Bộ phim khắc họa cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du từ lúc ông còn nhỏ theo cha về Tiên Điền (Nghi Xuân) cho đến giai đoạn trưởng thành, ra làm quan, đi sứ Trung Quốc... Đặc biệt, nhấn mạnh ảnh hưởng từ sự giáo dục của một dòng họ “Trâm anh thế phiệt” - dòng họ Nguyễn Tiên Điền cùng khí lực của vùng đất địa linh núi Hồng và văn hóa của con người Hà Tĩnh... đến sự hình thành nhân cách và tài năng của Đại thi hào. (Trong ảnh: diễn viên Sỹ Hưng vào vai Nguyễn Du)
Diễn viên trẻ Hoàng Linh hóa thân vào vai Thúy Kiều, nhân vật chính trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du
Với điểm nhìn nhân bản, kịch bản phim xây dựng hình tượng Nguyễn Du từ một con người bình dị hòa mình vào đời sống dân gian khi ông có quãng đời thanh xuân sôi nổi ở làng quê Tiên Điền. Qua những bài thơ, bút tích và giai thoại..., hình ảnh của Nguyễn Du là một chàng thanh niên đầy nhiệt tình, như tham gia phường săn núi Hồng, hát phường vải ở Trường Lưu (Can Lộc)... Ảnh: Cảnh quay Nguyễn Du cùng người hầu vượt sông Rum(sông Lam)...
Trèo đèo, lội suối băng qua núi Hồng... để sang Trường Lưu hát phường vải
Như bao chàng trai trẻ vùng quê khác, có lúc thầy trò Nguyễn Du cũng bị đám trai làng đuổi đánh... Chỉ vì họ sợ gái làng “mê” những bài thơ, câu ví của cậu ấm Chiêu Bảy
Những lúc hòa mình vào cuộc sống dân gian, nhập cuộc với hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời chính là lúc Nguyễn Du có những trải nghiệm phong phú. Và đó chính là chất xúc tác để khơi nguồn cho những câu Kiều sau này...
Không phải là bộ phim về Truyện Kiều, nhưng "Đại thi hào Nguyễn Du" tái hiện một số trường đoạn về cuộc đời của Thúy Kiều và một số nhân vật khác trong câu chuyện. Những trường đoạn này nhằm minh họa cho quá trình nhận thức cuộc sống và cảm hứng sáng tác của Đại thi hào qua từng giai đoạn. (Trong ảnh: Phân cảnh chị em Thúy Kiều du xuân thăm mộ Đạm Tiên).
Là câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Du, điều không thể không nhắc đến là sự ảnh hưởng giáo dục từ dòng họ Nguyễn - Tiên Điền. Nội dung phim có sự khơi gợi lý giải cho sự hưng thịnh của dòng họ “Trâm anh thế phiệt” lừng lẫy Việt Nam một thời này... còn có cả yếu tố tâm linh và học thuyết Nho giáo. (Trong ảnh: Cuộc gặp gỡ giữa cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du - áo đỏ) với một bậc cao nhân đã mở ra thời đại của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền rạng rỡ con đường quan lộ).
Dù là bậc tài năng kiệt xuất, nhưng đã có lúc Nguyễn Du rơi vào cảnh lao tù... Đó là một trong những quãng đời đen tối của Đại thi hào. (Trong ảnh: Cảnh phim Nguyễn Du ở tù, được thực hiện ở xã Tiên Điền)
Không chỉ sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, bộ phim còn tuyển chọn những diễn viên không chuyên và các vai diễn quần chúng ở tại Nghi Xuân để vào vai các nhân vật. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Xuân Bường (60 tuổi, Tiên Điền, Nghi Xuân) được chọn đóng vai người chèo thuyền đưa thầy trò Nguyễn Du qua sông).
Để thực hiện những cảnh quay ở Hà Tĩnh, đoàn phim “Đại thi hào Nguyễn Du” phải huy động một ê kíp hùng hậu hơn 40 người. Dự kiến, đoàn phim sẽ quay tại Hà Tĩnh trong thời gian 20 ngày, tiếp đó sẽ ra Bắc Ninh, Thái Bình, vào Huế... quay những phân đoạn Nguyễn Du trong thời gian ở quê ngoại và làm quan trong triều đình Huế. (Trong ảnh: Đoàn phim thực hiện những cảnh quay ở đập Xạ, phường Đậu Liêu (T.X Hồng Lĩnh).
Bộ phim "Đại thi hào Nguyễn Du" được thực hiện với mục đích tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du và những di sản văn hóa mà ông để lại không chỉ cho Hà Tĩnh, Việt Nam mà còn cho toàn nhân loại. Với việc hướng đến giá trị nghệ thuật và phi lợi nhuận, chúng tôi - bằng tâm huyết của những người con Hà Tĩnh - mong muốn thế giới biết đến và hiểu sâu hơn nữa về Nguyễn Du.