Theo đó, Bộ VH-TT&DL đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và việc mời Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp, tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: TTXVN
Thông tin trên được nêu rõ tại Văn bản số 1918/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Hát Xoan và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ.
Nghề làm tranh Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, do người dân làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng tạo và phát triển thành làng nghề.|
Dựa vào nội dung-chủ đề, tranh Đông Hồ bao gồm bảy loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1-tháng 12/2012) ở loại hình Nghề thủ công truyền thống.