Từ các vụ đuối nước ở Hà Tĩnh: Nguy cơ luôn tiềm ẩn, ngay cả với người bơi thành thạo

(Baohatinh.vn) - Đó là cảnh báo của các chuyên gia bơi lội khi nhìn nhận về những vụ đuối nước thương tâm vừa xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh ngay từ đầu mùa nắng nóng.

Chiều 21/4, trong lúc tắm ở bãi tắm Xuân Hải (xã Thạch Bằng - Lộc Hà), em N.Đ.T (SN 2007), học sinh Trường THCS Đặng Dung (Can Lộc) đã bị đuối nước. Mặc dù đi cùng người lớn nhưng điều đáng tiếc vẫn xảy ra, em đã tử vong sau đó.

Từ các vụ đuối nước ở Hà Tĩnh: Nguy cơ luôn tiềm ẩn, ngay cả với người bơi thành thạo

Vào hè, rất đông người dân tìm về biển để giải nhiệt, nguy cơ tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn (Ảnh Thanh Hoài)

Trước đó, ngày 18/4, một vụ đuối nước thương tâm cũng xảy ra tại bãi biển Thạch Hải (Thạch Hà). Nạn nhân là em H.V.C (SN 2001, trú tại tổ 4- phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh). Được biết, C. cùng với nhóm bạn 18 người rủ nhau đi tắm biển. Tại đây, các em đã thi bơi, khi nhóm bạn đã vào bờ thì C. và một bạn trong nhóm vẫn nán lại để tiếp tục tranh tài. Do bơi quá sức, C. bị đuối và bị sóng cuốn ra xa.

Theo các chuyên gia lĩnh vực bơi lội mà chúng tôi tiếp xúc thì qua các vụ đuối nước vừa xảy ra trên địa bàn cho thấy, nguy cơ đuối nước luôn tiềm ẩn đối với cả người lớn, trẻ nhỏ, người không biết bơi cũng như người đã bơi thành thạo.

Từ các vụ đuối nước ở Hà Tĩnh: Nguy cơ luôn tiềm ẩn, ngay cả với người bơi thành thạo

Thầy Hồ Anh Bảo hướng dẫn học sinh thao tác kỹ thuật bơi an toàn

Thầy Hồ Anh Bảo - giáo viên thể dục Trường THCS Đại Nài (TP Hà Tĩnh), người được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy bơi cho rằng: “Đuối nước là nguy cơ nhìn thấy và hầu như năm nào cũng thế, cứ “đến hẹn lại… cảnh báo” nhưng tâm lý của nhiều người vẫn rất chủ quan.”

Ngoài tâm lý chủ quan thường thấy thì việc cấp cứu đuối nước không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tỉ lệ tử vong của các ca đuối nước.

Từ các vụ đuối nước ở Hà Tĩnh: Nguy cơ luôn tiềm ẩn, ngay cả với người bơi thành thạo

Bơi lội là kỹ năng sống còn, vì vậy phụ huynh cần sớm cho con đi học học bơi. (Ảnh: Trẻ em tham gia lớp học ở bể bơi tư nhân trên đường Hà Huy Tập- TP Hà Tĩnh)

“Thời gian vàng” để cấp cứu thành công một ca đuối nước là 4 phút đầu sau khi nạn nhân bị đuối. Tuy nhiên, với khoảng thời gian ngắn ngủi đó, hầu hết những người cấp cứu không đủ kiến thức và tâm lý bình tĩnh để xử lý đúng kỹ thuật. Việc kéo dài thời gian sơ cứu tại chỗ, thao tác sai kỹ thuật có thể làm cho nạn nhân bị tắc đường thở, dẫn đến tử vong nhanh hơn" thầy Bảo chia sẻ.

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, thầy Hồ Anh Bảo lưu ý: Bơi lội là kỹ năng sống còn, vì vậy, phụ huynh cần cho con đi học bơi bài bản tại các trung tâm uy tín, giáo viên được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với người đã biết bơi, không nên quá chủ quan mà bỏ qua các bước vận động thể lực trước khi tiếp xúc với nước; tìm vị trí an toàn, tránh xa vùng nước sâu, xoáy, đường di chuyển của các con sóng; bơi trong một thời gian vừa phải để đảm bảo sức khỏe…

Từ các vụ đuối nước ở Hà Tĩnh: Nguy cơ luôn tiềm ẩn, ngay cả với người bơi thành thạo

Thao tác sơ cứu đúng kỹ thuật sẽ góp phần cứu sống nạn nhân bị đuối nước

Ngoài ra, thầy Bảo cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ khi đưa con đi tắm biển trong mùa hè cần để mắt thường xuyên tới trẻ, bởi không gian bãi biển rộng, đông người sẽ khiến tầm quan sát bị hạn chế, nếu xảy ra đuối nước rất khó phát hiện để cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, khi tắm không nên mặc quần áo vải cotton bình thường mà nên ưu tiên các trang phục, phụ kiện bơi chuyên dụng như áo tắm, kính bơi, mũ bơi để hạn chế khả năng bị nước cuốn ra xa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast