Những gia đình vắng tiếng con thơ...

(Baohatinh.vn) - Không khí tất bật chuẩn bị cho bữa cơm chiều chẳng đủ xua tan cảm giác trống vắng trong căn phòng trọ của gia đình anh Hoàng Trọng Hiệu ở khu tập thể Công ty CP Du lịch và Nước khoáng Sơn Kim (Hương Sơn). Vì gánh nặng cuộc sống, đôi vợ chồng trẻ đành gửi con cho ông bà, nên những “thiên thần” thơ dại thiếu vắng vòng tay cha mẹ.

Khu tập thể vắng bóng con trẻ

Đồng hồ điểm 6h chiều, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những cán bộ, công nhân Công ty CP Du lịch và Nước khoáng Sơn Kim trở về phòng trọ nghỉ ngơi, cơm nước. Tiếng bát đũa lách cách, mâm cơm nóng hổi vừa mới nấu dường như chẳng đủ “hâm nóng” cảm giác “lạnh lẽo” trong lòng người.

“Nhìn bao người phụ nữ khác tất bật đón con về sau giờ tan làm, nấu cho con những món ăn ưa thích và kèm cặp chúng học bài, chúng tôi quay quắt nhớ thương con” - chị Nguyễn Thị Hiền (Thạch Ngọc, Thạch Hà) dốc bầu tâm sự.

nhung gia dinh vang tieng con tho

Vì gánh nặng cuộc sống, những đôi vợ chồng trẻ ở Công ty CP Du lịch và Nước khoáng Sơn Kim đành chấp nhận để những “thiên thần” của mình thiếu vắng hơi ấm vòng tay của cha mẹ.

Anh Hiệu, chị Hiền là 2 trong số 30 cặp vợ chồng có thời gian gắn bó lâu nhất với khu tập thể công ty. Chọn mảnh đất vùng cao làm điểm dừng chân cũng là lúc những con người ấy phải đánh cược với bao chông gai của cuộc sống. Trong gần 60 “thiên thần” của các cặp vợ chồng ở khu tập thể, cháu nhỏ nhất mới chỉ gần 2 tuổi, cháu lớn nhất năm nay vừa bước vào độ tuổi trăng rằm.

Do địa điểm công tác xa xôi, thời gian nghỉ ngắn ngủi, họ phải chấp nhận gửi con cho ông bà nuôi nấng, dạy dỗ. Không ít gia đình vì muốn tạo điều kiện cho con sống gần bố mẹ nên xin các cháu vào học tại Trường Tiểu học Sơn Kim cách công ty gần 8 km. Tuy nhiên, quãng đường đến trường núi non hiểm trở khiến hành trình đến với con chữ của các em hết sức vất vả. Ấy là chưa kể, khi con vào được lớp thì bố mẹ lại muộn giờ làm.

Mỗi tháng, các em nhỏ chỉ có 4 ngày ngắn ngủi được sống gần cha mẹ. Đối với những “thiên thần” có bố mẹ làm xa nhà, chặng đường về quê Anh Sơn, Tân Kỳ (Nghệ An); Cẩm Nam (Cẩm Xuyên)… xa xôi còn rút ngắn thời gian sum họp. Đã quá quen với cuộc sống thường xuyên thiếu vắng bố mẹ, những đứa trẻ không còn khóc mỗi khi cha mẹ lên đường làm việc. Không ít người chấp nhận nuốt nước mắt vào trong khi con gọi mình là cha mẹ nhưng lại xưng… cháu, chỉ bởi các em đã quen sống với ông bà từ nhỏ.

Khắc khoải nỗi niềm

Theo các cán bộ, công nhân Công ty CP Du lịch và Nước khoáng Sơn Kim, trước đây, phương án lập nhà trẻ đã được manh nha, song lại sớm vụt tắt do độ tuổi các cháu không đều. Thêm vào đó, kinh phí để nhà trẻ hoạt động cũng hết sức khó khăn. Với thu nhập chỉ khoảng 5-7 triệu đồng, nếu phải bỏ ra từ 1,5-2 triệu đồng thuê người giúp việc thì quá sức đối với các gia đình.

Một nữ công nhân trải lòng: “Nhiều đêm nằm nhớ con rồi cả áp lực công việc, chỉ biết khóc cho nhẹ lòng. Từ bỏ công việc để về với con thì vợ chồng phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nên không còn cách nào khác là phải gửi con về quê nhờ ông bà nuôi”.

Sống cùng ông bà giúp con trẻ độc lập hơn, song cũng khiến các em trở nên nhút nhát so với bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, đối với các cháu ở độ tuổi THCS đang bước vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, nếu không có sự định hướng sát sao, sẽ rất dễ mắc sai lầm. Không chỉ vậy, do ông bà đã lớn tuổi và phần lớn đầu tắt mặt tối với ruộng đồng nên không có điều kiện tiếp cận những thay đổi về phương pháp giáo dục để dạy dỗ các cháu.

Câu chuyện về những khu tập thể vắng bóng trẻ con theo chân chúng tôi về miền xuôi với bao nỗi niềm khó tả. Khắc khoải những nỗi niềm trong lời hát được cất lên từ một nữ công nhân: “Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast