Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

(Baohatinh.vn) - Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Năm 2022, tình hình thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật với 21/22 loại hình thiên tai; trong 1.072 trận thiên tai, có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 305 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 286 trận động đất; 191 vụ sạt lở bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 2 đợt rét hại và 2 đợt nắng nóng, hạn hán.

Thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại gần 25 tỷ đồng.

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban chỉ đạo, nỗ lực khắc phục khó khăn của các bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT&TKCN năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Công tác phòng ngừa đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng, như hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể PCTT Quốc gia; tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở...

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả tràn điều tiết nước vào tháng 28/9/2022.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác PCTT năm qua cũng còn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần sớm được khắc phục.

Cụ thể, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai; công tác vận hành hồ chứa còn bị động, quy trình vận hành còn nhiều bất cập…

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Nhà văn hóa cộng đồng - “phao cứu sinh” trong mùa lũ của người dân Hà Tĩnh. Trong ảnh: Người dân thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ tới nhà văn hóa cộng đồng tránh trú khi nhà bị ngập nước.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 diễn biến phức tạp. Nhằm chủ động ứng phó với tình hình thiên tai năm 2023, công tác PCTT&TKCN cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng.

Tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ PCTT; nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân…

Năm 2022, thiên tai ở Hà Tĩnh diễn ra không quá phức tạp như những năm trước. Tuy vậy, Hà Tĩnh vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và mưa lớn gây ngụp lụt tại các địa phương, nhất là huyện miền núi.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư dự trữ thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; phê duyệt phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão; tổ chức rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra ngập lũ sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể về di dời, sơ tán dân; kiểm tra, rà soát quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như các giải pháp căn cơ, lâu dài, giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận hội nghị. Ảnh: BCĐ Quốc gia về PCTT.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay: Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này được thể hiện ngay những tháng đầu năm 2023 khi thời tiết cực đoan đã xuất hiện, ảnh hưởng tới một số địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, các bộ, ban, ngành, địa phương cần xác định công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai thực hiện các chỉ thị, chiến lược, kế hoạch PCTT Quốc gia, Chương trình tổng thể PCTT Quốc gia.

Nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; tổ chức ứng phó với các trận thiên tai lớn, giảm thiểu thiệt hại; chỉ đạo vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, xác định công tác cứu hộ, cứu nạn là hoạt động quan trọng của lực lượng vũ trang, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong PCTT&TKCN...

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất mở rộng mô hình văn phòng công chứng, tăng cường trách nhiệm công chứng viên.
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, cho ý kiến kỳ họp thứ 8

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, cho ý kiến kỳ họp thứ 8

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 8 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật về đầu tư là dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Dự án đường sắt tốc độ cao có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển

Dự án đường sắt tốc độ cao có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển

Sáng 5/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Phản ánh đầy đủ, kịp thời kiến nghị của cử tri đến Quốc hội

Phản ánh đầy đủ, kịp thời kiến nghị của cử tri đến Quốc hội

Đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh tiếp tục sâu sát cơ sở, tổ chức đối thoại, lắng nghe Nhân dân, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân.