Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao.
Theo thống kê, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đang quản lý, điều trị cho 731 bệnh nhân lao các thể. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội I của bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng từ 40 -50 bệnh nhân lao với các loại như: lao phổi, lao kháng thuốc, lao HIV, trong đó có khoảng trên 10% là lao kháng thuốc.
Bác sỹ Dương Đình Đồng - Trưởng khoa Nội I (Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh) cho biết: "Trong các loại lao thì lao kháng thuốc điều trị lâu nhất với thời gian từ 9 - 24 tháng; lao phổi thường có thời gian điều trị 6 tháng. Thời gian điều trị phụ thuộc vào quá trình tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân không kiên trì, khi bệnh có chuyển biến tích cực lại bỏ phác đồ điều trị khiến bệnh tái phát, chuyển sang kháng thuốc, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và kéo dài”.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân L.T.S. (huyện Hương Sơn) được chẩn đoán bị lao phổi. Sau khi vào Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh điều trị một thời gian, tình trạng bệnh tiến triển tốt, sức khỏe dần hồi phục nên được về điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, bệnh nhân ngừng uống thuốc và không tuân thủ các khuyến cáo của bác sỹ nên bệnh tái phát, chuyển sang lao kháng thuốc phải tái nhập viện để điều trị".
Những trường hợp thiếu kiên trì trong điều trị lao như bệnh nhân L.T.S. không hiếm trong thời gian qua và để lại nhiều hệ lụy cho bản thân người bệnh, gia đình và gây nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền về phòng, chống lao trong cộng đồng; nâng cao năng lực giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, để có thể tiến tới loại trừ bệnh lao, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng. Bởi hiện nay vẫn còn tâm lý kỳ thị của cộng đồng với bệnh lao và người nhiễm lao. Điều này khiến người bệnh có tâm lý giấu bệnh, khi bệnh chuyển nặng mới đến thăm khám, điều trị. Bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị khỏi nên cộng đồng cần có cái nhìn cởi mở hơn đối với người nhiễm lao.
Được biết, hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đạt 98,6%. Công tác phòng, chống lao trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, toàn diện qua 3 chiến lược gồm: Đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát hiện các trường hợp bệnh nhân mắc lao khi tới khám tại cơ sở y tế, tất cả các bệnh nhân tới khám nếu có dấu hiệu ho, ho kéo dài, khó thở, đau ngực... đều bắt buộc chụp X-quang phổi và làm các xét nghiệm liên quan nếu bác sỹ có chẩn đoán nghi ngờ mắc lao; triển khai khám chủ động các đối tượng đang sống trong cộng đồng nhưng nguy cơ cao mắc bệnh lao như: người sống cùng bệnh nhân lao, người có biểu hiện mắc bệnh lao và người mắc bệnh mạn tính; tầm soát, quản lý lao tiềm ẩn.
Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Để tiến tới loại trừ được bệnh lao, ngoài nỗ lực của ngành y tế thì cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả cộng đồng, nhất là hệ thống y tế cơ sở trong công tác tuyên truyền, giám sát. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách.
: ”.