Nối dài những con đường khát vọng,,,

Trong ký ức của một lão nông. quê xưa nghèo xác xơ với những cái tên buồn như làng "gệt". Giờ đây, làng đã đổi thay nhiều lắm! Những con đường bê tông trải dài tít tắp nối làng trên xóm dưới từ đóng góp của người dân Xô Viết anh hùng.

Ký ức làng "Gệt”

Lão nông chúng tôi gặp ở xóm Dư Nại nằm trong chuỗi làng "Gệt” ấy là Lê Văn Mén, dù đã ngoài tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn quắc thước, tinh mẫn. Lão Mén giải thích cho chúng tôi biết về biệt danh làng "Gệt” - vùng quê chiêm trũng một thời tre pheo bụi rậm bao trùm lạch nước, vườn chua của mình. Do độc canh cây lúa, chân lấm tay bùn, dãi nắng dầm mưa mà cuộc sống vẫn cơ cực, bần hàn. Xã chỉ ở cách trung tâm huyện huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) 4 cây số nhưng để vượt qua quãng đường ngắn ngủi đó, người dân Xuân Lộc phải chịu cơ cực bởi “bàn chân chim xỏ vào gệt”. Một thời chưa xa, huyện Can Lộc có một làng mà mỗi gia đình dù nghèo cũng cố sắm cho được một vài đôi “gệt” (ủng) để đi bởi mỗi khi mưa xuống, những con đường đất từ ngõ ra đường làng bùn sục quá mắt cá chân. Đi bộ còn khó huống gì thời đó nếu có xe đạp cũng chỉ đẩy mà thôi.

Những đổi thay Xuân Lộc có được bằng việc khơi dậy tinh thần tự chủ của người dân
Những đổi thay Xuân Lộc có được bằng việc khơi dậy tinh thần tự chủ của người dân

Từ đó, ở chợ Nghèn hễ thấy ai mua ủng, không cần hỏi ai cũng đoán biết đó là người Xuân Lộc. Do giao thông đi lại khó khăn nên “Làng Gệt” được ví như một "ốc đảo". Hồi đó nhiều đứa trẻ ở đây không học nổi cấp ba, một phần cũng do đường đến trường quá cách trở.

Lão Mén nói: “Người dân làng quê mình nghèo thật, mấy chục năm qua để con cháu phải chịu tiếng làng gệt, làng ăn xin. Rồi ước mơ của lão Mén và nhiều người ở vùng quê này cũng trở thành hiện thực. Xuân Lộc, Hậu Lộc (mới đây đã chuyển về huyện Lộc Hà)… đang từng ngày khởi sắc, thay da đổi thịt.

Sau chuyển đổi ruộng đất giai đoạn hai, người nông dân được mở thêm hướng đi mới. Nông dân tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất thâm canh, có người thầu vài ba mẫu ruộng, đầu tư phát triển trang trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trở thành triệu phú. Kinh tế khá giả, có của ăn của để, người dân có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho đời sống văn hóa tinh thần.

Như nàng công chúa bừng tỉnh sau giấc ngủ, xã Xuân Lộc của lão Mén giờ đây đổi khác lắm. Những ngôi nhà vườn ngói đỏ cao tầng mọc lên bên những tuyến đường bê tông, nhựa hoá hun hút. Những ký ức buồn khổ giờ đã lùi xa, chỉ còn lại niềm vui trước sự khởi sắc.

Lão Mén hớn hở kể về kỳ tích chỉ trong vòng 4 tháng đã bằng bốn mươi năm, xóm Dư Nại của lão đã kép kín đường liên thôn. Xã Xuân Lộc làm mới 18 km đường bê tông liên thôn, liên xóm, làng quê này bây giờ không còn đường đất

Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Lê Công Quý cho biết: Xuân Lộc là xã thuần nông (85% dân số sản xuất nông nghiệp). Trước năm 2003, xã Xuân Lộc nằm trong tốp nghèo của huyện. Toàn xã chưa có một mét đường bê tông nào, điều kiện đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau Đại hội Đảng bộ xã khoá XVIII, cùng với việc kiện toàn lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Xuân Lộc lấy mục tiêu xây dựng nông thôn mới làm nhiệm vụ then chốt, chiến lược phát triển lâu dài của xã. Để hiện thực hoá mục tiêu đó, xã đã lựa chọn những tiêu chí cụ thể, cần thiết để ưu tiên thực hiện trước. Sau nhiều cuộc họp, lấy ý kiến dân chủ của người dân thì công tác quy hoạch xây dựng giao thông nông thôn được lựa chọn ưu tiên trước.

Sau khi phát động phong trào làm GTNT, xóm Dư Nại được chọn làm điểm. Ông Nguyễn Văn Trạch, Xóm trưởng Dư Nại cho biết, đây là xóm nghèo nhất xã. Dư Nại có 190 hộ, 800 nhân khẩu, hơn 50 hộ nghèo và cận nghèo. Địa hình của xóm phức tạp, các gia đình sống cách xa nhau nên mức đóng góp để xây dựng giao thông của người dân ở đây cao hơn nơi khác. Tuyến đường đầu tiên thi công là tuyến từ nhà chị Bình đến nhà anh Tuất dài 96m. Ngay sau khi Nghị quyết về quy hoạch, xây dựng GTNT được triển khai, bà con rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ, chi bộ và ban mặt trận xóm tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của người dân về mức độ đóng góp của từng gia đình.

Theo đó, tuỳ vào điều kiện của mỗi nhà, các hộ gia đình đóng góp từ 1 - 5 triệu đồng, đối với những gia đình khó khăn thì xóm ưu tiên cho đóng góp ngày công nhiều hơn, hoặc các hộ có điều kiện khá giả hơn đóng thay sau đó trả dần. Phương thức làm đường được nhân dân trong thôn lựa chọn là thuê máy trộn bê tông còn cát, sỏi và ngày công là do người dân đóng góp. Vì là tuyến thực hiện đầu tiên nên đã huy động đóng góp ngày công của hầu hết bà con trong xóm. Nhờ đó, chẳng mấy chốc tuyến đường bê tông dài gần 100m, mặt đường rộng 3m, dày hơn 15 cm, lề đường rộng mỗi bên 1 m được hoàn thành trong niềm phấn khởi của bà con trong xóm và sự ngưỡng mộ của người dân trong xã.

Ban đầu xóm Dư Nại dự định chỉ làm 1,8 km, nhưng khi tuyến đường đầu tiên hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, bà con trong xóm quyết định phủ kín bê tông hoá toàn bộ các nhánh đường trong xóm dài 3,5 km. Từ đấy câu chuyện về những tuyến đường ở Dư Nại đã lan toả và chẳng mấy chốc trở thành phong trào lớn.

Chỉ trong một thời gian ngắn xã Xuân Lộc đã tê tông hóa toàn bộ hệ thống GTNT trên địa bàn
Chỉ trong một thời gian ngắn xã Xuân Lộc đã tê tông hóa toàn bộ hệ thống GTNT trên địa bàn

Tổ chức cho bà con đi thăm quan, học tập Dư Nại, xóm giáo toàn tòng Yên Đồng đã triển khai 6 cuộc họp bàn, xoay quanh một câu hỏi lớn: cùng điều kiện, Dư Nại làm được đường bê tông, người dân đi lại thuận lợi, vì sao Yên Đồng không làm được?!. Khi lòng dân đã thuận, cùng sự giúp sức của huyện, xã và linh mục Nguyễn Xuân Đình, chỉ trong tháng 4 vừa qua, hơn 200 hộ dân ở đây đã đóng góp làm được 2,2 km đường bê tông trên 1,5 km đăng ký. Xin nói thêm, trong 10 năm qua, Yên Đồng chưa làm được một km đường bê tông nào. Nhiều gia đình ở đây do điều kiện kinh tế khó khăn đã bán cả lợn, bò… để góp tiền làm đường, UBND xã còn đứng ra thế chấp vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng cho xóm ứng trước thuê máy thi công…

Trước khi về “Làng Gệt”, Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Can Lộc Võ Thúc Đồng cho biết, Xuân Lộc nhiều năm liền là xã “trì trệ nhất huyện”. Nhưng khi đến xóm Dư Nại, rồi xuống các xóm Đình Yên, Văn Thịnh hay xóm đạo Yên Đồng…, dưới bóng những ngôi nhà cao tầng, các tuyến đường bê tông trải dài tít tắp rộng thênh thang, hun hút, tạo cho người đến có cảm giác ngỡ ngàng như phố.

Nối dài những con đường khát vọng

Từ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đặc biệt trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, tại mảnh đất kiên cường này, hàng vạn người dân đã tự dỡ ngôi nhà mình làm cầu cho xe qua “tất cả vì tiền tuyến” thì nay người dân Can Lộc vẫn luôn phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng chung lòng, chung sức trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh.

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Tam cho biết, ngay sau khi hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất lần hai, các cấp chính quyền ở Can Lộc đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện có 1.942 km đường giao thông các loại. Ngoài các tuyến đường Quốc lộ và Tỉnh lộ chạy đi qua địa bàn được chuẩn hoá thì các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn tỷ lệ cứng hoá còn hạn chế, trong đó có 79 % tổng chiều dài đường liên xã, 71,3% đường vào trung tâm xã, 54,3 % đường liên xóm và 936 km đường giao thông nội đồng đang là đường đất, đường cấp phối.

Thực trạng mạng lưới giao thông trên địa bàn đặt ra cho Đảng bộ và chính quyền nơi đây bài toán làm thế nào để huy động được nguồn lực đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông với mục tiêu đến năm 2015, tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn được nhựa, bê tông hoá bảo đảm định hướng về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Mặc dù điều kiện của người dân còn khó khăn, nhưng Can Lộc quyết tâm hoàn thành công tác quy hoạch phát triển hệ thống GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo bước đệm cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Phong trào GTNT của huyện không thể nào “cuỡng” lại được. Thành công đó chính là nhờ Đảng bộ đề ra chủ trương phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của người dân.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: Ngoài việc huyện hỗ trợ hồ sơ thiết kế và 70 triệu đồng/km, xã tiếp tục hỗ trợ máy móc, xi măng... Từ đó, phong trào xây dựng GTNT ở Can Lộc tiếp tục phát triển, huy động được sự đóng góp tích cực của các từng lớp nhân dân. Nếu các năm 2009 và 2010, Can Lộc mới làm được 100 km đường nhựa, bê tông thì 4 tháng đầu năm 2011 đã xây dựng 150 km đường bê tông, nâng tổng số đường giao thông liên thôn, ngõ xóm được bê tông, nhựa hoá trên địa bàn lên 532 km.

Đặc biệt, nhiều xã nhiều năm liền không làm nổi tấc đường nào thì nay làm cả chục km như: Sơn Lộc 18 km, Vượng Lộc 17km, Vĩnh Lộc 8km… Chất lượng, tiến độ xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tự nguyện hiến đất, tài sản để xây dựng đường như: Hộ anh Lê Hoa, xóm Dư Nại, xã Xuân Lộc, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng vẫn vay mượn đóng góp 14 triệu đồng hay hộ bà Đặng Thị Xuân, Nguyễn Sỹ Giáp, xã Tùng Lộc cả tường rào nhà mình cho đường làng thêm rộng…

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Võ Thúc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Tam, sau GTNT, Can Lộc sẽ tiếp tục phát động nhân dân làm giao thông nội đồng, kênh mương bê tông phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đề án xây dựng nông thôn mới…

Về Can Lộc, ngoài địa chỉ đỏ Ngã ba Nghèn, huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi còn được nghe một huyền thoại mới từ những con đường ý Đảng lòng dân. Ký ức buồn với những cái tên làng "gệt", đã lùi sâu vào dĩ vãng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast