Ông chủ quán nước chè và câu chuyện về chặng đường hoàn lương

Nằm sát cạnh công viên Trần Phú có một quán nước chè nhỏ không biển hiệu. Một người đàn ông còn khá trẻ luôn nhanh tay thu xếp lại bàn ghế mỗi khi có khách đến và tất tả chạy đi chạy lại bưng bê những món hàng đơn giản như cốc nước, đĩa xoài xanh…Nhìn qua, khó ai có thể ngờ người đàn ông đó đã có một thời “oanh liệt’ trong giới giang hồ đất Hà Tĩnh.

Một thời lầm lỡ

Rảnh rỗi, tìm đến quán anh để ngồi lai rai với cốc nước chè xanh, ai cũng có thể cảm nhận sự bình yên và hạnh phúc của đôi vợ chồng chủ quán. Một quá khứ “lẫy lừng” đã ngủ yên để giờ đây anh đang đi một con đường mới, vất vả nhưng thanh thản và bình yên. Người đàn ông tôi nhắc đến là Nguyễn Văn Thắng, tự “Thắng Huệ”.

Quán nước chè - góc nhỏ để anh Thắng làm lại cuộc đời
Quán nước chè - góc nhỏ để anh Thắng làm lại cuộc đời

Thắng từng là một con nghiện, một “đại ca” với những “thành tích’ làm không ít nhà chức trách địa phương phải đau đầu. Sinh ra trong một gia đình mà kinh tế không phải là gánh nặng khó khăn như nhiều gia đình khác ở phố núi Hương Sơn, cuộc sống tưởng chừng như may mắn cho người đàn ông sinh năm 1974 này khi anh nhận được sự quan tâm chăm sóc đầy đủ của những người thân. Thế nhưng, cùng với môi trường và sự giao du cùng với đám bạn bè xấu, Thắng nhanh chân sa vào vũng bùn và làm bạn với “nàng tiên nâu”, để rồi liên tiếp những năm tháng sau đó, Thắng lấy nhà giam thành chỗ trú thân cho mình để phải tách biệt với thế giới bên ngoài đằng đẵng một thời gian dài.

Cứ mỗi lần ra tù, Thắng lại cố gắng làm lại nhưng rồi do môi trường, do sự nhìn nhận khinh miệt của nhiều người đối với quá khứ lỗi lầm của anh, anh lại “ngựa quen đường cũ”, lại nghiện. lại bước vào vòng lao lý…

Những bước chân hoàn lương

Giữa năm 2008, mãn hạn tù, Thắng may mắn gặp và lập gia đình với một người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Điều đặc biệt khi tôi có nhiều dịp tiếp xúc với người vợ của anh – chị Hằng chính là sự thông cảm, chiều chồng. Chị biết anh và biết cả quá khứ với những “vết đen” của anh. Nhưng chị cũng biết và hiểu để khi về sống cùng anh chị chưa bao giờ để anh phải thấy nhói đau với quá khứ lỗi lầm của mình. Hai con người, hai tâm hồn đã gần như hòa làm một từ khi họ gặp nhau, để rồi cả hai đã cùng nhau bươn trải tìm cách bán buôn để tự mưu sinh kiếm những đồng tiền “sạch’. Trong một dịp tình cờ cùng đi chung đến một đám cưới, được nghe giọng hát trong trẻo cùng với phút ngẫu hứng làm “MC” của chị tại đám cưới, nhận thấy phía sau những tràng pháo tay của mọi người, ánh mắt của người vợ đó vẫn ngời sáng nhìn về người chồng đang ngồi dưới, mà mãi sau này tôi mới hiểu, vì sao anh Thắng lại kiên định trước con đường làm lại cuộc đời của mình. Trước khi mở quán nước chè, anh Thắng cũng đã từng trải qua rất nhiều nghề khác nhau, từng mở quán Thịt Chó…Trong thời buổi nền kinh tế đang khó khăn chung, không dễ gì những công việc anh làm đều có được thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Những lúc công việc anh đang theo không “xuôi chèo mát mái”, không ít lần anh nhận được những lời đề nghị từ những “bạn cũ’, với những công việc nhàn nhã mà lại nhiều tiền. Anh từ chối, dù biết mình sẽ phải loay hoay với cuộc sống và gánh nặng gia đình chưa biết phải như thế nào.

Với nhiều người có thể khi thành công với những thu nhập lớn mới có điều để nói. Nhưng với tôi, quán nước chè với thu nhập chỉ đủ nuôi sống gia đình anh hàng ngày đã có rất nhiều điều để nói.

Tôi đã từng rất thích câu nói của một du khách nước ngoài khi mua bức tranh của một người khuyết tật: “Tôi mua bức tranh của anh là vì phía sau bức tranh có câu chuyện, đó mới chính là giá trị của bức tranh”. Và tôi đã thực sự nhìn thấy cái giá trị phía sau quán nước chè trông rất tuềnh toàng của vợ chồng anh Thắng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast