Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm

(Baohatinh.vn) - Nhà thơ Tố Hữu từng viết: Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu/ Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều/ Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng/ Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời...

Hình ảnh bà mẹ, người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, suốt đời gánh nặng nuôi con, nhân hậu, thủy chung luôn là biểu tượng được bạn bè thế giới ngưỡng mộ và các thế hệ cháu con gìn giữ, noi theo.

Trong gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, tảo tần lo cho chồng con, ra ngoài họ còn là những bậc anh thư liệt nữ. Chính những đức tính đẹp ấy đã nâng cao phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam:

Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,

Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.

Ra ngoài giúp nước, giúp non,

Về nhà tận tụy chồng con một lòng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với đại diện nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn nhân kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với đại diện nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn nhân kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Sinh ra và lớn lên trong một đất nước luôn luôn có ngoại xâm, nền nông nghiệp lạc hậu với tập quán trồng lúa nước, đòi hỏi những thế hệ phụ nữ Việt Nam phải chia sẻ gánh nặng cơm áo cùng chồng, thức khuya, dậy sớm chăm lo cái ăn, cái mặc cho gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn con lớn lên rồi lần lượt tiễn chồng con ra trận, nhận về mình những khắc khoải cô đơn và đớn đau khi chồng con không trở về. Theo tháng năm, dưới những lũy tre xanh, những khu phố nghèo, bàn tay họ chai sạn, gò má nhăn nheo, lưng còng, gối mỏi, mái tóc bạc trắng.

Họ là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người mẹ, người vợ liệt sĩ, nữ bộ đội, nữ dân quân, thanh niên xung phong, những bác sĩ, cô giáo… nhưng cũng có khi chỉ là những người nông dân, người bán hàng rong bình thường trong một đất nước còn gian lao, khó nhọc.

Chiến tranh khốc liệt buộc cả những người con gái liễu yếu đào tơ xông pha nơi tiền tuyến và hy sinh tuổi xuân, xương máu của mình. Người mẹ nông dân phải “một nắng hai sương” trên đồng ruộng với hạt gạo phải qua nhiều công đoạn xay, giã, dần, sàng. Người phụ nữ bán hàng với đòn gánh kĩu kịt trên vai đi hết chợ trên, chợ dưới, đổi mồ hôi lấy những đồng tiền lẻ, dành dụm mua thóc gạo, áo quần, sách vở cho con. Những cô giáo thâu đêm bên trang giáo án, lo tròn công việc của người mẹ ở trường và người mẹ ở nhà. Những nữ lương y - mẹ hiền hy sinh cả bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh trong mùa đông giá rét cũng như ngày nóng bức…

Tất cả họ đều nhận về mình những vất vả, khó nhọc cho mọi người được hạnh phúc, đàn con thơ được no ấm, học hành. Những năm tháng khó khăn, hình ảnh ngôi nhà dột nát với câu thành ngữ “Nơi ướt mẹ nằm, nơi ráo phần con”, bát cơm độn khoai, mẹ dành cơm cho con, nhận phần khoai về mình đã thành phổ biến trong hầu hết gia đình nông dân.

Không chỉ là người xây tổ ấm, phụ nữ ngày nay đang từng bước khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Sỹ Ngọ
Không chỉ là người xây tổ ấm, phụ nữ ngày nay đang từng bước khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Sỹ Ngọ

Đất nước hòa bình, cuộc sống đổi thay, KT-XH đi lên khiến công việc của người phụ nữ bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, ở bất kỳ lĩnh vực nào và nhất là trong cuộc sống gia đình vẫn rất cần đức tính tận tụy, sự chịu đựng, hy sinh của người phụ nữ. Đó là sự thức khuya, dậy sớm lo bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con, dọn dẹp, sắp xếp trong gia đình để chồng con khi trở về nhà luôn cảm nhận được không khí thoải mái, quan tâm chăm sóc đến cha mẹ già để chồng con yên tâm học tập và công tác. Vì sao ngay cả việc này cũng phải là người phụ nữ? Vì người phụ nữ luôn tỉ mỉ quan sát, cẩn trọng, dịu dàng, biết được bố mẹ già cần gì, thiếu gì. Sự mẫn cảm, tình yêu thương, lòng nhân hậu và cả sự kiên trì chịu đựng giúp người phụ nữ biết hy sinh cho người khác, xây đắp hạnh phúc cho gia đình.

Ai đó nói rằng, hạnh phúc là sẻ chia. Với người phụ nữ, sẻ chia không chỉ đơn thuần là tiền bạc mà còn là thời gian, sự cảm thông, sự khéo léo, kiên trì để những người trong gia đình hiểu nhau, xích lại gần nhau, yêu thương nhau hơn, xóm làng hòa thuận, đoàn kết hơn. Một món quà nhỏ, một lời động viên khen ngợi, một cánh cửa mở ra bất chấp giá rét để chờ chồng con trở về, một đường kim mũi chỉ và nhất là những bữa cơm ấm cúng, hợp khẩu vị của từng thành viên trong gia đình đã khiến cho mái nhà luôn là tổ ấm. Bát cơm không nuốt nổi, ấy là khi gia đình có người đau ốm, khi những đứa con chưa ngoan. Giấc ngủ chưa trọn, ấy là khi người thân chưa trở về nhà. Người mẹ, người chị không chỉ thắp lên ngọn lửa gia đình mà còn là người gìn giữ ký ức trẻ thơ, để mỗi người con, người em lớn lên và đi xa luôn nhớ về gia đình, quê hương, biết sống đẹp, sống có ích cho đời.

Dù cuộc sống đổi thay rất nhiều thì đức tính hy sinh, sự kiên trì chịu đựng, sự mềm mại, dịu dàng của người phụ nữ vẫn là nét đẹp truyền thống giúp họ gìn giữ hạnh phúc gia đình, xây dựng môi trường cơ quan, công sở văn minh, xóm làng văn hóa, đất nước phồn vinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast