Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm 2022, thiên tai trên cả nước đã có nhiều diễn biến bất thường (mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị; rét lịch sử cuối tháng 2 năm 2022, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; động đất liên tiếp tại Tây Nguyên).
Chiều 14/6/2022, mưa đá kèm theo lốc xoáy khiến 30 nhà dân ở thôn 3 và thôn 4, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị tốc mái, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Đối với địa bàn Hà Tĩnh, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2022 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến trực tiếp đất liền có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng từ 12 - 14 cơn và hưởng đến đến nước ta khoảng 4 - 6 cơn); ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh thấp hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 2 - 3 cơn).
Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022 nhằm giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Sở NN&PTNT (Cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai của tỉnh) theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng chống thiên tai thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh. Chỉ đạo nâng cao năng lực, bảo đảm điều kiện hoạt động của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê điều, công trình phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, hồ đập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra vị trí sạt lở tuyến đường trục xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.
Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương, các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tại các địa phương về đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng trên địa bàn; chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra cụ thể, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét kịp thời theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ cho các công trình thực sự cấp bách, ngoài khả năng của các địa phương, đơn vị, phù hợp với điều kiện nguồn vốn của tỉnh cho công tác phòng chống thiên tai.
Triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh; Bộ Tiêu chí thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025. Đồng thời nghiên cứu tham mưu Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp huyện.
Tham mưu triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2030; thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin diễn biến của thiên tai, khí tượng, thủy văn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng phương án ứng phó với thiên tai; tổ chức tập huấn, diễn tập PCTT và TKCN, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm để chủ động ứng phó. Phối hợp các địa phương trong việc bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, bảo vệ sản xuất, né tránh thiên tai, thích nghi ở những vùng thường xuyên bị thiên tai.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương theo chức năng nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác PCTT và TKCN các ngành, các cấp năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh.
Cán bộ, chiến sỹ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh kiểm tra phương tiện phục vụ PCTT, tìm kiếm CHCN.
Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Luôn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ sản xuất, xoá đói giảm nghèo góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả.
Nâng cao năng lực dự báo khí hậu, thời tiết, cảnh báo thiên tai, trên cơ sở củng cố, nâng cấp và hiện đại hóa các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn đã có; xây dựng mới các trạm cảnh báo lũ đầu nguồn và các trạm đo sóng ven biển. Đầu tư trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành và liên lạc với các tàu thuyền đánh bắt trên biển khi dự báo có khả năng hoặc xẩy ra thiên tai. Làm tốt công tác thường trực chỉ huy trong mùa bão, lũ từ tỉnh đến cơ sở, cập nhật, nắm bắt diễn biến thiên tai, kịp thời cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng, tránh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quyết định các biện pháp ứng phó.
Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tư, an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản…. Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn; tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao, hồ do tư nhân quản lý.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai đã xẩy ra trong những năm gây đây, chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm; trang thiết bị không an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo; thuyền trưởng, máy trưởng thiếu chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ ra khơi. Kiểm tra rà soát hiện trạng các khu neo đậu, chủ động sữa chữa các hư hỏng, nạo vét luồng lạch và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn. Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển.
Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão; bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…..nhất là đối với Nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
Tổ chức thu, quản lý sử dụng quỹ PCTT đúng quy định, phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Tổ chức thường trực, trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai và thiệt hại, công tác chỉ đạo ứng phó, nhu cầu về nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hiệu quả về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua văn phòng thường trực) để tổng hợp.
Sở NN&PTNT kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ thị này.