Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

(Baohatinh.vn) - Triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ một cách thuận lợi nên đã giảm được một lượng lớn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, đồng thời giúp việc xử lý rác thải sinh hoạt ở phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) được thực hiện dễ dàng hơn.

Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

Việc phân loại và xử lý rác thải được các trường học trên địa bàn thực hiện trước sau đó nhân ra diện rộng trên địa bàn phường.

Hiện tại, tại hầu hết các hộ dân trên địa bàn phường Kỳ Liên đều trang bị 3 thùng đựng rác: Rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy và rác thải tái chế.

Theo nhiều người dân thì việc phân loại rác thải ngay tại hộ vừa có thể tự xử lý một phần, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường, đặc biệt là hạn chế được một lượng rác thải rất lớn ra môi trường.

Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

Các hộ gia đình trên địa bàn phường Kỳ Liên thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thải ngay tại nhà

Chị Trương Thị Định (tổ dân phố Hoành Nam, phường Kỳ Liên) cho biết: "Gia đình tôi đã được Hội phụ nữ phường xuống tận nơi để tuyên truyền và hướng dẫn cách phân loại rác thải ngay tại nhà.

Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác, gia đình tôi đã triển khai một cách nghiêm túc, những loại rác thải dễ phân hủy chúng tôi đã tự xử lý bằng cách đốt, chôn lấp; những loại rác tái chế như chai nhựa, vỏ lon bia, bìa các tông, giấy các loại… chúng tôi gom lại và bán cho những người đi thu mua phế liệu. Còn loại rác khó phân hủy thì tập kết để hợp tác xã môi trường của phường đi thu gom đưa về nhà máy xử lý rác thải.

Nếu như trước đây khi chưa thực hiện việc phân loại rác thì bình quân mỗi ngày gia đình tôi thải ra 1 kg rác thải sinh hoạt, nay sau khi đã phân loại mỗi ngày chỉ thải ra 1/3".

Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

Rác thải sinh hoạt được các trường học trên địa bàn phường Kỳ Liên thực hiện việc phân loại rõ ràng

Để thay đổi thói quen của người dân trong xử lý rác thải không phải là việc dễ thực hiện. Vì vậy, ngay từ khi triển khai, phường Kỳ Liên đã yêu cầu các đoàn thể, tổ dân phố ngoài việc tổ chức phát động, tuyên truyền để người dân thực hiện, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra.

Sau nhiều tháng kiên trì thực hiện, đến nay việc phân loại rác thải đã đi vào nề nếp, ý thức của từng hộ dân được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc phân loại và xử lý rác tại nhà thì hầu hết các hộ đều có ý thức thu gom và tập kết rác thải đúng nơi quy định, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước đây.

Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh cho biết: “Ban đầu vẫn còn gặp một số khó khăn do có nhiều hộ không hợp tác vì họ chưa hiểu được những cái lợi của việc phân loại và xử lý rác, cũng như việc bảo vệ môi trường. Sau một thời gian kiên trì vận động và tuyên truyền thì đến nay hầu hết các hộ dân trên địa bàn phường đã nhận thức được việc phân loại và xử lý rác thải đã góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đối với những loại rác thải khó phân hủy như rác thải nhựa...”.

Hiện ước tính mỗi tháng tại phường Kỳ Liên, lượng rác thải sinh hoạt giảm xuống còn 100 tấn, so với 145 - 150 tấn trước khi chưa tổ chức phân loại rác thải.

Phân loại tại nguồn, phường trung tâm TX Kỳ Anh giảm hàng chục tấn rác mỗi tháng

Tại các ngã ba, ngã tư - nơi tập trung đông người cũng được bố trí các giỏ rác

Ông Trần Phố Huế - Phó chủ tịch UBND phường Kỳ Liên cho biết: Để tiếp tục thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phường tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ người dân như: cấp phát bổ sung giỏ đựng rác miễn phí, đầu tư các thùng chứa rác công cộng... để tiện cho việc thu gom cũng như tránh tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường...

Đồng thời địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác bừa bãi.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast