĐ mất thông tin: Trách nhiệm pháp lý của công ty môi giới!

Tháng 10-2009, chị Nguyễn Thị Toại (SN 1980), ở tổ 16, thị trấn Cẩm Xuyên đi XKLĐ sang Ả rập – Xê út. Giấc mơ đổi đời hay chí ít cũng là kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình nhen nhóm trong chị và những người thân. Để rồi, ước mơ đó vội tắt khi 27 tháng qua, dù đã tìm mọi cách liên lạc với Công ty môi giới, với ông chủ người nước ngoài, cầu cứu đến các Cơ quan chức năng…nhưng người thân vẫn chưa có tin tức gì về chị.

Mất tích bí ẩn

Giữa năm 2009, thông qua một người môi giới ở huyện Kỳ Anh, chị Toại được một người đàn ông tên Tuấn ở Nghệ An đưa ra Công ty CP Vạn Xuân chi nhánh Hà Nội (Công ty Vivaxan) để XKLĐ sang Ả rập – Xê út. Sau 1 tháng học tiếng ở Hà Nội, ngày 18/10/2009, chị Toại bay sang Ả rập – Xê út giúp việc với hợp đồng thời hạn 24 tháng, lương 3,6 triệu/tháng.

Em Ngọc bên ông ngoại đang từng ngày mỏi mòn ngóng tin mẹ.
Em Ngọc bên ông ngoại đang từng ngày mỏi mòn ngóng tin mẹ.

Đi được khoảng 2 tháng thì chị có liên lạc bằng điện thoại với gia đình báo tin là: sang làm giúp việc cho một ông chủ, mọi việc tương đối thuận lợi. Tin tưởng, hy vọng và khấp khởi mừng, không khí vui vẻ tràn ngập trong những người ở lại. Thế nhưng, hơn 1 tháng sau, bố mẹ chị điện sang thì nghe chị nói giọng cầu khẩn, bất trắc: "bố mẹ báo với công ty xin đưa con về chứ không ở đây được đâu". "Nó còn nói ở nhà đó cũng đã có một chị người Việt Nam giúp việc. Hôm trước, ông chủ xếp hành lý rồi cùng với cô ấy đi đâu mấy ngày chưa thấy về. Cũng sau lần đó, gia đình mất liên lạc với nó cho đến bây giờ luôn”, ông Nguyễn Bá Kỳ (bố của chị Toại) cho biết.

Sau nhiều cuộc điện thoại không liên lạc được, gia đình ông Kỳ càng thêm lo lắng. Họ đã chủ động gọi cho Công ty CP Vạn Xuân chi nhánh Hà Nội (đơn vị đưa chị Toại đi XKLĐ) nhưng Công ty trả lời là cứ yên tâm, chị Toại vẫn làm việc bình thường. Thời gian trôi qua, chị Toại vẫn “bặt vô âm tín”.

Chẳng đặng đừng, đã 3 lần bà Hoàng Thị Bính (mẹ chị Toại) phải cất công ra gặp trực tiếp PGĐ Công ty Vạn Xuân chi nhánh Hà Nội là bà Trần Khánh Ninh (người trước đây trực tiếp đứng ra nhận con gái bà) để hỏi cho rõ. Bằng nhiều chiêu thức, bà Ninh thông tin rằng: Chị Toại vẫn làm việc bình thường, đã gia hạn hợp đồng, gia đình không có gì phải lo lắng cả. Tuy nhiên, khi bà Bình yêu cầu được nói chuyện qua điện thoại với con gái thì lúc bà Ninh nói rằng chưa liên lạc được với ông chủ, lúc thì lại dùng "người đóng thế" - giả là chị Toại để nói chuyện. "Người đó nói giọng miền bắc, khi “trắc nghiệm” bằng cách hỏi có biết một số người bà con, hàng xóm thì người bên kia dây không trả lời được" - bà Bính cho biết.

Quá lo lắng, thất vọng gia đình ông Kỳ sau đó đã làm đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng việc “mất tích” của con gái. Ngày 22-02, gia đình ông Kỳ đã chính thức gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an nhờ can thiệp.

Nỗi lo người nhà

Chúng tôi tìm đến nhà ông Kỳ lúc trời gần đứng bóng. Ngồi bên đứa cháu dại, ông Kỳ buồn bã: “Chưa có tin tức gì về mẹ của cháu nó cả chú ạ. Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi mất liên lạc, mọi người lo lắng, buồn phiền lắm”. Thấy có người lạ đến hỏi tin mẹ, cậu bé tên Nguyễn Ngọc Bảo (9 tuổi) đang học lớp 3 từ ngoài sân chạy vào nghe ngóng. Khi biết chúng tôi cũng chưa mang được thông tin gì mới về mẹ, cậu bé lại buồn thiu.

Ông Kỳ cho biết: Bảo sinh ra được 3 ngày thì bố bỏ đi Sài Gòn, từ đó đến bây giờ chưa một lần thấy mặt bố. Bố bỏ từ nhỏ, một mình mẹ vất vả làm thuê, làm mướn nuôi con nên từ nhỏ, cậu bé Ngọc đã sống với ông bà ngoại. Khi chúng tôi hỏi có nhớ mẹ không, cậu bé Ngọc gật đầu rồi mếu máo ứa nước mắt. Ông ngoại phải dỗ dành mãi em mới nín.

Theo ông ngoại, từ lúc mẹ nó đi, hằng đêm, khi mọi người đang ngủ say là nó vẫn giật mình gọi mẹ rồi khóc. “ Ngày ra đi, mẹ ôm nó vào lòng căn dặn ở nhà ngoan, nghe lời ông bà, chăm học cho giỏi rồi mẹ đi sẽ gửi tiền về để ông bà mua quần áo đẹp, đồ chơi cho. Rứa mà rồi tiền không có gửi về đồng mô, người cũng mất liên lạc luôn. Lạy trời đừng để thằng bé đã không có cha rồi đừng thêm nỗi đau mồ côi mẹ”, ông Kỳ lắc đầu thở dài.

Lời kết

Đi XKLĐ là cứu cánh thoát nghèo cho biết bao người dân ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Và thực tế trong những năm qua, hướng đi này đã phát huy hiệu quả. Thế nhưng, cùng với những đồng ngoại tệ thu được là biết bao bất trắc mà những người đi XKLĐ phải đối mặt. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Toại chỉ là một ví dụ điển hình. Thiết nghĩ, việc tìm kiếm, liên lạc với chị Toại là việc làm cấp thiết nhất của các đơn vị liên quan mà trước hết là công ty Công ty CP Vạn Xuân chi nhánh Hà Nội. Đó là trách nhiệm pháp lý của công ty môi giới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast