Theo thông tin ban đầu từ Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), vụ việc xảy ra vào khoảng 10h45’ ngày 17/5 trên tuyến đường liên xã thuộc thôn Long Sơn, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, khi chị Trần Thị Thúy Huyền (trú tại thôn Vọng Sơn, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) điều khiển xe ô tô BKS 37A-715.32, trên xe chở con gái, lưu thông trên đường thì bỗng nhiên bốc cháy.
Sau khi phát hiện sự việc, chị Huyền đã cùng con gái xuống xe kêu gọi mọi người hỗ trợ dập lửa.
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an huyện Đức Thọ đã chỉ đạo lực lượng chức năng ghi nhận hiện trường, tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định, giải tỏa giao thông.
Bước đầu làm việc, chị Huyền cho biết: “Khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường cách hiện trường nơi xảy ra sự việc khoảng 500m thì hệ thống điều hòa không làm mát nữa, tôi và con gái đều ngửi thấy có mùi khét trong xe. Sau đó tôi dừng xe lại để kiểm tra thì phát hiện xe bốc cháy từ phía trước. Sự việc diễn ra quá nhanh nên tôi chỉ kịp hô hoán và đưa con gái thoát ra khỏi xe”.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tại hiện trường thì độ dài của rơm phơi trên đường rất ngắn, khoảng 3-5m, rơm đang trong tình trạng ẩm và quãng đường dài trước đó không có rơm phơi.
Như vậy, nguyên nhân ban đầu được lực lượng chức năng xác định là do lỗi sự cố hệ thống điện của phương tiện dẫn đến sự việc trên. Việc trưng cầu giám định của cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân cháy cũng không thể thực hiện được vì mọi thứ đã bị thiêu rụi.
Qua sự việc này, cơ quan chức năng khuyến cáo, mỗi người dân trước khi khởi động xe ô tô tham gia giao thông phải kiểm tra kỹ tình trạng của phương tiện, tiến hành bảo dưỡng theo định kỳ…
Quá trình lưu thông nếu phát hiện hiện sự cố bất thường của phương tiện như mất điều hòa, có mùi khét, khói bốc lên… nên tấp xe vào lề đường để kiểm tra, xử lý, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Thời điểm này người dân đang vào vụ thu hoạch lúa xuân, tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè để phơi rơm, thóc… diễn ra khá phổ biến tại các vùng quê. Tuy nhiên việc sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định, gây cản trở giao thông là hành vi phạm.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Không chỉ bị xử lý về mặt hành chính mà hành vi đặt các chướng ngại vật gây cản trở giao (trong đó có phơi rơm rạ, thóc, các loại nông hải sản… trên đường giao thông) được quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) được quy định là tội cản trở giao thông nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của vụ việc mà người thực hiện hành vi đó có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến mức cao nhất là 300.000.000 đồng, có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến mức cao nhất là 10 năm.