Dự thảo tổng kết thực hiện Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết 653 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, đang được Bộ Nội vụ công bố xin ý kiến nhân dân.
Về thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị quyết theo hướng, mỗi tỉnh vùng cao phải đảm bảo tiêu chuẩn 900.000 người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng hơn 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung (hơn 12.000 km2) thì quy mô dân số được giảm 25% (trên 700.000 người).
Các tỉnh không phải miền núi cần đạt quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên. Thành phố thuộc thành phố (như Thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh) phải có quy mô dân số từ 250.000 người và diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên...
Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. “Những tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số, và tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100% sẽ thuộc diện xem xét sáp nhập”, ông Minh nói. Tỉnh nào làm điểm sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể từng trường hợp.
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Ảnh: TTX
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, Bộ được Chính phủ giao tổng kết thực hiện hai Nghị quyết 1211 và 653; đề xuất tổng thể việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã và tiến tới thí điểm đơn vị hành chính cấp tỉnh.
“Không phải nói sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là làm ngay trong năm 2022 mà việc này cần thời gian để xây dựng đề án”, ông Minh nói.
Lộ trình cụ thể được chia thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên, trong năm 2021, Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa đổi Nghị quyết trong tháng 8.
Sang tháng 9, căn cứ các tiêu chuẩn đơn vị hành chính mới, Bộ xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và xây dựng kế hoạch lập đề án sáp nhập một số tỉnh không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số. Dự kiến quý 1 năm 2022 ban hành kế hoạch; từ 2022 đến 2025, Bộ xây dựng đề án.
“Khi xây dựng đề án, chúng tội phải tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát, điều tra, đánh giá tác động nhiều chiều... Quá trình này sẽ được làm thận trọng”, ông Minh nói, cho biết sau khi có đề án, Bộ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua.
Do việc sáp nhập quy mô cấp tỉnh tác động đến nhiều mặt. Ngoài tiêu chí về diện tích, dân số, cơ quan chức năng còn phải tính tới tính chất đô thị, văn hóa, truyền thống, quốc phòng, an ninh...
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được thực hiện từ năm 2026. Sau thời gian làm điểm, dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tiêu chuẩn đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của cả nước.
“Kinh nghiệm sáp nhập Hà Nội với Hà Tây phải qua hai nhiệm kỳ mới hoàn tất. Trong đó nhiệm kỳ thứ nhất xây dựng đề án, trình các cấp có thẩm quyền; nhiệm kỳ thứ hai Quốc hội mới thông qua”, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ nói thêm.
10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước là Bắc Ninh 822,7 km2; Hà Nam 860,5 km2, Hưng Yên 926 km2, Vĩnh Phúc 1.238,6 km2, TP Đà Nẵng 1.285,4km2, Ninh Bình 1.378,1 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2, Vĩnh Long 1.475 km2, Hải Phòng 1527,4 km2, Thái Bình 1.570,5 km2.
Các tỉnh có dân số dưới 700.000 người theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê, gồm Bắc Kạn 313.905 người, Lai Châu 460.196, Cao Bằng 530.341, Kon Tum 540.438, Ninh Thuận 590.467, Điện Biên 598.856, Đắk Nông 622.168, Quảng Trị 632.375.